Lo cho thai nhi trong bụng
Chị N.T.L., công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), là một trong 351 người phải nhập viện theo dõi sức khỏe do có biểu hiện ngộ độc sau bữa ăn ca.
Đang mang bầu, chị L. được điều trị tại Khoa sản, Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt. Nhớ như in cách đây 1 tháng, chị bị đi ngoài sau bữa ăn trưa tại công ty.
“Tháng trước, sau khi ăn bún trong bữa trưa tại công ty, tôi cũng bị đi ngoài, buồn nôn. Bún có mùi chua, như bị thiu”, nữ công nhân kể.
Sau khi nữ công nhân này phản ánh, công ty ghi nhận ý kiến và đền bù suất ăn mới.
Công nhân mang bầu bị ngộ độc (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Đang mang thai tuần thứ 23, chị N.T.N. (Tam Dương, Vĩnh Phúc) tỏ ra hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của em bé trong bụng. Sau gần một ngày điều trị, chị N. đã ổn định về sức khỏe và tinh thần.
Nữ công nhân cho hay, ca ăn trưa của chị bắt đầu lúc 12h30. Sau đó, chị về xưởng nghỉ trưa. Khoảng 14h, chị N. thấy mệt trong người và nôn dữ dội. Cùng thời điểm trên, 6-7 người làm cùng dây chuyền với nữ công nhân cũng có biểu hiện tương tự.
“Lúc đó tôi nôn nhiều, mệt đờ mà hoảng sợ, lo cho em bé trong bụng. Khi thấy 6-7 người khác cũng bị giống mình tôi càng hốt”, chị N. nhớ lại.
Chị N. cho biết, trước 9h hằng ngày, công nhân đều nhận được thông báo về thực đơn qua ứng dụng riêng của công ty. Bữa trưa hôm qua có 4 món: dưa chua, canh chua giá đỗ, súp lơ xào và thịt gà xào sả ớt.
Nữ công nhân mong muốn công ty có trách nhiệm hỗ trợ viện phí, tiền lương trong những ngày chị và đồng nghiệp phải nằm viện điều trị.
“Qua sự việc lần này, chúng tôi rất chia sẻ với công ty. Thực sự người lao động không cần bữa ăn phải có nhiều món nhưng công ty cần quan tâm hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh những vụ việc tương tự xảy ra”, chị N. mong mỏi.
Phát hoảng thấy đồng nghiệp nôn ói la liệt
13 năm làm công nhân tại công ty, chị D.T.H. (Tam Dương, Vĩnh Phúc) cho biết, đây là lần đầu chứng kiến cảnh hàng trăm công nhân cùng bị ngộ độc thực phẩm.
“Sau bữa ăn trưa khoảng 2 tiếng, tôi bắt đầu cảm thấy đau đầu, người ớn lạnh. Ban đầu tôi nghĩ do trong xưởng bật quạt lạnh. Một lúc sau tôi buồn nôn và thấy nhiều người trong xưởng cũng có các biểu hiện giống mình.
Sau khi sự cố xảy ra, ban lãnh đạo công ty đã huy động xe ô tô đưa chúng tôi đến bệnh viện cấp cứu. Cùng lúc có nhiều người bị như vậy, tôi khá hoảng hốt”, chị H. nhớ lại.
Các công nhân cơ bản phục hồi tốt sau khi vào viện điều trị (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Theo lời chị H., tiêu chuẩn suất ăn của công nhân tại công ty là 20.000 đồng/người/bữa. “Thực đơn thay đổi theo từng ngày, không ngày nào giống ngày nào. Suất ăn như vậy ở xưởng chúng tôi thấy đảm bảo”, chị H. nói.
Đại diện công ty cho biết, đơn vị đã phối hợp với các bệnh viện đang điều trị cho công nhân của công ty để xử lý vấn đề viện phí. Cho tới khi công nhân được xuất viện, công ty sẽ chi trả các chi phí điều trị liên quan trực tiếp với bệnh viện.
Theo báo cáo của công ty, đến thời điểm hiện tại đã có thêm 5 người nhập viện, nâng số người phải vào viện theo dõi sức khỏe lên 356.
Cùng với đó, đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc thông tin, trong đêm 14/5, đã có 70 người xuất viện do tình hình sức khỏe ổn định. Thêm nữa, hôm nay dự kiến 50-70 người cũng được trở về nhà.