Linh Lan chinh phục Harvard bằng hồ sơ có điểm học tập, chứng chỉ gần tuyệt đối, loạt giải thưởng quốc tế cùng khả năng nói tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Trung thành thạo.
Ít ngày trước, Phan Linh Lan, 17 tuổi, học sinh Trường quốc tế Concordia, Hà Nội, nhận tin trúng tuyển Đại học Harvard. Đây là một trong 8 đại học Ivy League – nhóm tinh hoa của Mỹ, đồng thời đang đứng thứ ba trong bảng xếp hạng tốt nhất thế giới, theo Times Higher Education.
Đại học Harvard có mức độ cạnh tranh đầu vào gắt gao với tỷ lệ chấp nhận chỉ 3%, thuộc nhóm thấp nhất Mỹ. Vì vậy với Linh Lan, đây là kết quả ngoài mong đợi.
Phan Linh Lan, học sinh trường quốc tế Concordia, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ lớp 6, Lan đã xác định du học Mỹ. Em chuyển từ một trường quốc tế có thiên hướng du học Anh sang ngôi trường hiện tại, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu của mình. Trong những đại học hàng đầu, Lan dành sự quan tâm cho Harvard – đại học danh tiếng và lâu đời nhất nước Mỹ.
Vì có mục tiêu sớm, Lan cũng nhanh chóng bắt tay vào những bước đầu tiên của quá trình xây dựng hồ sơ du học. Trong ba năm đầu THCS, nữ sinh ôn ACT – bài thi chuẩn hóa được đại học Mỹ sử dụng để kiểm tra năng lực ứng viên. Nhờ thời gian ôn luyện dài cùng kỹ năng đọc tiếng Anh thành thạo, Lan đạt 35 trên 36 điểm như mong muốn. Nữ sinh đánh giá đây mới là ngưỡng ổn để ứng tuyển vào đại học top đầu như Harvard.
Trên trường, Linh Lan học chương trình dự bị đại học AP với 12 môn. Nữ sinh luôn duy trì điểm ở mức gần tuyệt đối, được thầy Ben Compton, cố vấn học tập, nhận xét là một “học sinh hạng A”.
Linh Lan hứng thú với lịch sử, chính trị và các hoạt động văn hóa. Chủ đề bài luận chính của Lan cũng nói về mong muốn được học, hiểu hơn về lịch sử Việt Nam trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển và hội nhập, từ đó tìm cách gìn giữ văn hóa dân tộc. Đây cũng là lý do nữ sinh học đàn tranh trong nhiều năm, bên cạnh piano và violin.
Thầy Ben Compton cho biết niềm say mê với lịch sử, văn hóa của Linh Lan được thể hiện qua nhiều hoạt động, như tham gia lớp Nghiên cứu khoa học xã hội, có nhiều nghiên cứu lịch sử, chính trị, và gần đây nhất là dự án cho cuộc thi ngày Lịch sử quốc gia của trường.
“Lan như một nhà sử học xuất sắc và là một người Việt Nam yêu nước nồng nàn”, thầy Compton khẳng định.
Linh Lan thường chơi đàn tranh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nữ sinh Hà Nội còn có niềm đam mê với ngoại ngữ. Ở trường, Lan sử dụng tiếng Anh để học cũng như giao tiếp với bạn bè và thầy cô, có tiếng Tây Ban Nha là môn học chính thức trong chương trình. Ngoài ra, nữ sinh còn tự học tiếng Pháp và Trung Quốc, hiện đều có thể sử dụng các ngôn ngữ này.
Ý thức về tầm quan trọng của ngoại ngữ hình thành trong Lan từ những năm 12-13 tuổi. Gia đình Lan kinh doanh ẩm thực, mỗi lần gặp đối tác nước ngoài, bố mẹ thường đưa Lan theo để phiên dịch. Có những năm vào mùng 1 Tết, cả nhà ở Canada và em vẫn đại diện bố mẹ đàm phán với đối tác.
“Những chuyến đi nước ngoài giúp em hiểu hơn về công việc của bố mẹ, cảm thấy tự hào vì được đóng góp, phụ giúp gia đình, còn cho em thấy vai trò của việc hội nhập, kết nối quốc tế cũng như lợi thế khi biết ngoại ngữ”, Lan nói.
Trong các hoạt động ngoại khóa, Lan tâm đắc nhất với chuỗi sự kiện của DECA Việt Nam, thành viên của DECA quốc tế – tổ chức phi lợi nhuận với nhiều hoạt động dành cho học sinh, sinh viên. Từ đầu năm 2023, Lan giữ vị trí chủ tịch DECA Việt Nam.
“Quá trình lên ý tưởng, tổ chức các cuộc thi và quản lý tiến độ, đôn đốc các thành viên giúp em học hỏi thêm về kỹ năng tổ chức, lãnh đạo”, Lan chia sẻ.
Ngoài ra, nữ sinh còn giành hai giải nhất trong năm lớp 9 và 10 tại AI-JAM US, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật được tổ chức thường niên tại thung lũng Silicon, Mỹ. Lan cùng bạn tham gia với đề tài về bảo tồn các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam bằng cách sử dụng công nghệ AI để phát hiện âm thanh của động vật; ngăn ngừa tai nạn giao thông bằng cách sử dụng AI để phát hiện lỗi đường bộ.
Linh Lan (trái) trong một sự kiện cuối tháng 11/2024 với vai trò là Chủ tịch DECA Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Đỗ Thùy Linh, mẹ của Linh Lan, chia sẻ con gái phát triển đều. Từ bé, Lan đã có sở thích đọc sách. Mỗi khi được hỏi thích quà gì, em đều chọn sách và luôn đọc sách viết bằng tiếng Anh. Chị Linh cho biết vì muốn theo ngành Luật và chính trị, Lan xác định phải đọc nhiều, bởi đây đều là hai lĩnh vực đòi hỏi kiến thức sâu rộng.
Người mẹ nhận xét con gái là người kỷ luật, làm việc có kế hoạch. Ở cách trường hơn 20 km, mỗi ngày Lan đều phải rời nhà từ 7h kém, tới 19-20h mới về. Dù vậy, chưa ngày nào em bỏ tập thể thao. Những ngày bận, Lan sẽ dành ít phút để chạy bộ, có nhiều thời gian hơn sẽ tới phòng gym.
Nữ sinh từng giành loạt huy chương về bóng đá, bóng rổ, điền kinh, bơi lội lứa tuổi U13 do FOBISIA, tổ chức của khoảng 50 trường quốc tế Anh, tổ chức. Hiện, do quỹ thời gian rảnh hạn chế hơn, Lan chỉ duy trì chơi bóng rổ.
Hành trình 6 năm từ lúc đặt mục tiêu đến ngày nhận thông báo trúng tuyển Harvard, Lan thấy mình tự tin và bản lĩnh hơn. Trước kia, em hơi nhút nhát, nhưng giờ có thể tự tin đứng nói trước đám đông, điều phối nhiều hoạt động trong và ngoài trường.
Trước mắt, Lan nói sẽ tiếp tục việc học ở trường để duy trì điểm số hiện tại, hoàn thành các dự án và nghiên cứu đang tham gia. Không còn áp lực về việc ứng tuyển du học, Lan muốn dành thời gian để học thêm ngoại ngữ và chơi thể thao.
Nữ sinh thạo bốn thứ tiếng trúng tuyển Đại học Harvard
Linh Lan chơi đàn tại khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám. Video: Nhân vật cung cấp
Thanh Hằng