Phó Chính ủy Lê Văn Thân

Phó Chính ủy Lê Văn Thân


Đồng chí Lê Văn Thân, Phó Chính uỷ BĐBP (1980-1984).

Bản “Sơ yếu lý lịch” này, anh Hưng cũng chỉ viết về cụ thân sinh ra mình với những dòng rất khiêm tốn. Nhưng qua bạn bè, đồng chí, đồng đội công tác cùng thời kỳ với ông, các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng và các đơn vị trong lực lượng mà ông từng đến công tác và làm việc, cộng với trách nhiệm của người cầm bút, tôi đã mạnh dạn viết về ông.

Thiếu tướng Nguyễn Tấn, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, một đồng đội cùng thời với ông nhận xét: “Lớp cán bộ chỉ huy đầu tiên của Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang, bên cạnh đồng chí Tống Đình Phương Cục trưởng, thì các đồng chí như Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Văn Ngân, Lê Văn Thân, Cao Thượng Lương… họ xứng đáng là lớp người tiền bối, là những người đầu tiên tham gia xây dựng nền móng cho hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang – Bộ đội Biên phòng ngày nay”. Đúng như thế thật. Khi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông, tôi đã vỡ vạc ra được nhiều điều.

Từ những năm 1958-1959, trước khi về lực lượng Công an nhân dân vũ trang, ông đã mang quân hàm Thiếu tá và đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Chính trị, kiêm Trưởng ban Tổ chức của Sư đoàn 350 (Phòng Chính trị của Sư đoàn 350 chính là đơn vị tiền thân của Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang – Bộ đội Biên phòng). Vì vậy, khi Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tổ chức, là một trong bốn trưởng phòng chủ chốt đầu tiên của Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang. Ông chính là Đại tá Lê Văn Thân, một trong những bậc tiền bối của Cục Chính trị, lực lượng Công an nhân dân vũ trang – Bộ đội Biên phòng ngày nay.

Sinh ra ở làng Quyết Hưng, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, năm 1934, khi mới 16 tuổi, anh thanh niên Đào Văn Hành (tên thật là Lê Văn Thân) đã rời vùng quê chiêm trũng, nơi chôn nhau cắt rốn của mình để sang Lào làm công nhân ở mỏ than Thà Khẹt. Tại đây, giữa nơi núi rừng hoang vu, khí hậu khắc nghiệt, hằng ngày nhìn cảnh anh chị em công nhân mỏ sống lầm than, đói rét, cơ cực, làm việc cật lực mà còn phải chịu đòn roi của bọn chủ mỏ người Pháp, anh cảm thấy xót xa cho thân phận người công nhân của xứ thuộc địa Đông Dương. Bước ngoặt đáng nhớ nhất trong cuộc đời một người dân nô lệ của anh, đó là vào năm 1941, khi anh quyết định rời bỏ cuộc sống lầm than của người công nhân mỏ ở Thà Khẹt, trở về quê nhà tham gia phong trào Việt Minh của huyện Ý Yên. Ba năm sau, năm 1944, khi mới 19 tuổi, người thanh niên ấy vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam và là một trong những đảng viên đầu tiên đứng ra thành lập chi bộ xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Đại tá Lê Nam Hưng kể về người cha thân yêu của mình với tình cảm đầy tự hào và yêu mến: Gia đình anh thuần túy làm nghề nông, ở cái làng ba bề bốn bên là ruộng nước, nằm giữa vùng chiêm trũng của huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Vùng đất này chỉ có cây lúa là sống được. Quanh năm, ruộng vườn, bờ bãi nước ngập trắng đồng. Người dân Ý Yên sống ngâm da, chết ngâm xương, lặn mò quần quật với cây lúa ngoài đồng, suốt bốn mùa mưa nắng dãi dầu. Năm 1942, giặc Pháp càn vào làng, giết hại nhiều người dân, trong đó có ông nội anh. Người cha thân yêu của anh là con thứ hai trong gia đình có 6 người con. Những năm tháng làm công nhân mỏ than bên Lào, ông cụ học được nghề đông y. Khi về nước tham gia phong trào Việt Minh của huyện, vừa hoạt động cách mạng ông vừa chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân trong làng, nên được rất nhiều người thương yêu, mến phục. Làng quê của ông thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám đói rét, khổ cực, bởi sưu cao, thuế nặng của thực dân Pháp.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông làm cán bộ Việt Minh, vận động, giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ những người nông dân đi theo cách mạng, lãnh đạo quần chúng tham gia tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thời kỳ đầu của cách mạng, ông được cấp trên tín nhiệm cử làm Phó Bí thư Huyện ủy, kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc huyện Ý Yên. Sau đó ông được điều sang làm Chính trị viên Huyện đội, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ, du kích của địa phương, chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1947 đến năm 1949, ông được bầu vào Thường vụ Huyện ủy và được cử giữ chức Chính trị viên Huyện đội các huyện Hải Hậu, Nam Trực. Vừa lăn lộn công tác ở địa bàn các xã vùng sâu của hai huyện để củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, tổ chức lực lượng vũ trang nhân dân, vừa tuyên truyền, giáo dục quần chúng có nhận thức sâu sắc về Việt Minh, về Đảng Cộng sản, ông còn tham gia học bổ túc văn hóa tại trường Hoàng Hữu Nam của tỉnh để nâng cao kiến thức cho bản thân.

