Phong trào thi đua Quyết thắng luôn bám sát thực tiễn, phát triển liên tục, rộng khắp

Phong trào thi đua Quyết thắng luôn bám sát thực tiễn, phát triển liên tục, rộng khắp

Biên phòng – Trong 2 ngày 15 và 16/7, BĐBP các tỉnh: Quảng Ninh, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Bình Thuận và Nam Định đã tổ chức Đại hội thi đua Quyết thắng (TĐQT) giai đoạn 2019-2024. Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP dự, chỉ đạo Đại hội TĐQT BĐBP Bà Rịa – Vũng Tàu và BĐBP Bình Thuận; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP dự, chỉ đạo Đại hội TĐQT BĐBP Quảng Ninh và BĐBP Nam Định; Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP dự, chỉ đạo Đại hội TĐQT BĐBP Lai Châu; Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP dự, chỉ đạo Đại hội TĐQT BĐBP Kiên Giang.


BĐBP Lai Châu tổ chức tuần tra liên hợp thực thi pháp luật với Chi đội quản lý biên giới Hồng Hà, Trạm kiểm tra biên phòng xuất, nhập cảnh Kim Thủy Hà, Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Đức Duẩn

5 năm qua, BĐBP các tỉnh: Quảng Ninh, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Bình Thuận và Nam Định đã quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chỉ thị, nghị quyết của các cấp về công tác thi đua, khen thưởng và phong trào TĐQT; kết hợp chặt chẽ giữa công tác thi đua, khen thưởng và phong trào TĐQT với thực hiện các cuộc vận động của các cấp, các ngành và địa phương; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với phong trào thi đua BĐBP làm theo lời Bác Hồ dạy.

Phong trào TĐQT đã luôn bám sát thực tiễn, phát triển liên tục, rộng khắp và hiệu quả, xuyên suốt trong mọi hoạt động của bộ đội, thực sự là động lực mạnh mẽ thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ phát huy tính tích cực, tinh thần dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phòng chống các loại tội phạm, cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở khu vực biên giới; xây dựng đơn vị chính quy, vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Tiêu biểu trong phong trào TĐQT của BĐBP Quảng Ninh 5 năm qua, đó là đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng với tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị địa phương gắn với xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc ở địa bàn biên giới, biển, đảo… Hiện nay, BĐBP Quảng Ninh tiếp tục duy trì 24 cán bộ BĐBP giữ chức phó bí thư đảng ủy các xã, phường biên giới; 5 đồng chí là đồn trưởng và chính trị viên các đồn Biên phòng tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thành phố biên giới nhiệm kỳ 2021-2025 (theo Kết luận số 68-KL/TW ngày 5/2/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về 2 năm thực hiện chủ trương thí điểm tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng vào cấp ủy cấp huyện biên giới tỉnh Quảng Ninh”); 3 đồng chí tham gia HĐND cấp xã, phường nhiệm kỳ 2021-2026; 95 đồng chí đảng viên là cán bộ BĐBP tham gia sinh hoạt chi bộ ở các thôn, bản giáp biên; 356 đồng chí cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách 1.490 hộ gia đình ở khu vực biên giới, biển đảo.

Nét nổi bật của phong trào TĐQT trong BĐBP Lai Châu giai đoạn 2019-2024 là đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong triển khai công tác đối ngoại Biên phòng, duy trì chế độ hội đàm, tuần tra song phương, tuần tra liên hợp chấp pháp, trao đổi thông tin và phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc; tham mưu cho địa phương tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, các hoạt động thăm hỏi, giao lưu góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên. 5 năm qua, BĐBP Lai Châu đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức ký kết 7 cặp xã – trấn, thôn – bản hai bên biên giới, trong đó có 5 cặp thôn – bản biên giới, 1 cặp thôn – bản nội địa và 1 cặp xã – trấn; các đơn vị BĐBP Lai Châu gửi 214 thư, nhận 180 thư; hội đàm trực tiếp 15 lần, hội đàm trực tuyến 4 lần, gặp gỡ trên biên giới 36 lần; tuần tra liên hợp, tuần tra song phương 63 lần; duy trì có hiệu hoạt động kết nghĩa của 5 cặp đồn, cụm đồn – đồn, đại đội, trạm, phân trạm kết nghĩa; hỗ trợ vật tư, y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu phía Trung Quốc với tổng số tiền 312 triệu đồng…

