Những người trẻ với ‘kinh nghiệm đầy mình’

Những người trẻ với ‘kinh nghiệm đầy mình’

TTCT – Nhiều sinh viên đã có ‘kinh nghiệm đầy mình’ khi vừa tốt nghiệp, thậm chí khi còn ngồi trên ghế nhà trường.


Những người trẻ với "kinh nghiệm đầy mình" - Ảnh 1.

Thùy Linh và các đồng nghiệp ở Hiệp hội Doanh nghiệp Canada tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

Buổi sáng, Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh viên khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) dậy sớm tập thể dục, ăn sáng rồi đến lớp hoặc đến chỗ làm. Tan học, khi bạn bè còn la cà trên sân trường, cô nhanh nhẹn ra bãi lấy xe chạy đến văn phòng làm việc hoặc đến các sự kiện để phục vụ.

Có những ngày cuối tuần, cô cũng cắm cúi làm việc ở văn phòng hoặc cùng đồng nghiệp chạy sự kiện đến đêm mới được nghỉ. Bài tập, tiểu luận các môn học, bài thu hoạch… luôn được Linh tranh thủ hoàn thành vào các buổi tối hoặc giờ chơi trên lớp. Thời gian biểu của cô sinh viên năm cuối này kín mít nhưng lại là niềm ao ước của nhiều người.

Tự tìm cơ hội

Khi bắt đầu học đại học, Linh đã ý thức là ngành học của mình khó xin việc và muốn đi lên bằng năng lực của bản thân. Vì vậy, kế hoạch của cô khá rõ ràng: tham gia các câu lạc bộ của hội sinh viên trường để mở rộng quan hệ, tìm các sự kiện bên ngoài làm tình nguyện viên nhằm tiếp cận những tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển người…

Linh thường xuyên tìm kiếm các thông tin tuyển tình nguyện viên hỗ trợ các sự kiện trên trang web của các lãnh sự quán, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận tại Việt Nam để tham gia khi có cơ hội. Những sự kiện có quy mô lớn cần hàng chục, hàng trăm tình nguyện viên hỗ trợ các khâu hậu cần, hướng dẫn khách… Dù sự kiện có thù lao hay chỉ hỗ trợ tình nguyện viên chai nước suối, Linh cũng đăng ký và sắp xếp việc học để tham gia khi được tuyển. Sau các sự kiện, Linh thường xin phương thức liên lạc và để lại thông tin của mình để tìm kiếm cơ hội tiếp theo.

Cơ hội cũng đến với cô khi Hiệp hội Doanh nghiệp Canada tại Việt Nam mời Linh làm tình nguyện viên lần thứ 2, thứ 3… ở các sự kiện lớn nhỏ của tổ chức này. Sau một năm làm tình nguyện viên, Linh được nhận làm thực tập sinh. Tháng 8-2023, có một nhân viên chính thức trong bộ phận nghỉ việc, Linh được đề xuất thay thế và trở thành nhân viên chính thức của hiệp hội này dù mới chỉ là sinh viên năm thứ 3. Biết Linh chưa tốt nghiệp, các anh chị quản lý và đồng nghiệp tạo điều kiện giúp Linh làm việc online, làm ngoài giờ để có thời gian đến lớp. Các đồng nghiệp nói Linh có thái độ cầu tiến, năng nổ trong công việc và có kinh nghiệm nên họ không ngại tạo điều kiện để giữ người mặc dù Linh chưa tốt nghiệp đại học.

“Tôi phải tính toán thời gian thật chặt chẽ để không phải nghỉ học hay nghỉ làm nhiều. Cực một chút nhưng những gì tôi thu hoạch rất xứng đáng, đó là trải nghiệm của bản thân, kinh nghiệm khi ra trường và tôi có cơ hội phát triển khi còn rất trẻ. Ngoài ra tôi còn có thu nhập tự nuôi bản thân, trang trải học phí và phụ giúp gia đình”, Linh chia sẻ.

Đi làm để học sâu hơn

Lê Quý Quốc là sinh viên năm 3 khoa báo chí của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn nhưng đã có một năm kinh nghiệm làm nhân viên quản lý các trang mạng xã hội (social media) kiêm trợ lý đạo diễn tại T Production (công ty truyền thông và tổ chức sự kiện).

Một năm trước, Quốc thấy thông tin tìm ứng cử viên của T Production nên nộp đơn… thử. Lúc đó, Quốc chỉ có chút kinh nghiệm tổ chức sự kiện ở Đoàn thanh niên, hội sinh viên của trường nhưng vẫn được nhận thử việc nhờ tính năng nổ và ham học hỏi. Công việc đòi hỏi phải biết quay, dựng phim và lên ý tưởng, tạo nội dung – những điều mà trước đây Quốc chưa từng làm. Vừa thử việc, Quốc vừa học thêm kỹ thuật quay và dựng phim, học hỏi đồng nghiệp trong công ty.

Mỗi ngày sau giờ học, làm việc ở công ty, Quốc lên mạng tìm thông tin về những đề tài liên quan đến công việc để học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ năng, cách xử lý sự cố, kể cả những kỹ năng chưa dùng đến… “Người giỏi chỉ cần xách máy đi quay rồi về dựng phim, tôi phải vạch kế hoạch tỉ mỉ, phân kịch bản thành từng nội dung nhỏ, mỗi nội dung sẽ có khoảng bao nhiêu đoạn quay, mỗi đoạn quay phải truyền đạt điều gì. Rồi quá trình quay phải ghi chú lại những ý tưởng trong từng chi tiết để ráp đường hình trôi chảy, mạch lạc…”, Quốc chia sẻ.