Vào thời kỳ này, sau khi Chủ tịch Hồ Chi Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, các cơ quan đầu não của chính phủ ta đã chuyển lên ATK (An toàn khu) ở Việt Bắc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Vùng đồng bằng Hà – Nam – Ninh của châu thổ sông Hồng trở thành vùng địch hậu. Nhiệm vụ của ông và các đồng chí ở lại trong vùng địch kiểm soát, phải đối mặt với bao nguy hiểm, gian nan và thử thách. Được nhân dân che chở, lại tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và Chính phủ, ông hăng hái, xông xáo, bám quần chúng công nông, bám địa bàn, hoạt động không biết mệt mỏi. Cuối năm 1949, ông được điều lên làm Trưởng ban Chính trị, rồi Chính trị viên phó Tỉnh đội, kiêm Bí thư Liên chi Tỉnh đội Nam Định. Nhậm chức được tròn một năm, ông được cấp trên cử đi học lớp bồi dưỡng Tỉnh ủy viên tại Trường Liên khu Ba. Học xong, ông được điều về làm Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 254 Liên khu Ba. Sau đó, ông lại được bổ nhiệm làm Chính trị viên phó Tỉnh đội Nam Định, kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn chủ lực 66 của tỉnh. Vừa chỉ huy bộ đội đánh giặc ngay trong vùng địch hậu, đồng thời ông vừa tham gia chỉ đạo triển khai củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ, động viên chi viện sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (ngày 7/5/1954), miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, tập trung sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn tạm thời nằm dưới ách thống trị của Mỹ – ngụy. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, cần phải có một lực lượng chuyên trách nòng cốt. Vì thế, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc xây dựng lực lượng cảnh vệ nội địa và biên cương”. Ngày 3/3/1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang được thành lập (Bộ đội Biên phòng ngày nay). Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương được thành lập trên cơ sở lấy Sư đoàn 350 làm nòng cốt. Với quân hàm Thiếu tá và đang giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị, kiêm Trường ban Tổ chức Sư đoàn 350, ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Trên cương vị mới, ông cùng các đồng chí chỉ huy của các phòng, làm tham mưu cho cấp trên về xây dựng hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, đặc biệt là tham mưu về công tác xây dựng Đảng trong lực lượng.

Sau khi nghiên cứu, rà soát lại tình hình hệ thống tổ chức Đảng và công tác xây dựng Đảng sau hơn 1 năm thành lập lực lượng, năm 1960 ông và các đồng chí trong Phòng Tổ chức nhận thấy: Về công tác tổ chức sự lãnh đạo của Đảng trong Công an nhân dân vũ trang, nhất là ở các địa phương, hiện đang nổi lên 2 vấn đề vướng mắc làm cho công tác lãnh đạo của tổ chức Đảng kém hiệu quả, cụ thể: Một là, hiện đang có một đảng bộ chung giữa Công an nhân dân vũ trang với cơ quan dân chính địa phương. Hai là, tổ chức Đảng Công an nhân dân vũ trang khu, tỉnh, thành đang chịu sự lãnh đạo trực tiếp mọi mặt của cấp ủy Đảng các khu, tỉnh, thành, làm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu thống nhất, đồng bộ. Nhờ sự tham mưu, đề xuất kịp thời những bất cập trên mà ngay sau đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 109/NQ-TW ngày 31/3/1960 và Chỉ thị số 16/CT-TW ngày 15/3/1961, giải quyết dứt điểm 2 vấn đề trên, vừa tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo, vừa phù hợp với nguyên tắc xây dựng Đảng trong lực lượng vũ trang. Đó là tách tổ chức Đảng Công an nhân dân vũ trang ra khỏi cơ quan dân chính, thành lập đảng bộ riêng trực thuộc khu ủy, tỉnh ủy, thành ủy. Và các đảng bộ Công an nhân dân vũ trang ở khu, tỉnh, thành do cấp ủy địa phương lãnh đạo chủ yếu là công tác chính trị (bao gồm vấn đề xây dựng Đảng, công tác tư tưởng và trị an địa phương), còn về mặt xây dựng tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ… do ngành dọc phụ trách, sau này gọi là song trùng lãnh đạo.

Cũng trong thời gian này, ông còn tham mưu, đề xuất với Thủ trưởng Cục về tình hình biên chế cơ quan chính trị và cán bộ chính trị. Đồng thời tham mưu, đề xuất xây dựng chế độ nề nếp công tác của cơ quan này, nhằm giúp chỉ huy Cục Chính trị chỉ đạo các cơ quan chính trị và người chỉ huy các cấp, tổ chức thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị đối với các đơn vị trong toàn lực lượng. Năm 1963, ông chuyển sang làm Trưởng phòng Cán bộ, thay đồng chí Nguyễn Ngọc Châu – Cục phó Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang thôi kiêm nhiệm. Ông đã không quản ngày đêm cùng các đồng chí của mình coi trọng việc nghiên cứu, tham mưu cho cấp trên, lựa chọn những cán bộ, đảng viên ưu tú, đã từng qua rèn luyện, thử thách, sắp xếp vào vị trí công tác mới, hoặc gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường trong và ngoài quân đội. Cùng với việc tham gia xây dựng củng cố cơ quan Cục Chính trị, ông còn làm tham mưu cho thủ trưởng cấp trên lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ quan chính trị ở các khu, tỉnh, thành và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách ở các đơn vị.

