Biên phòng – Được chọn là một trong những cây trồng chủ lực, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu xây dựng vùng sản xuất chè hàng hóa chất lượng cao, theo tinh thần Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Người dân tỉnh Lào Cai thu hái chè vụ Xuân. Ảnh: Thanh Cường
Tỉnh Lào Cai hiện có 7.346ha chè trồng tập trung, trong đó, có 4.868ha chè kinh doanh, 2.478ha chè kiến thiết cơ bản. Người trồng chè ở Lào Cai trồng một số giống chè chủ yếu như: chè Shan, chè chất lượng cao (Kim Tuyên, Ô Long, Thúy Ngọc…), chè lai, chè trung du. Năng suất chè búp tươi năm 2022 đạt 76,3 tạ/ha. Năm 2022, sản lượng chè búp tươi đạt 39.155 tấn; giá trị sản xuất từ cây chè đạt 274 tỷ đồng.
Tỉnh Lào Cai hiện có trên 827ha chè sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (trong đó, 100ha sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap; trên 727ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ). Sản phẩm chè hữu cơ của Lào Cai đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, một số thị trường Trung Đông và thị trường Đài Loan (sản phẩm chè Ô Long)…
Theo tính toán, năm 2020, giá trị bình quân thu nhập từ sản lượng chè búp tươi đạt trên 236 tỷ đồng. Năm 2022, giá trị thu nhập của sản lượng chè tươi toàn tỉnh tăng trên 274 tỷ đồng, gấp 1,16 lần so với năm 2020. Nguyên nhân tăng là do cây chè đang bắt đầu vào giai đoạn phát triển mạnh, cho năng suất cao. Mặt khác, thị trường chè chất lượng cao đã được phát triển mở rộng, giá trị thu mua chè búp tươi được tăng lên rõ rệt.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm chè; bao gồm 4 nhà máy, 10 xưởng chế biến, công suất chế biến đạt trên 180 tấn chè búp tươi/ngày. Ngoài ra, có khoảng trên 350 lò chế biến mi ni quy mô hộ gia đình. Nếu tạm tính, trung bình mỗi xưởng có công suất 1 – 2 tạ búp tươi/ngày, thì công suất của 350 lò sấy này cũng bằng 30% công suất của 14 cơ sở chế biến công nghiệp của các doanh nghiệp hiện có.
Trong những năm qua, từ những định hướng, nỗ lực và các giải pháp, tỉnh Lào Cai đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Hiện tại, đã phát triển được vùng chè tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn, với hàng ngàn ha được áp dụng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, sản xuất chè hữu cơ, chè chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Chất lượng vùng chè nâng lên rõ rệt đã hình thành vùng sản xuất liên kết chế biến ổn định cho các huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng. Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: Chè sao lăn, chè xanh, chè Ô Long, chè Hương Nhài…
Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như: Lùng Vai, Cao Sơn (Mường Khương), Phong Hải, Phú Nhuận (Bảo Thắng), Bản Liền (Bắc Hà)…, một số sản phẩm chế biến đã được đạt chứng nhận OCOP đạt từ 3 đến 5 sao (trong đó, sản phẩm Hợp tác xã chè Bản Liền Bắc Hà đạt 5 sao).
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy thế mạnh từ sản xuất chè trên địa bàn, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã đề ra kế hoạch năm 2023 trồng mới 1.055ha chè, mục tiêu đến năm 2025, diện tích chè tập trung toàn tỉnh đạt 8.420ha và tập trung đầu tư thâm canh trên 5.000ha chè kinh doanh theo hướng sản xuất an toàn; nâng cao năng suất, chất lượng chè ổn định trên 10 tấn/ha/năm. Đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh chè, nâng cao chất lượng chè búp tươi, chế biến chè chất lượng, giá trị cao. Đầu tư nâng cấp các nhà máy, mở rộng công suất xưởng chế biến đến năm 2025 đạt 250 tấn chè búp tươi/ngày; chế biến sản phẩm chè chất lượng cao, có giá trị, tạo thương hiệu mạnh trên thị trường: chè xanh duỗi, chè Ô Long, chè trắng, hồng trà, bạch trà, trà matcha, trà túi lọc.
Theo ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai: Để đạt được các mục tiêu đề ra, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó có cây chè được chọn là một trong những cây trồng chủ lực, cần phải tích cực tuyên truyền đến người dân các địa phương trong tỉnh, tích cực tham gia sản xuất trồng chè có chất lượng, theo hướng canh tác hữu cơ, bền vững.
Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đảm bảo đủ giống chè đạt chất lượng cho nhu cầu trồng năm 2023. Đảm bảo 100% diện tích chè kinh doanh áp dụng các biện pháp kỹ thuật có hiệu quả trong thâm canh. Hướng dẫn chăm sóc thu hái chè kinh doanh theo đúng quy trình trồng, thâm canh, chăm sóc chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng khâu bảo quản và vận chuyển nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt phục vụ chế biến.
Chính quyền địa phương có vùng chè tập trung cần chỉ đạo tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất và chất lượng của vùng chè kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến chè cần đầu tư dây chuyền, công nghệ chế biến chè theo hướng tinh chế, hiện đại hóa; không ngừng đa dạng hóa sản phẩm chế biến, thay đổi mẫu mã, bao bì, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tăng cường quảng bá xúc tiến thương mại để mở rộng sang thị trường xuất khẩu chè cao cấp, khó tính; chú trọng phát triển thị trường trong nước.
Lê Thanh Cuờng