Công khai phí công đoàn phụ thuộc ý chí chủ thể?
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) nhất trí khi dự thảo luật bổ sung quy định về công khai tài chính công đoàn.
Tuy nhiên, bà Mai cho rằng, quy định như dự thảo chưa đảm bảo được tính công khai, minh bạch và khả năng tiếp cận của công đoàn viên với tài chính công đoàn.
Bổ sung quy định công khai tài chính công đoàn (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Đại biểu cho rằng, quy định trong dự thảo luật là có thể gửi văn bản đến đối tượng có liên quan về tài chính công đoàn, do vậy, việc công khai phụ thuộc vào ý chí của chủ thể là liên đoàn lao động.
Do đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nên quy định các cấp công đoàn phải thực hiện công khai tài chính hằng năm tại Hội nghị Ban chấp hành công đoàn và đưa lên trang thông tin điện tử để các công đoàn viên nắm bắt và giám sát.
Tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động lên đến 84%
Phát biểu ý kiến tại tổ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, hiện nay kinh phí công đoàn để lại công đoàn cơ sở 75% để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên và người lao động, còn lại 25% phân phối cho cấp trên công đoàn là cấp cơ sở, cấp tỉnh và Trung ương.
Cấp trực tiếp trên cơ sở thực chất là quay trở lại chăm lo cho đoàn viên và người lao động. Bởi, một số công đoàn cơ sở với chi phí 75% hoạt động không đủ. Như vậy, cấp trên trực tiếp sẽ điều tiết và bổ sung lại. Cho nên, số trực tiếp chăm lo cho người lao động là gần 84%.
Do vậy, theo ông Khang, cơ bản kinh phí công đoàn là để chăm lo trực tiếp cho người lao động.
Theo mức lương bình quân toàn quốc hiện nay, công nhân được 8,2 triệu đồng. Ông Khang cho biết, tính nhanh, tiền lương của công nhân được khoảng 100 triệu đồng/năm, kinh phí công đoàn 2% khoảng 2 triệu đồng.
Như vậy, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để lại trực tiếp cho công đoàn phía dưới là 75% tức 1,5 triệu đồng/lao động. 1,5 triệu đồng này gồm có thăm hỏi, ốm đau; quà Tết Âm lịch; sinh nhật, tổ chức hoạt động phong trào văn hóa tại công đoàn cơ sở.
Ông Nguyễn Đình Khang (Ảnh: Quốc hội).
Về “một chút tích lũy” ở cấp tỉnh và Trung ương từ năm 1957 đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có đề xuất sử dụng vào xây nhà ở xã hội. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chăm lo cho đoàn viên và người lao động. Luật Nhà ở đã có quy định, sau này Chính phủ sẽ có nghị định cụ thể về nội dung này.
Với việc phân phối kinh phí công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Phương án 2 quy định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.
Ông dẫn kinh nghiệm của một số nước mức phân phối cũng trong khoảng từ 73-75%.