Thái BìnhTrước lời khai đã chạy theo ông để “dúi phong bì 50 triệu đồng”, cựu đại biểu Lê Thanh Vân nói bên trong chỉ có 10 triệu, và cảm thấy “bị xúc phạm” trước lời khai khống.
Ngày 9/1, trong ngày xét xử thứ ba của vụ án liên quan hai cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục làm việc với phần bào chữa và tranh luận.
Ông Vân hôm qua bị VSKND tỉnh Thái Bình đề nghị 7-9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, do liên quan hai “phi vụ” tác động xin dự án cho doanh nghiệp.
Trong lần “tác động” xin dự án khai thác mỏ đá tại Đông Triều, Quảng Ninh cho Công ty Trường Sinh, ông bị cáo buộc đã gọi điện thoại cho một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Sau khi được duyệt dự án, Giám đốc Trường Sinh gặp ông “chạy theo dúi phong bì vào túi quần”, theo lời khai của vị giám đốc này. Cáo trạng xác định trong phong bì có 50 triệu đồng.
Trả lời về thông tin này, tại phiên tòa hôm nay, ông Vân khẳng định chỉ có 10 triệu đồng, do đó cảm thấy “bị xúc phạm vì sự vô ơn”.
Ông Lê Thanh Vân bị đề nghị 7-9 năm tù. Ảnh: Xuân Hoa
Ông cho hay khi bị tạm giam đã chủ động xin trả lại 10 triệu này, “trả lại một cách đàng hoàng”. Còn 50 triệu đồng cơ quan điều tra thu giữ tại phòng làm việc, ông không tự nộp lại nên VKS không thể coi đó là khoản “khắc phục hậu quả”.
“Tôi có nhận tội đâu mà khắc phục”, bị cáo Vân nói.
Cựu đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng không được thực nghiệm điều tra việc “doanh nghiệp đút tiền vào túi”, không được đối chất dù lời khai các bên mâu thuẫn.
Bào chữa cho ông Lê Thanh Vân, 4 luật sư khẳng định “không xin giảm nhẹ” mà đề nghị HĐXX tuyên thân chủ vô tội, trả tự do ngay tại tòa.
Luật sư Hoàng Thị Phương cho rằng cáo trạng “sai sự thật” và làm nặng nề thêm tính chất hành vi của ông Vân. Trích lại cáo buộc của VKS nêu ông Vân “ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực”, luật sư Phương nêu định nghĩa từ điển tiếng Việt cắt nghĩa từ “can thiệp”, và cho rằng cơ quan công tố đã “áp đặt chủ quan”.
Trước đó, trong phần tự bào chữa, ông Vân khẳng định, với tư cách đại biểu Quốc hội, khi có bất cứ kiến nghị đơn thư của cử tri, ông đều phải có trách nhiệm chuyển đơn đến cơ quan hữu trách, không phân biệt đó là ai, vấn đề của địa phương nào, không bị giới hạn chỉ được chuyển đơn bao nhiêu lần. Ông viện dẫn loạt điều khoản trong Hiến pháp và các luật liên quan để chứng minh quan điểm đó là hoạt động bình thường, không phải hành vi “can thiệp”.
Về cáo buộc ông Vân can thiệp giúp doanh nghiệp để “hưởng lợi 1 lô đất trị giá 1,8 tỷ đồng”, ở huyện Đông Anh, Hà Nội và “nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất” trị giá 1,95 tỷ đồng, tại dự án Hạ Long, luật sư Phương cho rằng không có căn cứ.
Luật sư tiếp tục trích dẫn từ điển Tiếng Việt về nghĩa của từ “hưởng lợi” và nêu về thực tế tình trạng 2 lô đất. Lô ở Đông Anh là đất lấn chiếm, đến giờ vẫn chưa được cấp sổ đỏ, không thuộc về cá nhân nào nên không được tặng cho, chuyển nhượng.
Lô đất được “hứa hẹn” ở Hạ Long, dự án đã bị thu hồi nên ngay từ đầu, theo luật sư, thân chủ đã nhận một lời hứa hão vô căn cứ.
“Trong mọi trường hợp, ông Vân không thể được ‘hưởng lợi’ từ hai lời hứa vô căn cứ. Thực tế ông Vân đã có lô đất nào để sử dụng chưa, xin tòa xem xét”, luật sư Phương bào chữa.
