Theo quy định của Luật Thủy sản và Nghị định số 26 của Chính phủ, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tàu phải duy trì hoạt động của thiết bị giám sát 24/24h từ khi rời cảng đến khi trở về.
Tín hiệu từ thiết bị giám sát hành trình giúp cơ quan chức năng kiểm soát vùng đánh bắt của tàu cá, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp.
Quản lý tàu cá thông qua thiết bị giám sát hành trình là một trong những nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi nhằm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, mục tiêu là gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
Tính đến tháng 6, tại Quảng Ngãi có 2.950 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt tỉ lệ 99,46%.
Thiết bị giám sát “phủ sóng” trên các tàu cá (Ảnh: Quốc Triều).
Tàu cá được kiểm tra gắt gao, đảm bảo thiết bị giám sát hành trình hoạt động mới được cấp phép xuất bến. Hiện tượng nhiều tàu lại “biến mất” trên hệ thống giám sát hành trình khi ra khơi khiến cơ quan quản lý đau đầu.
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi phát hiện trên 500 tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên 10 ngày. Trong đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý gần 300 trường hợp.
Có nhiều nguyên nhân khiến tàu cá mất kết nối với hệ thống giám sát hành trình như thiết bị hư hỏng, tín hiệu vệ tinh bị gián đoạn và ngư dân cố ý ngắt kết nối.
Theo quy định, thuyền trưởng tàu cá cố ý ngắt tín hiệu giám sát hành trình bị phạt 25 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng trong 4,5 tháng. Dù mức phạt khá nặng, nhưng nhiều tàu cá vẫn vi phạm.
Những tàu này còn tìm cách trốn tránh việc bị kiểm tra, xử phạt. Thuyền trưởng không đưa tàu về các cảng cá của Quảng Ngãi mà sang các tỉnh lân cận. Một số tàu thậm chí không vào cảng mà bán cá và mua nhu yếu phẩm, nhiên liệu từ các tàu dịch vụ hậu cần ngay trên biển.
Lực lượng Biên phòng Quảng Ngãi lắp camera giám sát tàu xuất bến (Ảnh: Quốc Triều).
Theo Đại tá Trần Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, những tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình dài ngày sẽ được kiểm tra ngay khi cập bến.
Lực lượng chức năng sẽ làm việc với thuyền trưởng, kiểm tra thiết bị giám sát hành trình nhằm xác định nguyên nhân mất kết nối, đề xuất hướng xử lý vi phạm.
“Tàu cá vi phạm quy định về giám sát hành trình sẽ bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, một số tàu không về Quảng Ngãi mà sang các tỉnh khác neo đậu. Tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương này nhằm phối hợp kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm”, Đại tá Trần Tuấn Anh thông tin.
Chỉ tính riêng trong tháng 6, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi phát hiện hàng chục tàu cá mất kết nối với hệ thống giám sát hành trình không về địa phương mà vào cảng cá các tỉnh, thành khác.
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ngãi có văn bản đề nghị tỉnh Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng phối hợp xử lý những tàu cá này.
Năm 2023, ngư dân Quảng Ngãi khai thác trên 273.000 tấn thủy sản (Ảnh: Quốc Triều).
Liên quan đến vấn đề nêu trên, cuối tháng 5, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung điều tra, xử lý tàu cá vi phạm quy định về giám sát hành trình.
Theo đó, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh phải tập trung nguồn lực, kinh phí thực hiện việc điều tra, xử lý ở mức cao nhất đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm quy định liên quan đến hệ thống giám sát hành trình.
Trường hợp các chủ tàu cá vi phạm không hợp tác, các cơ quan liên quan chủ động đề nghị Công an tỉnh Quảng Ngãi vào cuộc xử lý.