Với nỗ lực không mệt mỏi, ngay từ những ngày đầu thành lập lực lượng, ông đã góp phần đáng kể trong công tác tham mưu, đề xuất xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Đội ngũ này ngày càng được củng cố và dần dần hoàn thiện, nhất là đội ngũ cán bộ chính trị ở các đồn, trạm biên phòng. Tuy nhiên, trong thời gian này, do trình độ văn hóa của đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chính trị nói riêng còn thấp, để cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo chức trách, ông đã tham mưu cho Cục Chính trị và Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương chăm lo đào tạo, nâng cao dần trình độ văn hóa cho cán bộ, đảng viên với phương châm: Người có trình độ văn hóa cao dạy cho người có trình độ văn hóa thấp, người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người chưa biết, phần đấu làm sao để trình độ văn hóa của đội ngũ cán bộ ngày một nâng lên. Với việc xây nền móng này, những năm sau đó, về cơ bản đội ngũ cán bộ ở cơ quan chính trị, đặc biệt là số cán bộ chính trị chuyên trách tử Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương đến các khu, tỉnh, thành và các đồn, trạm biên phòng, đều có trình độ văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác Đảng, công tác chính trị.

Cũng trong thời gian này, ông đã báo cáo đề xuất với Cục Chính trị tham mưu cho Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương ban hành một loạt các chỉ thị về học tập các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, chỉ thị về công tác cán bộ và chính sách cán bộ; ra nghị quyết về chỉ đạo công tác đấu tranh đánh địch ở khu vực biên giới… Qua đó, giúp cho cán bộ, chiến sĩ trên các tuyến biên giới, biển, đảo nhận thức sâu sắc về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu rõ nhiệm vụ chính trị của lực lượng, vai trò chủ chốt của cán bộ, trên cơ sở đó xây dựng lập trường quan điểm đúng đắn, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, đề cao trách nhiệm, xây dựng niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là xây dựng tư tưởng chính trị vững vàng cho đội ngũ cán bộ, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ mới.

Vốn là người sâu sát, tỉ mỉ và thấu hiểu tình cảm của cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở trước những khó khăn, vất vả trong các đợt tham gia tiễu phỉ ở Tây Bắc; chống gián điệp, biệt kích trên tuyến biên giới Việt – Lào… trong các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn, ông đã tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương và Cục Chính trị, yêu cầu chỉ huy các cấp phải chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, động viên bộ đội sẵn sàng nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được giao.

Với tính chủ động, nhạy bén và tham mưu kịp thời, những đóng góp của ông đã giúp rất nhiều cho công tác xây dựng hệ thống tổ chức, biên chế cán bộ của Cục Chính trị nói riêng và toàn lực lượng nói chung, nhanh chóng đi vào ổn định và phát triển.

Quán triệt Nghị quyết số 40/NQ-TW của Bộ Chính trị về đường lối cán bộ của Đảng, nhằm củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ có chất lượng và theo phương hướng chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, sau hơn 3 năm thành lập lực lượng, ngày 2/7/1962, Cục Chính trị tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác cán bộ. Đánh giá tình hình cán bộ và công tác cán bộ trong thời gian vừa qua, hội nghị nhận định: Đội ngũ cán bộ được chọn lọc nói chung đảm bảo về mặt chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, trước khó khăn thử thách đã vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Bước đầu chấp hành tốt đường lối cán bộ của Đảng trong lực lượng vũ trang, đường lối lấy công nông làm cốt cán, khắc phục khó khăn, mạnh dạn đề bạt, giao nhiệm vụ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quản lý cán bộ có nhiều cố gắng. Nhưng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì số lượng cán bộ hiện nay của lực lượng còn thiếu, một số trình độ, năng lực hạn chế; ý thức kỷ luật chưa cao, cán bộ cơ sở vừa thiếu, vừa yếu, còn mất cân đối giữa cán bộ cơ quan và đơn vị.

Đồng thời, hội nghị đã đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác cán bộ trong thời gian tới là: “Phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ đầy đủ, có chất lượng, một lòng một dạ trung thành với Đảng, với nhân dân. Kiện toàn cán bộ các cấp, bố trí đủ số lượng trong Ban chỉ huy các tỉnh, thành, các đồn Biên phòng tuyến núi, tuyến biển. Mạnh dạn đề bạt, giao nhiệm vụ cho cán bộ từ dưới lên; đào tạo cán bộ bằng nhiều hình thức và biện pháp, chú trọng đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số. Trong việc bố trí, sắp xếp điều chỉnh cán bộ ưu tiên cho các vùng yếu; các đơn vị trọng yếu; các ngành cán bộ đang thiếu và yếu. Phải quản lý, nắm chắc cán bộ về mọi mặt để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lâu dài, toàn diện”. Mặt khác, để cán bộ yên tâm công tác lâu dài và đảm bảo sức khỏe, ông và các đồng chí trong Cục Chính trị, Phòng Cán bộ đã đề xuất với cấp trên cần thực hiện chính sách cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ được an dưỡng sức khỏe. Được Bộ Tư lệnh đồng ý, Cục Chính trị đã ra quyết định thành lập Đoàn an dưỡng, nghỉ mát Sầm Sơn và ra quyết định thành lập chi bộ của Đoàn an dưỡng.

