Đó là chia sẻ từ ông Võ Văn Quang, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư – Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bắc Á Bank), tại tọa đàm trực tuyến “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh”, do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 5.7.
Không tối đa hóa lợi nhuận mà tối đa hóa lợi ích
Ông Võ Văn Quang, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư BẮc Á Bank, cho rằng ngay từ ngày đầu thành lập, bà Thái Hương, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới – Tổng giám đốc Bắc Á Bank, đã đưa ra định hướng hoạch định một chiến lược phát triển bền vững với 5 giá trị cốt lõi: tiên phong, chuyên nghiệp, đáng tin cậy, cải tiến không ngừng, vì hạnh phúc đích thực của con người và thân thiện với môi trường.
Ông Võ Văn Quang, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Đầu tư Bắc Á Bank, chia sẻ về thành công các dự án tín dụng xanh ngân hàng này đã đồng hành, cấp vốn
Theo đó, Bắc Á Bạnk được xây dựng với tiêu chí là ngân hàng đa năng, hiện đại, cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính tín dụng ngân hàng cho khách hàng dựa trên những tiềm năng lợi thế của đất nước (đất, rừng, biển).
Ngay từ giai đoạn khởi đầu, ngân hàng đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là lĩnh vực ưu tiên phát triển và không tối đa hóa lợi nhuận mà tối đa hóa lợi ích.
Trong suốt 30 năm qua, các dự án ngân hàng này lựa chọn tư vấn, cấp vốn tín dụng đều là các dự án doanh nghiệp áp dụng thành tựu khoa học quản trị, khoa học công nghệ hiện đại của thế giới vào sản xuất theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức thân thiện với môi trường, trên nền tảng phát triển bền vững.
Ngân hàng ưu tiên, xét cấp tín dụng cho các dự án: nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; các dự án trồng rừng, du lịch sinh thái nằm trong trong hệ sinh thái kinh tế xanh. Hiện nay, dư nợ tín dụng xanh của Bắc Á Bank chiếm hơn 21% trong tổng dư nợ toàn ngân hàng.
Khẳng định các dự án ngân hàng ưu tiên đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, thủy hải sản, trồng rừng, dược liệu đến nay đã phát huy giá trị rất lớn đối với toàn xã hội, ông Võ Văn Quang dẫn chứng, dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, quy mô tập trung tại H.Nghĩa Đàn (Nghệ An) và bây giờ đã mở rộng ra khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các dự án này đạt hiệu quả kinh tế rất cao, được người tiêu dùng tín nhiệm và tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động.
“Qua cho vay, cấp vốn tín dụng các dự án xanh, chúng tôi thấy rằng, định hướng phát triển của ngân hàng là đúng đắn, phù hợp với xu hướng thời đại. Đây là điều chúng tôi tâm đắc và thực sự có niềm tin để mở rộng, nâng cấp quy mô cấp vốn tín dụng xanh trong thời gian tới”, ông Quang nói.
Chọn đúng dự án cho vay tín dụng xanh thì rất yên tâm
Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo Bắc Á Bank cho rằng, phần lớn nguồn vốn cho vay tín dụng xanh của các ngân hàng đang triển khai đến từ huy động vốn để cho vay và một phần đến từ một số nguồn vốn tài trợ từ Chính phủ. Nhưng nguồn vốn tài trợ hiện nay là chưa nhiều.
Để triển khai chính sách tín dụng xanh, Bắc Á Bank cũng như nhiều ngân hàng khác phải tính toán căn cơ, cân đối hài hòa. Bởi ngân hàng phải đi huy động vốn để cho vay cũng phải nghĩ đến lợi ích kinh doanh của mình. Nhưng câu chuyện ở tín dụng xanh là các ngân hàng chia sẻ lợi ích dài hạn và ngắn hạn.
Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên Trần Việt Hưng tặng hoa các khách mời tham gia tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh”
“Chúng tôi xác định tín dụng xanh cần nhiều vốn, thời gian thu hồi dài, lợi nhuận trước mắt không cao nhưng đây là lĩnh vực rất nhiều tiềm năng, vì từ lợi thế của đất nước mình là rừng, đất, biển. Trong đó, đất nông nghiệp rộng lớn, chiếm hơn 70% lượng lao động, có “rừng vàng, biển bạc” nhiều tiềm năng để phát triển nhưng chưa có động lực để khơi dậy đúng mức”, ông Quang bày tỏ. Theo ông, hiện Việt Nam vẫn rất thiếu lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp dám đột phá, dám đầu tư khai thác tiềm năng này.
“Cũng từ suy nghĩ đó, chúng tôi cũng phải căn cơ thôi, xác định đâu là mục tiêu chính để đi tìm các dự án, khách hàng mà có thể hiện nay người ta có tiềm lực kinh tế chưa đủ lớn nhưng có đột phá về tư duy, áp dụng khoa học công nghệ từ các nước để áp dụng vào các dự án phát triển kinh tế trong nước”, ông Quang nói.
Qua thực tiễn cho vay, ông Quang chỉ ra, các dự án xanh ở Việt Nam hiện nay phần lớn là dự án lớn, thời gian cho vay dài, khi hoàn thành, phát huy hiệu quả thì lợi ích đem lại cực kỳ to lớn và bền vững lâu dài, giúp giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động ngành nông nghiệp. Các dự án này tạo ra chuỗi giá trị cho toàn xã hội chứ không phải là giá trị, lợi nhuận của doanh nghiệp, kéo theo sự phát triển của các ngành phụ trợ thì đó là lợi lâu dài.
“Khi triển khai tín dụng xanh các dự án xanh vay vốn, nếu ngân hàng lựa chọn đúng dự án, đúng doanh nghiệp thì rất yên tâm cấp vốn tín dụng xanh. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được đồng hành với các doanh nghiệp trong triển khai các dự án xanh”, ông Quang nhấn mạnh.