Ông Nguyễn Trọng Bình hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. Vừa đảm nhận công việc tại UBND xã, ông còn đầu tư, sản xuất hoa để phát triển kinh tế.
Năm 2020, nhận thấy việc trồng hoa lan vũ nữ cắt cành mang lại thu nhập cao, ông Bình bàn với vợ thực hiện mô hình. Từ số tiền gần 1 tỷ đồng vay mượn, tích góp, gia đình ông Bình đầu tư cải tạo 1.000m2 vườn, xây dựng nhà kính công nghệ cao, mua sắm các trang thiết bị để trồng hoa.
Trồng lan vũ nữ cắt cành, ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng có nguồn thu nhập cao (Ảnh: Minh Hậu).
Bà Đinh Thị Thu Tâm (50 tuổi, vợ ông Bình) cho biết, diện tích vườn 1.000m2 vốn là khu vực trồng cà phê của gia đình. Khi cà phê kém hiệu quả, gia đình chuyển sang trồng các loại rau ăn lá nhưng nguồn thu không cao.
“Khi nắm bắt thông tin về lan vũ nữ, dù vốn đầu tư ban đầu “nặng” nhưng vợ chồng tôi quyết định làm. Lan vũ nữ quen thuộc với người đam mê lan nhưng để trồng quy mô lớn, cắt cành bán rất ít người làm”, bà Tâm chia sẻ.
Sau khi hoàn thiện hệ thống vườn, gia đình ông Bình nhập giá thể, giống lan cùng các loại vật tư khác về sản xuất.
Phó chủ tịch xã kiếm bộn tiền từ nghề “tay trái” (video: Minh Hậu).
Theo ông Bình, thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ông phải tìm đến những nhà vườn lớn học hỏi cách chăm bón; liên hệ các cơ sở chuyên thu mua hoa ở thành phố Đà Lạt để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Bình cho hay, lan vũ nữ phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương nên phát triển nhanh. Đặc biệt cây ít bị ảnh hưởng bởi nấm, bệnh nên việc sản xuất của gia đình thuận lợi.
Đến năm 2022, vườn lan bắt đầu cho thu hoạch và gia đình ông cũng đạt được hợp đồng bao tiêu từ một cơ sở kinh doanh hoa trên địa bàn.
Lan vũ nữ được gia đình ông Nguyễn Trọng Bình trồng trong giá thể (Ảnh: Minh Hậu).
Hoa được trồng trong giá thể và đặt trên hệ thống giàn sắt, cách mặt đất khoảng 80cm để ngăn chặn nguồn nấm bệnh phát sinh từ nền đất.
“Về chế độ dinh dưỡng, 6 tháng gia đình tôi bón phân cho cây một lần. Để cây phát triển tốt, gia đình thường xuyên theo dõi nhiệt độ, độ ẩm để đưa ra cách chăm sóc phù hợp”, bà Tâm chia sẻ.
Hiện nay, mỗi tháng gia đình ông Bình thu hoạch 3.000 cành lan vũ nữ cung ứng cho thị trường với giá 13.000-15.000 đồng/cành.
“Lan cho thu hoạch quanh năm nên mỗi tháng gia đình thu về 40 triệu đồng”, ông Bình nói.
Mỗi tháng gia đình ông Nguyễn Trọng Bình thu hoạch 3.000 cành hoa cung cấp cho thị trường (Ảnh: Minh Hậu).
Cũng theo ông Bình, trồng lan vũ nữ “nặng” vốn đầu tư ban đầu về xây dựng hạ tầng vườn, cây giống. Song chi phí những năm sau không quá cao. Đặc biệt, trong điều kiện chăm sóc tốt, lan vũ nữ cho thu hoạch hoa liên tiếp 7-10 năm.
Ông Nguyễn Đình Thiện, Phó trưởng Phòng kinh tế thành phố Đà Lạt, cho biết, lan vũ nữ là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển giống hoa này tại thành phố Đà Lạt hiện nay chưa nhiều.
“Gia đình ông Nguyễn Trọng Bình sản xuất và đã chủ động được đầu ra cho sản phẩm, đây là cách làm rất tốt. Về việc phát triển cây hoa này, chúng tôi khuyến cáo người dân tìm hiểu thị trường, đảm bảo được đầu ra mới đầu tư để tránh rủi ro”, ông Nguyễn Đình Thiện nói.