Từ kết quả của hội nghị cán bộ, để công tác cán bộ đi vào nề nếp, chất lượng ngày càng cao, đúng hướng, ông và các đồng chí trong Cục Chính trị đã tham mưu đề xuất đề nghị Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang ra Nghị quyết số 20 ngày 12/12/1962. Một nghị quyết rất toàn diện về công tác cán bộ của lực lượng trong thời gian tới. Nội dung của nghị quyết với những chủ trương rất cơ bản, đó là:

Về đào tạo và bồi dưỡng: Phải nhằm vào số cán bộ trẻ, có sức khỏe, có đủ tiêu chuẩn chính trị để phục vụ lâu dài. Bồi dưỡng cán bộ theo hướng toàn diện nhưng thiết thực, nhằm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các nhà trường để cải tiến nâng cao chất lượng dạy và học. Trước mắt, tập trung bồi dưỡng nâng cao chất lượng số cán bộ bổ túc và đào tạo năm 1962 là 888 đồng chí, trong đó số cán bộ từ chuẩn úy trở lên là 727, hạ sĩ quan trở lên là 161.

Về điều động và sử dụng cán bộ: Phải căn cứ vào nhu cầu, nhiệm vụ, kết hợp được trước mắt và lâu dài, giữa xây dựng và thường trực chiến đấu. Bảo đảm số cán bộ cũ giữ được truyền thống của đơn vị, nắm chắc địa bàn, thông thạo chiến trường. Kết hợp hài hòa giữa đội ngũ cán bộ có trình độ văn hóa với cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo điều kiện cho cán bộ cùng tiến, phát huy được khả năng, đi sâu vào nghiệp vụ, chuyên môn, tích lũy được kinh nghiệm. Việc bổ nhiệm, trước tiên phải căn cứ vào nhu cầu và tiêu chuẩn. Thực hiện một cấp giữ ba chức.

Về quản lý cán bộ: Quản lý cán bộ theo nguyên tắc tập trung thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy các cấp. Thủ trưởng các đơn vị là người tổ chức thực hiện, cơ quan chính trị phải là nơi giúp cấp ủy tiến hành công tác cán bộ, kết hợp chặt chẽ công tác cán bộ với công tác quản lý đảng viên.

Tháng 7/1963, hội nghị cán bộ toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã họp tại Hà Nội và thông qua phương hướng về công tác cán bộ trong thời gian tới, trong đó có đoạn: “Từ nay đến năm 1966, phấn đấu có đủ cán bộ để bố trí vào các vị trí thường trực chiến đấu theo biên chế. Cần có cán bộ dự trữ cần thiết để thay thế cán bộ đi học, đi an dưỡng, điều trị và chuyển ra ngoài…”. Căn cứ vào đó, ngày 30/11/1963, ông và các đồng chí trong Cục Chính trị đã lập kế hoạch đề xuất với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của lực lượng. Vấn đề cơ bản mà Cục Chính trị nêu lên là phải thành lập nhà trường để đào tạo và bổ túc cán bộ, có như thế mới giải quyết được về số lượng và chất lượng một cách chủ động cả trước mắt và lâu dài.

Trong thời gian này, để bù đắp sự thiếu hụt 1.632 cán bộ các cấp, ông và các đồng chí trong Cục Chính trị tiếp tục đề xuất lên Thủ trưởng Bộ Tư lệnh cho mở một lớp đào tạo ngắn để bồi dưỡng cán bộ với số lượng từ 300 đến 400 đồng chí và mở 3 lớp bổ túc cán bộ, mỗi lớp 100 đồng chí, học 6 tháng, bao gồm: Một lớp cho Ban chỉ huy cấp khu, tỉnh, thành, tiểu khu; cấp trưởng, phó phòng và trợ lý chủ chốt ở cơ quan từ Thượng úy trở lên. Một lớp cho chỉ huy cấp đồn, đội, đại đội cơ động Biên phòng và cấp Trung úy ở cơ quan. Một lớp bổ túc nghiệp vụ nội địa cho Ban chỉ huy tỉnh, thành nội địa, trợ lý tham mưu huấn luyện, cán bộ các đội bảo vệ, đội cơ động nội địa và trợ lý cơ quan. Đồng thời, ông và Cục Chính trị còn đề xuất gửi cán bộ đi học nước ngoài (tại trường Biên phòng Liên Xô) gồm: Cấp đại học và trung cấp Biên phòng, học về các ngành chính trị, kinh tế, triết học, kỹ sư điện thoại tự động, kỹ sư radar, kỹ sư hàng hải và đưa đi bổ túc ở nước ngoài hàng chục cán bộ, hạ sĩ quan, chiến sĩ về công tác biên phòng, bảo vệ mục tiêu nội địa.

