Những người vẽ câu chuyện vùng cao sinh động

Những người vẽ câu chuyện vùng cao sinh động

Biên phòng – Có một không gian tràn ngập sắc màu văn hóa của vùng cao – nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với cảnh sắc ngọt lành, con người chân chất, mộc mạc, hiền lành, tự nhiên đến thuần khiết bỗng hiện lên sinh động qua từng nét vẽ của hai họa sĩ từng sinh sống và làm việc ở miền núi phía Bắc. Người xem vừa rung động, vừa thỏa mãn với không gian nghệ thuật cũng như tâm tình mà hai họa sĩ ấy gửi gắm thông qua triển lãm tranh “Câu chuyện vùng cao”, diễn ra từ ngày 26/5 đến ngày 4/6, tại Nhà triển lãm mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội.


Họa sĩ Hướng Tam Đường (bên trái) giới thiệu tranh cho các đại biểu và du khách tham quan. Ảnh: Thủy Lê

Triển lãm trưng bày gần 50 tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Hướng Tâm Đường và họa sĩ Trần Nguyên Thế, qua chất liệu sơn dầu và arcylic. Với những mảng màu đa dạng, sự pha trộn không quá cầu kỳ mà rất chân thực, bằng những nét vẽ điêu luyện, hai họa sĩ đã khắc họa bức chân dung đặc sắc về đời sống của đồng bào vùng cao miền núi phía Bắc, với văn hóa truyền thống, phong tục tập quán và con người vùng cao giản dị, hiền lành mà thân thuộc.

Đó là cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, rạng rỡ vẫn thường hiện diện ở đời sống đã bước vào từng bức họa đơn sơ, mộc mạc, như các tác phẩm: “Nhà trên núi”, “Nắng chiều trên bản”, “Tia nắng ban mai”, “Mùa hoa cải”, “Đường cày trên nương đá”, “Làng Lô Lô Chải”…; hay đơn giản là những góc nhỏ yên bình trong ngôi nhà của đồng bào qua sê ri 3 tranh “Bếp hồng”, “Trước hiên nhà”, “Bên khung dệt”… Đó còn là chân dung những người phụ nữ dung dị, chân chất, mộc mạc trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu của dân tộc mình, như: “Thiếu phụ Dao” (Logang), “Phút thảnh thơi”, “Giấc mơ trên lưng”, “Phút trầm tư”, “Chuyện đầu năm”, “Cô phù dâu người Dao”…; là những tác phẩm thể hiện phong tục tập quán mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc như “Đám cưới người Dao”, “Lễ cấp sắc”, “Lễ cầu mùa”…

Họa sĩ Trần Nguyên Thế, sinh năm 1980, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng là giáo viên dạy học ở Hà Giang, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã tổ chức nhiều triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Hà Giang, thành phố Hồ Chí Minh. Họa sĩ Trần Nguyên Thế từng tham gia các cuộc triển lãm và được Bằng khen của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang, Bằng khen của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số năm 2013, 2014, 2015…

Võ sư, họa sĩ Hướng Tâm Đường (Nguyễn Chí Hướng), sinh năm 1980, hội viên Hội Mỹ thuật tỉnh Bắc Giang, từng là giáo viên dạy học, hiện đang công tác tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Anh từng đoạt giải Nhì tại Triển lãm tranh Bắc Giang lần thứ nhất năm 2021, tham gia các cuộc triển lãm khu vực Tây Bắc – Việt Bắc năm 2022, 2023; được Bằng khen của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang năm 2023.


Đồng bào người Dao ở bản Nà Hin và bản Mậu tái hiện lễ cầu mùa của đồng bào dân tộc Dao tại lễ khai mạc triển lãm. Ảnh: Thủy Lê

Chia sẻ tại lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Hướng Tâm Đường cho biết, triển lãm là tâm huyết, hoài bão, ấp ủ của anh và họa sĩ Trần Nguyên Thế từ rất lâu rồi. Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là quê hương của họa sĩ Hướng Tâm Đường, còn vùng núi cao nguyên đá Hà Giang là nơi mà họa sĩ Trần Nguyên Thế từng sinh sống và dạy học ở đó. Cả hai người thầy giáo ấy đã gửi gắm cả một thời tuổi trẻ ở vùng cao, họ gắn bó và yêu tha thiết mảnh đất, con người vùng cao và mong muốn mang đến cho người xem cái nhìn chân thực nhất về đời sống của đồng bào, qua đó, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình tới mọi người.