Những người trẻ với "kinh nghiệm đầy mình" - Ảnh 2.

Cô giáo sinh viên Phương Anh. Ảnh: NVCC

Cứ như vậy, từ chỗ không có nghiệp vụ, Quốc theo được công việc. Đáng nói là công việc cũng phù hợp với chuyên ngành đang học, thực tế bổ sung kiến thức cho ngành học, lý thuyết ở trường lại giúp Quốc hiểu sâu và xử lý công việc tốt hơn nên càng học thì càng mê, càng làm thì càng hiểu. Điều này khiến Quốc thích thú theo đuổi cả việc học và việc làm một cách ổn thỏa.

Với Quý Quốc, cân bằng thời gian học và làm không quá khó, miễn là biết chủ động sắp xếp. Mỗi tuần, Quốc đi làm 5 buổi, mùa thi cử thì bạn được “đặc cách” làm việc online 2 buổi và đến công ty 3 buổi. Khi công ty có nhiều việc, tổ chức nhiều sự kiện thì Quốc “tăng ca” buổi tối.

Lý lịch cô sinh viên năm 3 Trịnh Hoàng Phương Anh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ghi có hai năm kinh nghiệm làm trợ giảng tại Trung tâm Anh ngữ VUS và là giáo viên dạy online tại Kyna English. Thời gian biểu của cô gái 20 tuổi mỗi tuần xoay quanh trường học, Trung tâm Anh ngữ VUS và các lớp dạy online. Mỗi tuần, Phương Anh làm trợ giảng 4 buổi, dạy online 2-3 buổi, thời gian còn lại đều dành để lên giảng đường và đến thư viện học bài.

Khi đứng trợ giảng, cô cũng học được kinh nghiệm và cách thức áp dụng từng phương pháp dạy học cho những tình huống cụ thể tùy vào mục đích. “Những kinh nghiệm này không ai dạy hiệu quả bằng bản thân tự trải nghiệm. Mình rất may mắn khi được đi làm đúng chuyên ngành học nên học và làm hỗ trợ nhau rất nhiều”, Phương Anh nói.

Muốn có kinh nghiệm phải năng động

Những người trẻ với "kinh nghiệm đầy mình" - Ảnh 3.

Quý Quốc (thứ 2 từ trái sang) tham gia tổ chức sự kiện cùng các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

ThS Nguyễn Thái Châu, nguyên giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết nhiều sinh viên thường hỏi ông, nhà tuyển dụng thường đòi hỏi kinh nghiệm, mà sinh viên, người mới ra trường thì kinh nghiệm ở đâu ra?

Ông Châu giải thích trong nhiều môn học, sinh viên phải làm dự án nhóm hoặc bài tập lớn ở thực tế. Đây cũng là cơ hội để sinh viên trải nghiệm thực tế, ứng dụng kiến thức và kỹ năng của ngành học. Nếu đã từng tham gia thật sâu sắc các dự án hoặc bài tập thực tế ở trường, các bạn cũng có thể giới thiệu trong hồ sơ xin việc về kinh nghiệm làm dự án của mình. Các trường đại học có nhiều dự án thực tế, nếu sinh viên năng động, muốn tham gia sẽ được tạo điều kiện.

Theo ông Châu, các câu lạc bộ hoặc tổ chức trong trường là một nơi để sinh viên học hỏi, phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý và làm việc nhóm. Các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những kinh nghiệm này, đặc biệt đối với các sinh viên có vai trò thủ lĩnh (tổ trưởng, nhóm trưởng) có thành tích nổi bật khi tham gia câu lạc bộ.

Bên cạnh đó, các hoạt động tình nguyện cũng giúp sinh viên phát triển kỹ năng tổ chức, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao năng lực giải quyết vấn đề. Những cuộc thi như giải quyết tình huống kinh doanh (case competition), lập trình hackathon hoặc các cuộc thi sáng tạo nghệ thuật đều mang lại kinh nghiệm làm việc thực tế và luôn được doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá cao. Vì vậy, khi học trong trường, sinh viên phải năng động, tích cực tham gia các hoạt động để thể hiện bản thân.

TS Nguyễn Thanh Phương – trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – cho biết hiện nay các trường đại học luôn có các trung tâm hỗ trợ sinh viên tìm việc làm và các sự kiện tuyển dụng. Sinh viên được khuyến khích tham các hội chợ việc làm, sự kiện giao lưu – kết nối (networking) tại trường, kết nối với các cựu sinh viên hoặc giảng viên để nhận được thông tin về cơ hội việc làm.

Các mạng xã hội như LinkedIn, các nhóm tuyển dụng, cộng đồng sinh viên trên mạng xã hội cũng là nơi để sinh viên tìm kiếm các công việc làm thêm. Ngay trong trường đại học cũng có nhiều việc làm bán thời gian như trợ giảng, nhân viên thư viện hoặc hỗ trợ các dự án nghiên cứu. ■

“Những công việc đầu tiên phải linh hoạt về thời gian và gần gũi với môi trường học tập. Sinh viên nên xem những công việc này là nấc thang đầu tiên trên hành trình sự nghiệp của mình, nên giữ thái độ làm hết mình ngay từ đầu. Như vậy, các bạn vừa được học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng mới, vừa được nhà tuyển dụng đánh giá tốt hoặc được mở ra những việc làm mới”.

TS Nguyễn Thanh Phương, trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.