“Người hứa hẹn chưa bao giờ sở hữu đất thì lấy đâu ra để quy kết thân chủ tôi được hưởng lợi bao nhiêu, nó phi thực tế và quy tắc toán học lớp 2″, luật sư tỏ ra gay gắt, được chủ tọa nhắc nhở “điều chỉnh ngôn ngữ”.
Các luật sư tại tòa. Ảnh: Xuân Hoa
Một luật sư khác của ông Vân là bà Trần Hồng Phúc trình bày trong gần 3 giờ nêu quan điểm không đồng tình việc thân chủ bị cáo buộc là đại biểu Quốc hội nhưng không gương mẫu trong chấp hành quy định pháp luật, không đại điện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm khách quan.
Luật sư Phúc trình HĐXX tập tài liệu dày liên quan quá trình công tác của thân chủ để chứng minh điều ngược lại và cho thấy “sự liêm chính” của ông.
Luật sư cho hay tài liệu gồm nhiều thư cảm ơn của người dân, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đánh giá cao sự đóng góp của ông Vân trong vai trò Đại biểu Quốc hội; xác nhận của công đoàn nơi ông công tác rằng ông Vân nhiều lần được khen thưởng nhưng từ chối…
Theo cáo trạng, ông Vân có hai sai phạm, thể hiện qua hai hành vi, ký 4 văn bản kiến nghị các cấp, cho doanh nghiệp làm tiếp dự án 36 ha tại Hạ Long đang bị chậm tiến độ, và gọi điện cho một lãnh đạo tỉnh để doanh nghiệp khác được chấp thuận khai thác mỏ đất.
Trước cáo buộc này, luật sư Phúc, cả hai hành vi của ông Vân đều không cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, do 4 phiếu chuyển đơn mà ông Vân ký, không thể coi là một loại “văn bản can thiệp”, khi nó được gửi theo mẫu có sẵn Quốc hội quy định.
Phần đầu là nội dung vụ việc, theo đơn thư khiếu nại của cử tri, dòng cuối cùng được in sẵn nội dung “Căn cứ vào các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân, tôi trân trọng chuyển đến Quý cơ quan đơn nêu trên. Đề nghị Quý cơ quan xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo cho tôi biết kết quả giải quyết”.
“Cả 4 phiếu chuyển đơn đều có cấu trúc như vậy thì lấy gì quy kết thân chủ tôi “can thiệp, tác động”, luật sư Phúc nói.
Luật sư dẫn chứng, cùng ngày gửi phiếu chuyển đơn này, ông Vân đã gửi nhiều phiếu khác, kiến nghị các vấn đề của các cử tri khác “một cách rất vô tư khách quan” nhưng VKS không nhìn nhận khía cạnh “vô tư khách quan đó” mà lại quy buộc làm để hưởng lợi.
Luật sư cho rằng 4 phiếu chuyển đơn bị quy buộc, đều được VKS thu thập dựa trên hình ảnh chụp điện thoại của một bản photocopy, rồi in ra là “không thỏa mãn điều kiện chứng cứ hợp pháp củ vụ án hình sự”, không đảm bảo tính truy nguyên của chứng cứ.
Về cuộc điện thoại “tác động” lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, luật sư cho rằng cơ quan điều tra đã không lấy lời khai của ông này, dù đó là điều cần thiết. Các luật sư của ông Vân trước ngày khai mạc phiên tòa đã kiến nghị triệu tập người này “để nói thực tế có bị cuộc điện thoại của ông Vân tác động không và tác động đến mức nào?”.
Do người này không đến tòa, do đó theo luật sư Phúc cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, chấp nhận lời khai của bị cáo rằng không có mục đích “tác động” để hưởng lợi.
Ba kiểm sát viên VKSND tỉnh Thái Bình thực hiện quyền công tố tại phiên tòa. Ảnh: Xuân Hoa
VKS: Không phải quen biết thân tình, có giúp không?
Đối đáp các quan điểm bào chữa trên, đại diện VKSND Thái Bình giữ nguyên quan điểm, cho rằng lời khai của chủ doanh nghiệp và tài liệu chứng cứ đã chứng minh số tiền ông Vân nhận, tuy lời khai đôi bên có mâu thuẫn, song đã được xét hỏi công khai để tòa đánh giá trong 2 ngày qua. Do đó, VKS thấy không bắt buộc phải đối chất trong quá trình điều tra.