Triển lãm “Câu chuyện vùng cao” cũng là lời tri ân đặc biệt, lời cảm ơn sâu sắc của hai họa sĩ gửi tới đồng bào vùng cao yêu thương, nơi họ đã từng sống và làm việc. “Tôi muốn mời mọi người hãy về với quê hương Sơn Động, về với đồng bào vùng cao yêu thương, để được cảm nhận vùng đất, con người vùng cao chân tình, hiếu khách, về với những nét văn hóa rất vùng cao” – họa sĩ Hướng Tâm Đường bày tỏ.

Đó không chỉ là mong muốn riêng của hai họa sĩ, mà còn là lời mời gọi thiết tha của những con người vùng cao, như chính trong lời phát biểu chân tình, giản dị của ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động. Ông bày tỏ mong muốn thông qua triển lãm tranh “Câu chuyện vùng cao” có thể giới thiệu được những nét chấm phá, đặc trưng về vùng cao Sơn Động, đồng thời thu hút du khách tới thưởng lãm, tham quan mảnh đất vùng cao. Ông Lê Đức Thắng chia sẻ, Sơn Động là một huyện nghèo vùng cao của tỉnh Bắc Giang. Địa phương rất quan tâm đến phát triển, duy trì các phong tục tập quán, bảo tồn văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa. Các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ cũng góp phần thực hiện điều này.

“Chúng tôi thực hiện phương châm phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường, đồng thời phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là hướng tới du lịch bền vững, đáp ứng công ăn việc làm cho người dân để đến năm 2025, huyện Sơn Động thoát nghèo. Qua triển lãm, chúng tôi cũng mong muốn lan tỏa, quảng bá hình ảnh đồng bào dân tộc Dao và rất mong rằng, qua những nội dung này, đồng bào dân tộc Dao sẽ giữ gìn, phát huy hơn nữa giá trị truyền thống để chúng ta biến di sản thành tài sản cho các thế hệ mai sau” – ông Lê Đức Thắng nhấn mạnh.

Đặc biệt, tại lễ khai mạc triển lãm còn có sự góp mặt của Câu lạc bộ văn nghệ đồng bào người Dao ở bản Nà Hin, xã Vân Sơn và bản Mậu, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động. Bà con mặc trang phục truyền thống, cùng tái hiện lễ cầu mùa của đồng bào dân tộc Dao. Lễ cầu mùa được đồng bào người Dao tổ chức với ý nghĩa gửi gắm những ước nguyện về một vụ mùa bội thu, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, ngô, thóc đầy bồ, người người mạnh khỏe, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Là một trong số nhiều người đại diện cho đồng bào Dao ở bản Nà Hin và bản Mậu về tham dự khai mạc triển lãm, chị Triệu Thị Xinh cho biết, dù là người đồng bào, nhưng chị không khỏi xúc động và ấn tượng với các bức tranh của hai họa sĩ, bởi nó được vẽ nên bằng chính hiện thực của đời sống và tâm hồn của người nghệ sĩ yêu cái đẹp. “Họa sĩ phải là người rất gần gũi với đồng bào dân tộc, hiểu về đời sống của chúng tôi mới có thể tái hiện được các bức tranh đẹp mà chân thực tới như vậy” – chị Xinh khẳng định.

Chị Triệu Thị Xinh cũng bày tỏ niềm hạnh phúc khi thông qua triển lãm này, đời sống và bản sắc văn hóa của bà con dân tộc Dao ở vùng cao Sơn Động được nhiều người quan tâm và biết tới.

Thủy Lê