Chỉ sau năm học đầu tiên, tôi ngỡ ngàng nhận tin sinh viên của mình đã bỏ ngang để đi xuất khẩu lao động Đài Loan.
Tôi vừa có buổi dạy đầu tiên của học kỳ I năm học 2024-2025 cho sinh viên năm thứ hai ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại một trường Cao đẳng ở Hà Nội. Tôi từng dạy các em một học kỳ ở năm thứ nhất nên thuộc tên và nhớ mặt cả 32 sinh viên trong lớp. Theo thói quen, khi vào lớp, tôi điểm danh sinh viên. Đến lúc gọi tên một sinh viên quê Thanh Hóa thì các bạn trong lớp báo tin em đã nghỉ học để đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan từ học kỳ này.
Trong trí nhớ của tôi, em sinh viên này rất hoạt ngôn, nhanh nhẹn, tháo vát, năng động, vừa đi học vừa đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Khi nghe tin em nghỉ học đi xuất khẩu lao động, tôi vừa bất ngờ, vừa buồn, vừa thương sinh viên của mình. Tôi biết, trường hợp nghỉ học ngang để đi lao động ở nước ngoài như sinh viên của mình không phải là ít mà ngày một phổ biến. Việc nhiều học sinh quyết định không học tiếp cao đẳng, đại học trong nước mà chọn con đường xuất khẩu lao động ở nước ngoài ngày một tăng ở nhiều địa phương.
Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh, sinh viên cũng như chính các phụ huynh cũng đồng tình với quyết định này của con em mình:
Thứ nhất, họ nhận ra rằng, cao đẳng, đại học chỉ là một trong những đích đến, chứ không phải là con đường duy nhất để quyết định sự thành công của một cá nhân.
Thứ hai, thực tế sinh viên ra trường những năm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp, hoặc phải làm việc trái chuyên môn, thu nhập thấp… cứ năm sau lại cao hơn năm trước. Và có rất nhiều người buộc phải giấu đi những tấm bằng của mình để xin vào làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc kiếm sống bằng lao động chân tay ở nhiều ngành nghề khác nhau. Thế nên, nhiều gia đình hướng con em mình ra nước ngoài lao động kiếm tiền sớm, thay vì phải mất 3-4 năm học cao đẳng, đại học mà cũng chưa chắc có việc làm.
Thứ ba, học phí ở các trường cao đẳng, đại học bây giờ ngày càng cao. Nên để có tiền cho con học, nhiều phụ huynh ở các vùng quê nghèo như sinh viên của tôi phải đi vay mượn rất vất vả. Để rồi, khoản nợ ấy lại trở thành gánh nặng với những cử nhân sau khi ra trường.
Cuối cùng là nhiều sinh viên lo âu về học lực của bản thân, định hướng tương lai nghề nghiệp không rõ ràng, cộng thêm việc thị trường lao động trong nước đang gặp nhiều khó khăn… Không chỉ vậy, điều kiện kinh tế hạn chế, gia đình có người ốm đau, bệnh tật, càng khiến phụ huynh lẫn học sinh lựa chọn bỏ học đi xuất khẩu lao động để gia tăng thu nhập.
>> Sinh viên năm nhất ‘sốc đại học’ vì xét tuyển học bạ
Sinh viên ra trường không có việc làm; học sinh tốt nghiệp PTTH từ chối học đại học; sinh viên các trường bỏ học cao đẳng, đại học để xuất khẩu lao động… đó là một thực tế lo âu đối với ngành giáo dục nước nhà, bài toán khó đó vẫn chưa có lời giải.
Nếu làm bài toán kinh tế, rõ ràng cho con đi xuất khẩu lao động gửi tiền về cho bố mẹ là hiệu quả hơn so với việc bố mẹ phải kiếm tiền nuôi con ăn học ở nhà, nhất là đối với gia đình kinh tế khó khăn. Nếu nghĩ đến ba, bốn năm học cao đẳng, đại học xong, ra trường không biết có tìm được việc làm không, rồi tìm được việc lại nhận mức lương thấp không đủ nuôi bản thân, thì lựa chọn này được xem là quá lãng phí. Tuy nhiên, số người “bỏ học mà vẫn thành công” như Steve Jobs, Bill Gates… chỉ là số ít và không phải là đại diện cho tất cả ở thế hệ hôm nay.
