“Làm thêm” mất ngay 1 tháng lương
Mới chân ướt chân ráo từ Phú Yên đến TPHCM làm việc tại một công ty về linh kiện điện tử được 8 tháng, chị V.T.D.T. rơi vào cảnh lao đao khi bị chiếm đoạt mất 6 triệu đồng. Thu nhập hàng tháng chỉ 6-7 triệu đồng nên số tiền bị mất là một tài sản lớn đối với chị T.
Theo nữ công nhân 22 tuổi, nguyên nhân chị mất oan 1 tháng lương cũng bởi vì chị muốn kiếm thêm thu nhập trên mạng xã hội.
Nữ công nhân bị lừa đảo qua mạng (Ảnh: NVCC).
Cụ thể, sau khi tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội facebook, bên tuyển dụng hướng dẫn chị làm công việc nạp tiền, mua đơn hàng của họ. Hoàn thành nhiệm vụ sẽ được hoàn tiền và trả lại hoa hồng.
Nghe công việc hấp dẫn, chị D.T. tin theo. Đặc biệt, khi các đối tượng lừa đảo gửi giấy phép kinh doanh của công ty, chị T. càng không thể nghĩ đó là đường dây lừa đảo chuyên nghiệp. Do vậy, chị đã thực hiện hàng loạt nhiệm vụ mà họ đưa ra.
Khi đóng vào đến 6 triệu đồng, hệ thống không hoàn lại tiền nên chị T. mới bắt đầu nghi ngờ.
Lúc này, chị T. lên mạng tìm hiểu thì mới tá hỏa khi phát hiện giấy phép kinh doanh công ty gởi cho mình chỉ là giả.
“Đây là lần bị lừa tiền đầu tiên của tôi, nên tôi rất xót ruột. Để có số tiền trên, tôi đã phải đi vay mượn mọi người vì đồng lương công nhân không dư dả”, chị T. chia sẻ.
Lừa đảo ngày càng tinh vi
Chia sẻ tại buổi đối thoại với chủ đề “Tìm hiểu về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động; nhận diện lừa đảo trực tuyến và cách phòng ngừa”, Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) cho biết, hiện nay, việc vay qua app rất phổ biến trong công nhân lao động.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, thực tế chưa có văn bản pháp lý nào quy định rõ về vấn đề này, song có thể hiểu vay tín dụng đen là vay tại các tổ chức, cá nhân không được pháp luật công nhận và có lãi suất cao.
TS. Đào Trung Hiếu nhận định, vay tín dụng đen không cần thế chấp mà vay bằng tín chấp. Có một số app hiện nay không cần điều kiện, chỉ cần cho phép truy cập danh bạ điện thoại hoặc mạng xã hội.
Lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi (Ảnh minh họa: Hải Nam).
Khi đến hạn, các tổ chức này thường sẽ “khủng bố”, gây sức ép với người vay thông qua cuộc gọi hoặc gửi tin nhắn, gây áp lực buộc họ phải trả khoản vay với lãi suất rất cao.
Theo ông Hiếu, khi mắc vào vòng xoáy của tín dụng đen rất dễ dẫn đến nhiều vấn đề tiếp theo khác nhau. Nếu không tỉnh táo, người lao động sẽ tự đẩy mình vào tình trạng này.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo người lao động hạn chế tối đa vướng vào tín dụng đen này. Trường hợp cần tiền gấp, nên hỏi vay họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp.
Để ngăn ngừa loại tội phạm này, từ năm 2019, Bộ Công an đã có chuyên đề về đấu tranh với đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Từ đó, có thể thấy hiện tượng dán cột điện cho vay nặng lãi đã không còn.
Mặc dù vậy, theo ông Hiếu, đối tượng này đã tinh vi hơn và chuyển hoạt động lên không gian mạng; thông qua các mạng xã hội với nhiều hình thức. Người dân dễ sập bẫy hơn và công tác đấu tranh tội phạm cũng phức tạp hơn.
Qua quá trình điều tra, lực lượng công an đã xác định hiện có 3 nhóm lừa đảo chính gồm: Giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên Zalo, Facebook và các hình thức kết hợp.
Với trường hợp này, chuyên gia khuyến cáo người dân cần bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập.
Đồng thời, thông báo cho đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên. Có thể sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ.
Trong quá trình đấu tranh, Bộ Công an giao chỉ tiêu công tác cho công an địa phương, tổ chức trinh sát, điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên, quan trọng nhất là vẫn cần tích cực công tác tuyên truyền, thay đổi hành vi và nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân.