Bỏ mục tiêu du học Mỹ, Nguyễn Lê Phương Thúy chuyển hướng sang Canada và giành học bổng toàn phần của Đại học Toronto.
Thúy, 18 tuổi, nhận tin vui cách đây 4 tháng. Hôm đó, thấy nhiều bạn cùng ứng tuyển báo trượt nên em rất lo lắng.
“Nhìn thấy chữ ‘chúc mừng’ là em nhảy cẫng lên, chạy xuống gọi bố mẹ”, Thúy kể. “Em vốn đã chuẩn bị tinh thần trượt”.
Năm nay, Đại học Toronto đứng thứ 25 trong bảng xếp hạng đại học thế giới của QS, được US News xếp hạng một ở Canada. Học bổng của Thúy mang tên Lester B. Pearson, trị giá hơn 330.000 CAD (6 tỷ đồng) cho bốn năm học. Mỗi năm, học bổng này chỉ trao cho 37 sinh viên quốc tế.
Ngoài Toronto, Phương Thúy cũng giành học bổng của Đại học British Columbia, top 2 Canada; học bổng mức cao nhất của Viện đào tạo quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Cô gái Quảng Bình cho biết chọn theo học Đại học Toronto, ngành Quản trị và Kinh doanh quốc tế Co-op.
Nguyễn Lê Phương Thúy. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thúy nói quan tâm đến kinh doanh từ nhỏ, vì mẹ bán hoa quả, bố làm ngân hàng. Lớn lên ở Quảng Bình, nơi ngành thủy hải sản được coi là lĩnh vực kinh tế quan trọng, em nhận thấy việc kinh doanh còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung tự nhiên, doanh thu khi ít, khi nhiều. Vì vậy, Thúy muốn một ngày học sâu về kinh doanh để biết cách khai thác nguồn lợi từ sản vật của quê mình.
Hồi học cấp hai, Thúy nghe mọi người nói nhiều về du học. Học tiếng Anh tốt, em nghĩ mình có thể du học, dự định vào cấp ba tìm hiểu kỹ với mục tiêu có học bổng toàn phần.
“Gia đình có thể lo vài trăm triệu cho em nhưng không đủ để đi tự túc”, Thúy nói.
Sau khi đỗ vào lớp 10 chuyên Anh, trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Thúy liền tìm đọc các yêu cầu đầu vào của đại học nước ngoài. Ban đầu, Thúy thích du học Mỹ nên chuẩn bị theo hướng này. Em tham gia nhiều cuộc thi tranh biện bằng tiếng Anh, làm nghiên cứu ở một dự án do sinh viên, cựu sinh viên của MIT, Harvard sáng lập.
Thúy cũng dành mùa hè năm lớp 11 để học chương trình pre-college (tiền đại học) ở Mỹ. Tổng chi phí chuyến đi là 150 triệu đồng.
Lần đầu đi nước ngoài, Thúy gặp không ít trở ngại. Nữ sinh từng loay hoay ở sân bay hai tiếng để tìm cách về ký túc xá nên bỏ lỡ buổi hướng dẫn, một lần ngủ quên không điểm danh khiến mọi người tá hỏa đi tìm, vừa khóc vừa đọc một xấp tài liệu môn Triết học hay tranh cãi với bạn bè ở Việt Nam vì công việc ở câu lạc bộ…
Khi đó, mỗi ngày, Thúy học ba tiếng trên lớp và dành từng đó thời gian tự học vào buổi tối. Ngoài ra, nữ sinh cũng cần tham gia đầy đủ hoạt động ngoại khóa.
“Quá nhiều thứ đẩy em ra khỏi vùng an toàn cùng lúc nên em chỉ thấy mệt”, Thúy chia sẻ.
Phương Thúy (hàng trên, thứ tư từ phải sang) khi tham gia chương trình pre-college của Đại học Harvard, Mỹ, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ những trải nghiệm của chuyến đi, Thúy xác định sẽ gặp nhiều khó khăn khi du học, nhưng em vẫn hào hứng. Trở về Việt Nam, Thúy tiếp tục hành trình “săn” học bổng.
Càng tìm hiểu, Thúy nhận ra để giành được học bổng toàn phần ở Mỹ rất cạnh tranh. Suy đi nghĩ lại, nữ sinh quyết định chuyển hướng sang các đại học Canada, bắt tay làm hồ sơ từ tháng 8/2023. Thúy cho biết dồn sức vào học bổng Pearson ở Đại học Toronto vì trọng tâm đánh giá là khả năng lãnh đạo – điều em có thể minh chứng qua các hoạt động ngoại khóa trước đó.
Trong bài luận 800 từ, Thúy kể về dự án “Tết Nhân ái”, trao quà cho người dân khó khăn ở khu vực miền núi và những thay đổi tích cực với bản thân.
Nữ sinh lần lượt lập dàn ý, viết chi tiết từng phần, rồi chỉnh lại cách dùng từ cho lôi cuốn hơn. Cả quá trình diễn ra trong hơn một tháng. Thời điểm cuối năm cũng là lúc em chuẩn bị thi học sinh giỏi quốc gia và nộp hồ sơ học bổng ở một số trường khác.
“Em làm gì cũng phải làm hết sức nên thời điểm đó rất căng thẳng”, Thúy nhớ lại.
Ngoài ra, Thúy cần viết 3-4 bài luận phụ và trả lời phỏng vấn. Thúy cho rằng việc ứng tuyển học bổng vào ngành quản trị kinh doanh, một ngành top của trường, khiến em phải trải qua nhiều vòng thi hơn các bạn nộp vào ngành khác.
Đầu năm nay, Phương Thúy lần lượt nhận kết quả trúng tuyển và học bổng từ các trường đại học ở Canada và Australia. Mọi khó khăn và thành công trong quá trình chuẩn bị đều được Thúy chia sẻ với cô Hoàng Thị Hải Yến, giáo viên dạy môn Lịch Sử ở trường. Cô Yến cảm nhận ở Thúy tinh thần tự học cao và quyết tâm đạt được ước mơ của mình.
“Thúy thông minh, có quyết tâm cao và cực kỳ nghiêm túc, nỗ lực”, cô Yến nhận xét.
Thời gian này, Phương Thúy thức khuya để tham gia ứng tuyển vào các câu lạc bộ ở trường mới. Nữ sinh sẽ sang Canada vào cuối tháng để tham gia tuần lễ định hướng trước khi bước vào học kỳ đầu tiên.
Phương Anh