Đặc biệt, để mở rộng tầm nhìn, trong thời gian này, ông và Cục Chính trị đã báo cáo đề xuất với Bộ Tư lệnh, nên cử một đoàn cán bộ do đồng chí Chính ủy lực lượng phụ trách, trong đó có từ 5 đến 7 cán bộ cấp Cục, Trưởng các phòng chủ chốt đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm công tác biên phòng của nước bạn. Trước đó, ông và tập thể chỉ huy Cục Chính trị đã mạnh dạn báo cáo, đề xuất với Bộ Tư lệnh chỉ đạo Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang tăng cường đào tạo cán bộ là người các dân tộc thiểu số. Nhờ đó mà ngày 20/5/1963, Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang đã khai mạc khóa đào tạo sĩ quan quân chính đầu tiên, gồm 384 học viên thuộc ba chuyên ngành: Chính trị, Biên phòng và Nội địa, trong đó số học viên người dân tộc thiểu số đã chiếm tới 25%, thuộc 14 dân tộc anh em.

Song song với công tác đào tạo chính quy, ông còn tham mưu, đề xuất với Bộ Tư lệnh mở các đợt bồi dưỡng tại chức và các lớp tập huấn ở các khu, tỉnh, thành phố. Từ những tham mưu, đề xuất nói trên của ông và các đồng chí trong Cục Chính trị, bước đầu đội ngũ cán bộ trong lực lượng không những tăng về số lượng, mà còn tiến bộ về mặt chất lượng. Trình độ nhận thức về lý luận Mác-Lênin, tình hình nhiệm vụ cách mạng và nhiệm vụ chính trị của lực lượng được nâng lên. Qua đó, ý chí, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, chức trách chỉ huy ngày càng được củng cố và tăng cường.

Với tỷ lệ cán bộ ngày đầu thành lập là 7,58% trong tổng quân số, đến cuối năm 1963 đã tăng lên 14,49%. Đó là một kết quả đáng mừng, nói lên sự lãnh đạo của Đảng ủy và sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh đã “Coi công tác cán bộ là then chốt, nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ là trọng tâm”. Công tác tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện tích cực của Cục Chính trị trực tiếp là Phòng Cán bộ, trong những tháng năm khó khăn nhất về sự thiếu hụt cán bộ của lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã được khắc phục. Có được kết quả đó, không thể không nhắc tới vai trò tham mưu, đề xuất tích cực của ông đối với công tác cán bộ, trong những ngày đầu thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Là Trưởng phòng Tổ chức, Trưởng phòng Cán bộ vững vàng, có nhiều kinh nghiệm, năm 1965 ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang và được bầu làm Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị năm 1966. Với trọng trách Phó Cục trưởng Cục Chính trị, Bí thư Đảng ủy Cục, kiêm Trưởng phòng Cán bộ của lực lượng, ông đã cùng tập thể Đảng ủy Cục đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo kịp thời, sát thực, không ngừng phát huy vai trò của cơ quan chính trị trong công tác tham muu, đề xuất và chỉ đạo, hướng dẫn công tác Đảng, công tác chính trị đối với toàn lực lượng, nhất là với các lĩnh vực công tác mà ông phụ trách, đều được ông đầu tư nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả, trong đó có công tác cán bộ của lực lượng. Nhớ thế mà, đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng ngày càng có chất lượng, đủ mạnh, đáp ứng được nhiệm vụ cả trước mắt, lâu dài và yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang ngày càng trưởng thành và phát triển vững chắc.

Với quan điểm lựa chọn những cán bộ ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng, được tôi luyện và thử thách trong chiến đấu, hướng tới xây dựng lực lượng lâu dài, bền vững, ông đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy Cục Chính trị đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh lựa chọn những cán bộ đã qua rèn luyện, thử thách bố trí vào những vị trí chủ chốt, đồng thời xây dựng kế hoạch gửi các cán bộ, sĩ quan trẻ có phẩm chất và năng lực đi đào tạo ở các trường của Quân đội và Công an, tạo nguồn cán bộ kế cận sau này. Vừa chú ý bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ lâu dài cho lực lượng, ông cũng không quên gần gũi, sâu sát, nắm bắt tư tưởng của các đồng chí cán bộ còn hạn chế trong công tác.

Đại tá Nguyễn Thắng, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong một lần ngồi trò chuyện với tôi, đã xúc động kể lại: Thời điểm ông đang giữ trọng trách Phó Cục trưởng Cục Chính trị, trong đơn vị có đồng chí cán bộ sai phạm, anh em bàn tán, xôn xao. Biết được điều đó, vốn là người giàu lòng nhân ái, đức độ, ông đã tìm gặp đồng chí đó hỏi chuyện, chia sẻ, động viên và mở hướng để cấp dưới của mình yên tâm phấn đấu, rèn luyện, ngày một tiến bộ. Quả nhiên, sau lần gặp gỡ chân tình của ông, người cán bộ đó đã yên tâm công tác và sau này trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo vững vàng, nhiệt huyết của lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Nhắc đến ông và lớp cán bộ ở giai đoạn đầu tham gia xây dựng nền móng công tác Đảng, công tác chính trị của lực lượng Công an nhân dân vũ trang và cơ quan Cục Chính trị, Thiếu tướng Nguyễn Tấn chậm rãi nói: “Vào thời điểm đó, ông Lê Văn Thân và các đồng chí của mình đã phải dày công nghiên cứu, trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi để tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh xây dựng cho được hệ thống cơ quan chính trị, tổ chức Đảng của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, từ Bộ Tư lệnh đến các cơ quan, đơn vị, nhà trường, các tỉnh, thành phố, các tiểu khu, đồn, trạm biên phòng. Hàng núi công việc dồn dập, khó khăn, đòi hỏi ông phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, lựa chọn kỹ càng những cán bộ, đảng viên ưu tú cho lực lượng”. Lúc bấy giờ, cán bộ, chiến sĩ ai cũng hiểu: Công an nhân dân vũ trang là công cụ sắc bén của Đảng trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, là lực lượng ngày đêm canh giữ biên cương, hải đảo của Tổ quốc, bảo vệ các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng yếu của Đảng và Nhà nước, nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì khó hoàn thành tốt được nhiệm vụ trên giao.