Một người học cao đẳng, đại học đúng nghĩa mà không kiếm được việc làm ngay khi ra trường thì cũng có thể tự thân lập nghiệp bằng nhiều cách khác. Dù cuộc sống khó khăn đến mấy, họ vẫn có thể thích ứng với môi trường mới một cách dễ dàng… Trong khi đó, đi lao động xuất khẩu cũng chỉ được vài năm là phải về nước, rất ít người có cơ hội ở lại định cư ở nước ngoài. Với số vốn tích lũy vài năm kiếm được ở nước ngoài, về Việt Nam giỏi lắm bạn mua được mảnh đất, xây được cái nhà ở quê, khá hơn một chút thì có vốn tự kinh doanh.
Không phải ai sau khi đi xuất khẩu lao động về cũng làm ăn khấm khá hơn. Nhiều người về nước vài năm lại rơi vào cảnh khó khăn, không làm ăn được, lại rơi vào cảnh lao động tự do, không có công việc ổn định vì không có bằng cấp thì không thể xin được việc làm tốt, chỉ làm việc lao động chân tay phổ thông mà thôi. Nhìn gần thì có vẻ như lao động xuất khẩu là bài toán kinh tế rất hiệu quả nhưng nhìn xa hơn, rộng hơn thì đó không phải là con đường tốt nhất, không phải là con đường phát triển bền vững, chỉ là phương án giải quyết tạm thời mà thôi.
Ở đây tôi không đề cập đến vấn đề lựa chọn bỏ học cao đẳng, đại học đi xuất khẩu lao động là đúng hay sai? Chỉ có thể nói, đó là một sự lựa chọn bất đắc dĩ của nhiều gia đình khi kinh tế quá khó khăn và họ phải chọn con đường đó. Tôi chỉ nghĩ thế này, lao động không có nghề khi ra nước ngoài làm việc chưa được đào tạo nghề, thích hợp với công việc đơn giản, thường phải làm công việc tay chân, môi trường làm việc, mức lương và những chế độ đãi ngộ đi kèm cũng không đầy đủ. Với mức lương thấp trong khi chi phí chi trả cho sinh hoạt, ăn uống tại nước ngoài cao nên khi trở về nước, họ không có nhiều tích lũy.
Hơn nữa, sau này, nếu trở về nước, họ không có kỹ năng nghề nghiệp rõ ràng, phải mất thời gian học nghề từ đầu. Trong khi đó, lao động có nghề đã được đào tạo kỹ năng lao động, tay nghề sẽ tương ứng với mức lương mà lao động nhận được. Về nước, cũng có khả năng tìm kiếm việc làm tốt hơn so với lao động không có nghề. Các nước phát triển luôn thiếu lao động có tay nghề cao.
Tôi cho rằng, học sinh và phụ huynh cần tính đường dài cho con em mình trước khi nhìn cái lợi trước mắt. Nếu gia đình nào lựa chọn cho con đi xuất khẩu lao động thì nên cho con học cao đẳng nghề ở trong nước trước, để con được đào tạo kỹ năng lao động, tay nghề tốt thì sang nước ngoài sẽ kiếm được việc làm có thu nhập cao, sau khi về nước cũng không lo bị thất nghiệp, có thể xin việc vào các công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam với mức lương cao hơn là làm lao động phổ thông.
Vũ Thị Minh Huyền
- ‘Bạn bỏ đại học cuộc sống như mơ, tôi cử nhân vẫn đi ở trọ’
- Bỏ đại học, vào trường nghề dù thi được 25 điểm
- ‘Tôi đồng ý khi con muốn bỏ đại học’
- Tôi bỏ Đại học hai năm để định hướng lại tương lai
- Tôi muốn bỏ thi Đại học để lập nghiệp sớm
- Học thế nào để sinh viên không còn muốn bỏ đại học?