Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết “chảnh”, cơ hội thử tay thợ giỏi

Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết “chảnh”, cơ hội thử tay thợ giỏi

Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết “chảnh”, cơ hội thử tay thợ giỏi

 (Dân trí) – Đối mặt thách thức sống còn, “lối thoát” với các doanh nghiệp là biến cái khó thành động lực đổi mới để nhà xưởng duy trì vận hành, giữ chân được lao động giỏi, chờ ngày hồi phục.

Dân trí tiếp tục ghi nhận những thay đổi trong nỗ lực vực dậy của doanh nghiệp trên thị trường trong loạt bài đã đăng tải tuần qua… 

Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết chảnh, cơ hội thử tay thợ giỏi - 1Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết chảnh, cơ hội thử tay thợ giỏi - 2

“Đói đầu gối phải bò”

Đến thời điểm hiện tại, hoạt động sản xuất tại Công ty MTV TNHH Mai Song Ngọc (TPHCM) vẫn đối mặt không ít thử thách. Từ tháng 7/2022, kế hoạch chuẩn bị đơn hàng cũng chỉ trong vòng 2-3 tháng, chứ không có đủ nửa năm hay cả năm so với trước. Nguyên do là bởi khách hàng không dám đặt nhiều, sợ tồn kho.

Trưởng phòng tổ chức nhân sự – Chủ tịch công đoàn, ông Trần Thanh Sơn cho biết, những đơn hàng từ vài nghìn sản phẩm, giờ đã “teo” lại, chỉ tính đơn vị hàng trăm.

Công ty cũng không còn “kén cá chọn canh” như trước nữa. Để luôn có đơn hàng, chủ doanh nghiệp chủ động tìm lại “bạn hàng” cũ, chấp nhận cả những khách hàng mà mình từng từ chối. Ngoài ra, công ty cũng nhận những đơn hàng khó gia công với giá thấp.

Đó là cách mà các doanh nghiệp đề ra để tìm được, tận dụng từng đơn hàng nhằm duy trì hoạt động sản xuất.

Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết chảnh, cơ hội thử tay thợ giỏi - 3Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết chảnh, cơ hội thử tay thợ giỏi - 4

“Trước đây, chúng tôi khá kén khách và luôn đòi hỏi đơn hàng phải dài, số lượng hàng nghìn. Giờ không được lựa chọn nữa, dù đơn hàng vài trăm sản phẩm cũng phải nhận. May mắn, do công ty luôn đề cao chất lượng sản phẩm nên khi tìm lại khách hàng cũ, họ đồng ý hợp tác ngay lập tức”, ông Sơn nói.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), ông Trần Anh Vũ, thời gian qua, ngành gỗ đang có tín hiệu khả quan khi lượng tồn kho của các nhà mua hàng lớn giảm. Các đơn vị cũng bắt đầu đặt hàng bổ sung. Tuy nhiên, quy mô các đơn hàng không lớn như kỳ vọng. Vì vậy, việc sản xuất vẫn trong tình trạng duy trì, ra sức giữ chân người lao động.

Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp cũng dần chủ động hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tái cấu trúc lại nhà máy, cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết và nâng cao năng suất. “Từ đó, các nhà xưởng có thể cho ra sản phẩm có mức giá cạnh tranh hơn để tăng khả năng thu hút, nhận thêm đơn hàng từ khách hàng cũ”, ông Vũ nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tìm kiếm thêm nguồn khách hàng mới từ việc xúc tiến thương mại tại các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế. Hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh ở những thị trường truyền thống như Anh, Mỹ, Ý, hiệp hội ngành gỗ chuyển sang tiếp cận những thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác tốt như Trung Đông, Ấn Độ và Nam Mỹ.

Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết chảnh, cơ hội thử tay thợ giỏi - 5Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết chảnh, cơ hội thử tay thợ giỏi - 6

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình khôi phục sản xuất, Hiệp hội đã đưa ra một số động thái thông qua việc gửi các kiến nghị đến sở, ban, ngành địa phương và cơ quan bộ, chính phủ.

“Trong đó, chúng tôi kiến nghị hạn chế thanh, kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tháo gỡ các quy trình ngặt nghèo, “đánh đố” về phòng cháy chữa cháy, môi trường; giảm lãi suất cho vay và giữ nguyên nhóm nợ. Hiện nay, ngân hàng nhà nước đã có thông tư về việc giữ nguyên nhóm nợ, doanh nghiệp vẫn đang chờ thêm việc giảm lãi suất”, ông Vũ cho hay.

Không dừng lại ở đó, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, tổ chức các buổi hội thảo liên quan đến các vấn đề nóng mà doanh nghiệp đang gặp khó khăn (các quy định về PCCC, Môi trường, quản lý – truy xuất nguồn gốc gỗ…).