Đối với BĐBP Kiên Giang, điểm nổi bật trong thực hiện phong trào TĐQT 5 năm qua là đã triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các biện pháp công tác biên phòng, tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo. Đơn vị tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo được 15.236 lượt với 50.744 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; phát hiện, xử lý các vấn đề đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; giám sát chặt chẽ hoạt động nghề cá; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển nước ta và tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và các chủ tàu được 4.080 lượt với 22.047 lượt thuyền viên; phối hợp tuyên truyền tập trung được 769 buổi với 27.401 người tham dự; hướng dẫn 20.567 lượt chủ tàu, 48.852 lượt thuyền viên viết cam kết không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, đảo 2.554 lượt với 8.971 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đồng thời, tiếp nhận thông tin, điều tra, xác minh, xử lý và tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử lý 111 vụ/170 tàu cá vi phạm IUU/trên 42 tỷ đồng.


Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Kiên Giang tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển. Ảnh: Lạc Âu Thành

Giai đoạn 2019-2024, BĐBP Nam Định gắn thực hiện phong trào TĐQT với triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, hoạt động an sinh xã hội mang lại ý nghĩa, thiết thực, có tính nhân văn sâu sắc, tiêu biểu như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động xây tặng nhà Đại đoàn kết, nhà Tình nghĩa, “Mái ấm biên cương” cho các gia đình chính sách, người nghèo nơi biên giới, Chương trình “Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Ngày hội bánh chưng xanh”, “Xuân biên cương, Tết hải đảo”, “Nâng bước em tới trường – Con nuôi đồn Biên phòng”, “Mẹ đỡ đầu”…

Đơn vị đã tặng 8.500 lá cờ Tổ quốc, 1.700 ảnh Bác Hồ, 870 áo phao cho ngư dân; nhận nuôi 35 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ số tiền 1.505.000.000 đồng và 2.930kg gạo. Ngoài ra, hằng năm, BĐBP Nam Định phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng xe đạp, nhu yếu phẩm, sách vở học tập cho các cháu trị giá 350 triệu đồng; tặng 1.035 suất quà, hàng nghìn chiếc bánh chưng cho người nghèo, gia đình chính sách, trị giá hàng tỷ đồng. Thông qua các việc làm hiệu quả, thiết thực, BĐBP Nam Định đã góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; quan hệ giữa quần chúng nhân dân với BĐBP ngày càng gắn bó hơn, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Điểm nổi bật trong phong trào TĐQT của BĐBP Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2019-2024, đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu cảng biển, cửa sông, cửa lạch. Đơn vị tổ chức đăng ký, kiểm chứng cho 80.490 lượt tàu cá/672.517 lượt thuyền viên ra vào hoạt động trên biển. Đối với tàu hàng, làm thủ nhập cảnh 18.811 chuyến/380.905 thuyền viên/2.135 hành khách/167.322.967 tấn hàng; xuất cảnh 18.204 chuyến/361.398 thuyền viên/2.120 hành khách/132.395.785 tấn hàng. Đối với tàu khách du lịch, làm thủ nhập cảnh 122 chuyến/112.065 thuyền viên/262.050 hành khách; xuất cảnh 135 chuyến/130.286 thuyền viên/305.940 hành khách. BĐBP Bà Rịa – Vũng Tàu quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cửa khẩu có phẩm chất, kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Giai đoạn 2019-2024, BĐBP Bình Thuận đã cụ thể hóa phong trào TĐQT với việc duy trì nghiêm công tác sẵn sàng chiến đấu; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Công an, Quân sự, Biên phòng; hiệp đồng tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ rừng; rà soát, bổ sung, huấn luyện sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển; tổ chức 2.300 buổi/7.876 lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự vùng biển, đảo; kiểm chứng 15.536 lượt tàu cá/88.624 lượt lao động; làm thủ tục nhập cảnh cho 623 tàu, xuất cảnh cho 556 tàu, chuyển cảng đến 97 tàu, chuyển cảng đi 129 tàu; làm thủ tục nhập khẩu với 20.706.445,76 tấn hàng hóa, xuất khẩu 5.614.208,23 tấn hàng hóa…

Hà Mi