Bằng những việc làm chất lượng hiệu quả, thể hiện tầm tư duy sâu rộng của ông, nhất là từ khi ông được bầu làm ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang. Trên cương vị này, căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng ở cả miền Bắc, miền Nam, khu vực giới tuyến quân sự tạm thời và dọc bờ biển, ông và các đồng chí trong Thường vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát thực công tác Đảng, công tác chính trị, trong đó xác định công tác cán bộ nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung giữ vai trò then chốt trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang trưởng thành, lớn mạnh. Quá trình công tác trong Ban Thường vụ Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang, bản thân ông hiểu sâu sắc rằng, trong thời kỳ này vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong mối quan hệ giữa chỉ huy và chỉ đạo, giữa Đảng ủy với Bộ Tư lệnh, giữa Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và Thủ trưởng các Cục.

Là cơ quan đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong toàn lực lượng, trong nhiều cuộc họp, ông và các đồng chí ở Cục Chính trị đã thảo luận kỹ càng, kiên trì đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh kiến nghị lên Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương những vấn đề rất cơ bản, xác định rõ mối quan hệ giữa Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng, từ Đảng bộ Công an vũ trang Trung ương đến các khu, tỉnh, thành nhất là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và công tác phát triển đảng viên mới ở các đồn Biên phòng được đẩy mạnh, tăng nhanh số chi bộ đồn có cấp ủy. Mối quan hệ song trùng lãnh đạo giữa Đảng ủy Công an vũ trang Trung ương với các tỉnh, thành ủy nơi có Công an vũ trang không ngừng được phát huy. Cùng với quá trình xây dựng hệ thống tổ chức Đảng trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang, hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị chuyên trách làm công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng cũng ngày càng ổn định và phát triển.

Lần mở từng trang lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong Công an nhân dân vũ trang – Bộ đội Biên phòng từ năm 1959 đến năm 2009, tôi hiểu rằng, thế hệ cha anh trong lực lượng vừa đánh giặc giỏi, vừa xác định đường hướng công tác Đảng, công tác chính trị cho cả những năm sau cũng rất sâu sắc. Đi trên “Con đường chính trị” vững chắc, mà ông và các đồng chí của mình đã dày công xây đắp, thế hệ chúng tôi hôm nay trong lực lượng cứ bồi hồi, xúc động và tâm đắc nhớ lại những lời đánh giá của các bậc tiền bối, cùng thời với ông: Nói về ông, trước hết và trên hết, phải khẳng định chắc chắn một điều, ông là một trong những người đầu tiên đã góp phần tham gia đặt nền móng xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang – Bộ đội Biên phòng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ông còn là người có vai trò quan trọng trong việc thiết lập, xây dựng chế độ, nề nếp công tác Đảng, công tác chính trị của lực lượng Công an nhân dân vũ trang – Bộ đội Biên phòng. Ở ông, bao giờ cũng toát lên vẻ đôn hậu, chân thành. Ông đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong công tác Đảng, công tác chính trị của lực lượng Công an nhân dân vũ trang – Bộ đội Biên phòng.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (ngày 30/4/1975) đến những năm sau này, hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân vũ trang tuy có những biến động, khi ở Bộ Công an, Bộ Nội vụ, lúc chuyển sang Bộ Quốc phòng, rồi lại chuyển về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Tên gọi của lực lượng cũng thay đổi theo. Trong khi đó, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc nổ ra, rồi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, tập trung sức lực và trí tuệ xây dựng đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cả một thời kỳ dài đầy biến động về tổ chức và biên chế của lực lượng, ông và các đồng chí trong tập thể Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh vẫn vững vàng, sáng suốt chèo lái “con thuyền lực lượng” đi tới đích. Vừa làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an để khẳng định vị trí, vai trò của lực lượng Công an nhân dân vũ trang – Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, vừa lãnh đạo, chỉ huy toàn lực lượng cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Campuchia, bảo vệ biên giới phía Bắc và bước vào công cuộc đổi mới đất nước với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chính trong thời kỳ này, ông và các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã xác định rõ, cần phải tiếp tục xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang đủ sức vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên phạm vi cả nước. Với phương châm chỉ đạo: Toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang là một tổ chức thống nhất, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ Bộ Tư lệnh xuống các đồn, trạm, đơn vị cơ động chiến đấu, chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 5/1975 đến hết năm 1979, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng đoàn Bộ Nội vụ (Bộ Công an), toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã hoàn thành tốt công tác tổ chức, triển khai lực lượng bảo vệ biên giới trên địa bàn cả nước.

