Đang học Ngoại thương, Thảo nghe bạn rủ nộp hồ sơ học bổng chính phủ Trung Quốc để theo học Đại học Bắc Kinh và trúng tuyển.
Vũ Thị Thảo, 19 tuổi, nhận giấy báo nhập học ngôi trường hàng đầu Trung Quốc hồi giữa tháng 8. Theo xếp hạng đại học QS 2025, Đại học Bắc Kinh nằm trong top 20 thế giới.
“Em bất ngờ nhưng tự hào vì năng lực của bản thân được công nhận”, cựu học sinh lớp chuyên Tiếng Trung, trường THPT chuyên Lào Cai, nói.
Cuối năm ngoái, khi đang là sinh viên năm thứ nhất ngành Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại thương, Thảo được nhóm bạn thân rủ nộp hồ sơ xin học bổng chính phủ Trung Quốc (học bổng CSC).
Trước đó, Thảo có nhiều người bạn Trung Quốc và thích tìm hiểu văn hóa quốc gia này. Nữ sinh nhìn nhận du học sẽ giúp bản thân có thêm trải nghiệm và trưởng thành hơn.
“Cơ hội đến thì phải thử. Nếu không dám bước ra khỏi vùng an toàn, em khó được như bây giờ”, nữ sinh nhìn nhận.
Vũ Thị Thảo nhận giấy nhập học, hồi giữa tháng 8. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thời điểm đó, Thảo chỉ còn một tháng chuẩn bị. Với ứng viên đang học đại học, hồ sơ học bổng CSC yêu cầu điểm trung bình học tập (GPA) ở THPT và học kỳ 1, năm thứ nhất. Nữ sinh đều đạt điểm xuất sắc, lần lượt 9/10 và 3.6/4.
Năm nay, các đại học Trung Quốc yêu cầu thí sinh quốc tế phải thi ba môn, trong đó có Tiếng Trung. Nhờ thành tích học tập tốt, lại là thủ khoa khối D04 (Toán, Văn, Tiếng Trung) của tỉnh Lào Cai với 27,9 điểm, Thảo được miễn bài thi đầu vào của Đại học Bắc Kinh.
Nữ sinh nhận định khó khăn nhất là tạo điểm nhấn cho hồ sơ, thể hiện được mục tiêu, định hướng và khả năng cống hiến sau này.
Vì thế, Thảo chọn viết thêm bài luận về hành trình trưởng thành, từ một cô bé nhút nhát thời trung học đến nữ sinh giỏi và năng động ở trường đại học.
Nữ sinh cho hay hồi phổ thông rất tự ti, không dám thể hiện mình và ngại giao tiếp. Sau lần giành huy chương vàng Trại hè Hùng Vương môn Tiếng Trung năm lớp 11, Thảo nhận ra mình “không quá tệ”. Từ đó, em tự tin hơn và giành được nhiều thành tích, trong đó có giải ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, chứng chỉ Hán ngữ quốc tế HSK cấp 6 (cao nhất).
Thảo sau đó trở thành sinh viên Đại học Ngoại thương, như mục tiêu đặt ra từ ngày học lớp 10. Nhưng sau khi vào trường, em choáng ngợp vì bạn bè xung quanh đều học giỏi và tài năng. Khi tham gia câu lạc bộ và tổ chức các sự kiện, Thảo nhận ra mình cần nỗ lực rất nhiều.
“Ngoại thương là nơi thôi thúc em phát triển bản thân nhiều nhất. Nếu không giỏi, em sẽ bị bỏ lại”, nữ sinh kể.
Sau khi nhận tin trúng tuyển, Thảo cân nhắc rất nhiều giữa lựa chọn du học hay ở lại. Cuối cùng, nữ sinh quyết định đón nhận cơ hội và thách thức mới.
“Phải ở môi trường giỏi em mới giỏi lên được”, Thảo nói.
Cô Đoàn Thị Thu, giáo viên Tiếng Trung, trường THPT chuyên Lào Cai, nhận xét học trò cầu toàn, chững chạc và tinh tế. Thảo luôn đặt mục tiêu cụ thể và quyết tâm hoàn thành. Thời phổ thông, em học đều các môn.
“Kết quả rất xứng đáng với những nỗ lực của Thảo”, cô Thu nói.
Thảo đã bảo lưu kết quả học tập ở Đại học Ngoại thương và sang Trung Quốc nhập học. Nữ sinh dự định học lên thạc sĩ sau tốt nghiệp.
Với ứng viên nhắm đến học bổng chính phủ CSC, Thảo gợi ý có kế hoạch sớm và dài hạn, có tâm thế sẵn sàng hướng đến môi trường lớn.
“Hãy dũng cảm nộp hồ sơ vào trường mình muốn. Nếu không thử, bạn sẽ không biết mình có thể làm được”, Thảo nói.
Bình Minh