* Hỏi: Mối quan hệ giữa tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống?
– Đáp: Tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đều là những biểu hiện tiêu cực. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Thực tiễn chỉ ra rằng, tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Từ nhận thức này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó tham nhũng, tiêu cực được xác định là một trong các biểu hiện suy thoái thuộc phạm trù các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tham nhũng là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao thiếu tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.
Như vậy, giữa tham nhũng với suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên có mối quan hệ nhân quả với nhau, gắn bó chặt chẽ và tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau. Theo đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là nguồn gốc, căn nguyên gây ra tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng, tiêu cực là hệ quả do suy thoái đạo đức mang lại, do đó chống tham nhũng về cơ bản chính là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.