Đứng chân trên các tuyến biên phòng, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang đã tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác để bảo vệ biên giới; cùng các lực lượng và nhân dân các dân tộc trên biên giới phát huy sức mạnh tổng hợp, đấu tranh kịp thời, có hiệu quả với các đối tượng phản cách mạng, bọn tàn quân ngụy quyền, bọn tình báo, gián điệp và các tổ chức phản động khác, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc vùng biển, biên giới Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa… Đồng thời, cùng với nhân dân cả nước chiến đấu đánh trả hai cuộc chiến tranh xâm lược của địch ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; kịp thời tổ chức các Trung đoàn Công an nhân dân vũ trang làm nghĩa vụ quốc tế, góp phần giúp đất nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ Pol Pot. Ông và các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh vừa phải ngược xuôi chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị phía Nam, phía Bắc kiên cường chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong mọi điều kiện, hoàn cảnh vừa phải lo xây dựng, củng cố lực lượng vững mạnh về mọi mặt, lập nên những chiến công chói lọi của Công an nhân dân vũ trang.

Với những thành tích to lớn ấy của lực lượng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã ghi nhận và đánh giá cao sự cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh. Tháng 12/1979, toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong chiến công chung ấy, có sự đóng góp của ông với vai trò là một trong những người chỉ huy, chỉ đạo, đặc biệt là đối với lĩnh vực công tác Đảng, công tác chính trị của lực lượng Công an nhân dân vũ trang – Bộ đội Biên phòng.

Những đóng góp của ông, nhất là trong lĩnh vực công tác Đảng, công tác chính trị góp phần quan trọng xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong cả một giai đoạn dài được cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng ghi nhận. Tháng 7/1980, ông được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng. Thời kỳ này lực lượng có nhiều biến động, thay đổi lớn về tổ chức và biên chế. Đó là thời kỳ ông đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh phải giải quyết nhiều mặt, nhất là công tác chính trị, tư tưởng và sắp xếp tổ chức lực lượng sớm đi vào ổn định theo Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị và chỉ thị của Bộ Quốc phòng.

Đại tá Lê Nam Hưng, con trai ông kể lại: Cả cuộc đời công tác, chiến đấu, cống hiến cho cách mạng, cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang, di sản của ông để lại cho gia đình, người thân và bạn bè, đồng chí, đồng đội chỉ vỏn vẹn đức tính khiêm tốn, giản dị, chân thành, luôn được cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng tin yêu, mến phục… Mặc dù giữ cương vị lãnh đạo cao trong lực lượng lúc bấy giờ, nhưng ông vẫn sống giản dị, không lạm dụng chức vụ mưu lợi cho riêng tư. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, nhiều lần ông không chấp nhận lấy xe cơ quan để đưa gia đình đi sơ tán ở tỉnh Phú Thọ. Sau này, khi đã nghỉ hưu, ông cũng không sử dụng xe cơ quan trong mỗi lần về thăm quê. Những lần đi công tác, ông không bao giờ nhận quà tặng, quà biếu. Có lần, vào dịp Tết Nguyên đán của thời kỳ bao cấp, Văn phòng Bộ Tư lệnh đem ra nhà riêng biếu ông một cân giò và một cân thịt, ông gặng hỏi: “Tiêu chuẩn này ở đâu ra? Tiêu chuẩn Tết của tôi, gia đình đã nhận đủ, sao lại còn có những thứ này?”. Khi biết đây là phần ưu tiên dành cho ông, ông cương quyết không nhận, yêu cầu đồng chí cán bộ Văn phòng đem về cơ quan. Một lần khác, chỉ huy một phòng chức năng cơ quan Bộ Tư lệnh đem tiêu chuẩn thuốc bổ ra nhà riêng, ông lại hỏi: “Những đồng chí khác trong Bộ Tư lệnh có tiêu chuẩn này không, hay chỉ có mình tôi?”.

Là người trưởng thành từ quê lúa ở vùng đồng bằng Bắc bộ, trong ông đã hình thành lòng nhân ái, bao dung, thanh liêm và độ lượng. Tình yêu thương chân thành giản dị đó như hạt lúa, củ khoai ở quê hương Nam Định của ông. Đại tá Lê Nam Hưng kể tiếp: Ông là người rất ít nói, chủ yếu thông qua những việc làm để thu phục nhân tâm. Do các cụ thân sinh ra ông mất sớm, nên ông rất thương các em ruột của mình. Trong mấy anh em, có vợ chồng người em trai út hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông con, ông thường gặp gỡ, động viên và chia sẻ đồng lương ít ỏi của mình giúp đỡ người em trai, góp phần nuôi các con, các cháu ăn học đến nơi, đến chốn.

Với người vợ yêu quý, ông đã dành cho bà tình thương yêu đến trọn đời. Đại tá Nguyễn Thắng xúc động kể lại: Khi cụ bà Nguyễn Thị Oanh – vợ ông, mắc căn bệnh hiểm nghèo, bị ung thư dạ dày, phải cắt bỏ gần như toàn bộ, ông mất ăn, mất ngủ, lo lắng cho vợ và chỉ còn biết dồn tình thương yêu của mình vào những bữa ăn, giấc ngủ, lo thuốc thang đều đặn cho bà. Như có phép nhiệm màu, nhờ sự chăm sóc của ông và gia đình, bà đã mau chóng bình phục, khỏe mạnh trở lại. Được 5 năm thì căn bệnh cũ tái phát, bà từ giã cõi đời. Từ đây, ông vĩnh viễn mất đi người bạn đời thủy chung, tận tụy, sau bao nhiêu năm chung sống. Tấm gương ấy của ông, đã làm cho các con ông, từ dâu, rể đến các cháu đều rưng rưng cảm động, lấy đó để răn dạy bản thân mình.