“Chúng tôi đang làm việc với tham tán thương mại tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Đông, Châu Phi để tìm kiếm những cơ hội mới. Điều này giúp doanh nghiệp có thêm đơn hàng, khôi phục sản xuất và giữ chân người lao động”, ông Vũ chia sẻ.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, đến nay, các doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh. Trong đó, các đơn vị từng bước xây dựng phương án sản xuất kinh doanh linh hoạt; điều chỉnh mục tiêu kinh doanh; tái cấu trúc quy trình sản xuất; tối ưu hóa dây chuyền sản xuất. Điều này giúp doanh nghiệp có thể tìm kiếm các thị trường, khách hàng mới, thay thế cho các thị trường bị cắt giảm.

Sàng lọc nhân công, giữ chân thợ tay nghề cao

Ông Trần Thanh Sơn cho hay, vì thiếu đơn hàng nên công ty không tổ chức tăng ca. Một số nhân sự chủ động xin nghỉ, công ty cũng không có kế hoạch tuyển thêm, mà duy trì lượng nhân công 300 người.

Nhân sự nghỉ phần lớn là công nhân trẻ, vừa nghỉ việc từ các nhà máy thuộc lĩnh vực khác may mặc. Tay nghề của họ không được cao, khó cạnh tranh với nhân sự lâu năm.

Vì trả lương theo sản phẩm, nên công nhân mới đã quen làm theo giờ sẽ không bám trụ được tại công ty. “Công nhân mới đến hầu như trước đây được trả lương theo thời gian làm việc, giờ đây làm ăn trên sản phẩm, thường không theo kịp nhân sự cũ, dẫn đến dễ áp lực và chán nản”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, để giữ được công nhân có tay nghề giỏi, công ty cũng duy trì chế độ đãi ngộ cao.

Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết chảnh, cơ hội thử tay thợ giỏi - 7Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết chảnh, cơ hội thử tay thợ giỏi - 8

Theo đó, dù hiếm đơn hàng nhưng công nhân tại đây vẫn duy trì được mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi cũng hỗ trợ cho công nhân thêm tiền nhà trọ, xăng xe, chuyên cần, điện thoại và ăn uống”, ông Sơn cho hay.

Không những vậy, vị Chủ tịch công đoàn còn nhận định, việc giảm đơn hàng lại tạo cơ hội để tăng năng suất của công nhân.

“Giảm đơn hàng có cái hại, cũng có cái lợi. Vì công ty trả lương theo sản phẩm, công nhân sẽ cạnh tranh, tăng tốc làm việc hơn 120% sức lực. Bởi dây chuyền nào cũng muốn hoàn thành nhanh, để giành lượng đơn hàng khác về làm tiếp”, ông Sơn phân tích.

Từ đó, công ty cũng ghi nhận rằng, năng suất lao động của công nhân trong nhiều tháng qua chẳng những không giảm, mà còn tăng thêm.

Ông Trần Anh Vũ cho rằng, để có được lực lượng có tay nghề giỏi, doanh nghiệp cần một thời gian đào tạo, cọ xát rất dài. Vì vậy, doanh nghiệp luôn xem nguồn lực trong ngành gỗ là tài sản đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp.

“Dù đơn hàng sụt giảm nhiều nhưng doanh nghiệp luôn cố gắng sắp xếp chia thời gian để công nhân cùng làm việc. Ngoài ra, các chủ sử dụng lao động còn triển khai thực hiện trợ cấp giảm giờ làm, trợ cấp phòng trọ,…”, ông Vũ nhìn nhận.

Đồng thời, doanh nghiệp luôn trao đổi những khó khăn với người lao động, để có sự san sẻ từ hai phía, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết chảnh, cơ hội thử tay thợ giỏi - 9Ở thế mất tất, doanh nghiệp hết chảnh, cơ hội thử tay thợ giỏi - 10

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho hay, các doanh nghiệp đã chủ động sắp xếp lực lượng lao động phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh. Các đơn vị bố trí ca làm việc, di dời nhà xưởng để thu hút lực lượng lao động, đồng thời có thể giảm một số chi phí trong hoạt động sản xuất.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai ghi nhận thực tế, trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp thực hiện thỏa thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động; cắt giảm thời gian làm thêm giờ; thỏa thuận nghỉ phép năm,…

Nhìn chung, các doanh nghiệp đều đang xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp đều xây dựng và thực hiện kế hoạch chi trả trợ cấp mất việc làm và cam kết sẽ tuyển dụng những lao động này khi tình hình sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. 

Chủ sử dụng nào cũng hiểu để mất người là thiệt hại lớn sau này nên đã nỗ lực duy trì lực lượng lao động, chờ khôi phục sản xuất. Trong quá trình xây dựng các phương án sắp xếp, sử dụng lao động, các doanh nghiệp có sự tham khảo ý kiến của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh. Cơ quan chức năng đều hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp có phương án tối ưu nhất đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Tại khu vực phía Bắc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cũng đánh giá, các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động tìm kiếm đơn hàng và nâng cao chất lượng hàng hóa để duy trì việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị còn chủ động đào tạo hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo lại lao động. Điều này giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp, giữ được các đơn hàng ổn định và chất lượng.

(Còn nữa) 

Nội dung: Lê Hoa – Nguyễn Vy 

Ảnh: Hữu Khoa

17/05/2023