Tương tự, việc triệu tập vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thời kỳ đó cũng không cần thiết, lời khai của ông này và các chứng cứ đã làm rõ tính chất hành vi tác động.
Giải thích việc khám xét nơi làm việc mà không có mặt ông Vân, đại diện VKS nói lúc này ông Vân đang được di lý từ sân bay về trại tạm giam, việc khám xét lúc này là trong trường hợp cần thiết, cấp bách. Vì thế, không vi phạm quy định pháp luật.
Ông Vân đề nghị thực nghiệm điều tra việc nhận tiền của doanh nghiệp, song chính ông không nhớ loại quần, áo mình mặc hôm đó, không nhớ trong túi có điện thoại không và để túi nào. VKS do đó không thể đáp ứng đề nghị.
Cơ quan công tố cho hay các quy kết về giá trị đất ông Vân được hứa hưởng lợi đã được nhà chức trách tính toán dựa trên trưng cầu bảng giá đất của Hạ Long, Quảng Ninh, Đông Anh, Hà Nội một cách khách quan. Trước việc luật sư phản đối con số quy đổi, VKS ghi nhận “có thể hiểu suy luận theo quan điểm luật sư”, nhưng VKS giữ nguyên quan điểm.
Để đối đáp phần “cắt nghĩa” từ “tác động” và “nhằm hưởng lợi”, VKS dành khoảng 10 phút trích đọc các nội dung tin nhắn giữa ông Vân, ông Nhưỡng và người hứa hẹn tặng đất là bị cáo Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước (bị đề nghị 13-14 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi).
Kiểm sát viên cho rằng, mỗi lần Vương nhắn tin nhờ vả đều kèm theo việc đề cập hứa hẹn việc tặng đất. Ông Vân sau đó nhắn lại “cảm ơn em, Ok em”. Trong các tin nhắn của Vương có đoạn “anh giúp em chỗ dự án Hạ Long để anh với anh Nhưỡng được 1.000 m2 đất đẹp ở Hạ Long”. Ông Vân sau đó nhiều lần nhắn lại đã nói chuyện với một lãnh đạo tỉnh này.
Vương cũng nhắn cho ông Nhưỡng báo tin việc tặng ông Vân lô đất ở Đông Anh, được ông Nhưỡng nhắn lại “em chuyển luôn tên con anh Vân vào rồi đấy à? Anh Vân vui lắm. Sao bảo cho anh Vân 300 m2, nay lại lên 400 m2 à?”. Bị cáo Vương sau đó nhắn lại: “Đáng gì đâu anh”.
VKS từ đó đánh giá “có căn cứ quy kết việc chuyển đơn, gọi điện của ông Vân nhằm hưởng lợi”.
VKS cũng nêu, ông Vân khai các lần gặp doanh nghiệp đều là “tình cờ gặp khi sang uống nước chè” ở phòng làm việc của ông Nhưỡng. Nhưng thực tế không phải. Mỗi lần ông Vân sang gặp các doanh nhân này đều có sự trao đổi tin nhắn, gọi điện trước với ông Nhưỡng.
Trước quan điểm của luật sư cho rằng các sự giúp đỡ này của ông Vân đều “vô tư khách quan”, VKS phản đối và viện dẫn, chính lời khai của ông Vân khi điều tra cũng nêu “do người quen nên giúp”.
“Vậy không phải quen biết trước, không phải chỗ thân tình thì có giúp không?”, VKS đối đáp.
Trong bản luận tội chiều qua, VKS đánh giá, các bị cáo tuy am hiểu pháp luật nhưng cố tình phạm luật. Ông Vân và Nhưỡng là Đại biểu Quốc hội đáng lẽ phải gương mẫu trong chấp hành quy định pháp luật, có lối sống lành mạnh nhưng đã không đại điện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm khách quan, nhiều lần gọi điện, tác động cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho người quen nhằm hưởng lợi ích vật chất. Qua đó, VKS mức án đề nghị cho 5 bị cáo từ 6 năm đến 15 năm 6 tháng.
HĐXX đang tiếp tục làm việc.
Thanh Lam – Phạm Dự