Khi viết đến những dòng gần cuối về ông – một trong những người chỉ huy đầy bản lĩnh của lực lượng quân hàm xanh, ở cái thời kỳ có nhiều biến động về tổ chức, một đồng chí cán bộ chuyên nghiên cứu về lịch sử Công an nhân dân vũ trang – Bộ đội Biên phòng đã trầm ngâm nói với tôi: “Có thể nói, quá trình cống hiến cho lực lượng của Phó Chính ủy Lê Văn Thân đã để lại những dấu ấn đậm nét tại những thời điểm có tính chất bước ngoặt của lực lượng, liên quan trực tiếp tới công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ khi ông là trưởng phòng; cũng như công tác Đảng, công tác chính trị nói chung khi ông là Cục Phó, Cục trưởng Cục Chính trị. Song ông luôn tỏ ra là một các bộ vững vàng, nhạy bén, tham mưu đề xuất vừa đúng, vừa trúng các vấn đề, đáp ứng cho công tác lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, giữ vững sự ổn định về chính trị, tư tưởng, xác định nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là với đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Biên phòng và xây dựng lực lượng, xây dựng Đảng trong mọi điều kiện hoàn cảnh.

Thời điểm ông giữ cương vị Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng, cũng là giai đoạn có nhiều thử thách đối với toàn lực lượng. Đất nước vừa trải qua hai cuộc chiến tranh biên giới; kinh tế vô cùng khó khăn, thiếu thốn; toàn lực lượng lại triển khai thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về “Chuyển giao toàn bộ nhiệm vụ và tổ chức lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng”. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hoạt động cách mạng trước năm 1945, lại được quân đội đào tạo và rèn luyện, cộng với những kinh nghiệm trong thời kỳ ở Cục Chính trị, ông đã góp phần cùng các đồng chí của mình từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, vừa giữ vững, ổn định được tổ chức, vừa kiên trì báo cáo với Trung ương để định hướng, đảm bảo cho lực lượng phát triển vững chắc sau này…

Thiếu tướng Nguyễn Tấn – người đồng chí từng gắn bó với ông một thời gian dài ở Bộ Tư lệnh chậm rãi kể lại: Ở con người Phó Chính ủy Lê Văn Thân có 3 đức tính quý báu của một người làm công tác chỉ huy, chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị, đó là: Đức độ, gương mẫu và luôn bám sát thực tiễn. Về đức độ, trước bất cứ một công việc gì, bao giờ ông cũng điềm đạm, nghĩ suy thấu đáo, giải quyết có tình, có lý, không gay gắt, cực đoan. Về gương mẫu, ở mọi lúc, mọi nơi, ông luôn thể hiện tính mẫu mực cả trong thực hiện nhiệm vụ, lẫn sinh hoạt đời thường. Trong mọi công việc ông luôn sâu sát thực tiễn, nắm chắc diễn biến của tình hình, chỉ đạo nhạy bén, kịp thời, tỉ mỉ và cụ thể. Do thường xuyên coi trọng việc học tập, nghiên cứu nắm vững các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo, hướng dẫn của trên, cộng với 3 đức tính quý giá trên ở ông, nhiều cán bộ, chiến sĩ công tác cùng thời kỳ, dưới quyền ông đều tâm phục, khẩu phục và rất yêu quý vị chỉ huy của mình.

Thiếu tướng Nguyễn Tấn còn nhớ rất rõ: Phó Chính ủy Lê Văn Thân cùng với các đồng chí Cục trưởng Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang như Thượng tá Tống Đình Phương, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu và Thiếu tướng Cao Thượng Lương, đều là những người đầu tiên đã tham gia xây dựng nền móng hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị cho lực lượng ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Đó là điều rất đáng trân trọng!

Với những công lao đóng góp và quá trình công tác, cống hiến của mình, Đại tá Lê Văn Thân – Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng xứng đáng: 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 2 Huân chương Quân công hạng Nhì và hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất; các Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; Huân chương Chiến thắng, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng.

Tháng 11/1991, ông về nghỉ hưu theo chế độ. Do tuổi cao, sức khỏe giảm sút, ông vào sinh sống tại ngôi nhà số 35, phố Nguyễn Thái Sơn, phường 3, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh cùng con cháu. Tháng 2/2003, ông qua đời do bệnh tim và được an táng tại Nghĩa trang Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 85 tuổi. Ông mất đi, đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Tấm gương trong sáng, hoạt động cách mạng không mệt mỏi của người con sinh ra và lớn lên từ vùng chiêm trũng Ý Yên, Nam Định, với cuộc đời hoạt động xông xáo, linh hoạt, nhạy bén, giàu lòng nhân ái, đức độ, Phó Chính ủy Lê Văn Thân như vẫn còn sống mãi trong lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng hôm nay.

Hoa Ngọc Lý (Theo Những vị tướng Biên phòng, 1959-2016)