Những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phong trào thi đua Quyết thắng của BĐBP Lạng Sơn

Những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong phong trào thi đua Quyết thắng của BĐBP Lạng Sơn


Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy BĐBP Lạng Sơn và bà Đinh Thị Anh Thư, Bí thư Tỉnh đoàn Lạng Sơn tặng quà cho đồng bào khu vực biên giới tại Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023. Ảnh: Lý Nhất

Công tác TĐKT và phong trào TĐQT trong BĐBP tỉnh luôn gắn với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương và các phong trào thi đua, cuộc vận động của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn, hướng về biên giới; cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đơn vị để triển khai nhiều chương trình, mô hình, việc làm, chung sức với địa phương tạo nên phong trào hành động cách mạng sâu rộng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển địa bàn khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc.

Trong đó, để tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng mô hình “Ngày hội Biên phòng toàn dân” và phối hợp với MTTQ tỉnh tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là các huyện, các xã biên giới tổ chức các hoạt động trong “Ngày Biên phòng toàn dân” vào dịp mùng 3/3 hằng năm, lấy tên là “Ngày hội Biên phòng toàn dân”.

Trong ngày hội, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ, tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào; phát động phong trào cho năm tiếp theo. Phần hội, là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, dân ca, dân vũ, thi đấu giao hữu các môn thể thao, tổ chức các trò chơi dân gian giữa các thôn, bản, khu dân cư và các đồn Biên phòng. Từ đó, “Ngày hội Biên phòng toàn dân” ở khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn đã trở thành hoạt động văn hóa cộng đồng hết sức phong phú, đa dạng và đặc sắc, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, cũng là dịp để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, tạo ra phong trào toàn dân rộng khắp để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Còn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, xuất phát từ thực trạng đường tuần tra biên giới, đường kiểm tra các cột mốc quốc giới gặp rất nhiều khó khăn, bộ đội đi tuần phải men theo các sườn đồi, vượt qua các dãy núi đá vôi, vách đá thẳng đứng, cheo leo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đề ra chủ trương xây dựng mô hình “Xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới” với sự đồng thuận cao. Ngay sau khi mô hình ra đời, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động trao đổi, bàn bạc và thống nhất với Ủy ban MTTQ tỉnh, tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ký, ban hành Thư ngỏ: Phát động đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới tỉnh Lạng Sơn.

Qua gần 2 năm triển khai, đã có trên 400 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh với tiền mặt, hiện vật trên 40 tỷ đồng và trên 32 nghìn ngày công lao động của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, công an, bộ đội, nhà tu hành, doanh nghiệp, quần chúng nhân dân từ tỉnh đến huyện, đến xã, trong và ngoài tỉnh… để xây dựng 283 đoạn đường kiểm tra cột mốc, tổng chiều dài hơn 50km. Hoạt động đóng góp, ủng hộ, xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới là những hình ảnh sinh động, chân thực trong phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân không chỉ ở tỉnh Lạng Sơn, mà đã mở rộng ra phạm vi cả nước, hướng về biên giới Lạng Sơn với những tình cảm và trách nhiệm cao cả, thiêng liêng để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.


Mô hình “Xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới” của BĐBP Lạng Sơn là mô hình đầu tiên của cả nước, có cách triển khai, phương pháp thực hiện hiệu quả phục vụ công tác tuần tra biên giới, kiểm tra mốc quốc giới, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ảnh Lý Nhất

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào TĐQT, từ việc triển khai ban đầu của Đồn Biên phòng Ba Sơn, đến đầu năm 2022, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn tạo bước đột phá cho mô hình “Lũy tre biên giới Việt” bằng chủ trương triển khai rộng khắp trên toàn bộ khu vực biên giới của tỉnh Lạng Sơn với mong muốn giúp dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống, gắn bó với quê hương biên giới. Các đồn Biên phòng đã cử cán bộ đến một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang mua giống tre bát độ để tặng cho dân, đồng thời, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các hộ gia đình có đồi rừng sát biên giới triển khai trồng tre dọc theo đường biên giới. Đến nay, mô hình đã nhân rộng ra một số xã, thị trấn biên giới, trồng được 15.750 gốc tre, với tổng chiều dài là 13,998km, trị giá 348,8 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa và đóng góp của cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng. Mô hình này đem lại sinh kế cho người dân khu vực biên giới, làm cho dân thêm yên tâm lao động, sản xuất, bám đất, bám bản, bám biên giới.

Một trong những điểm nhấn thể hiện sự sáng tạo trong thực hiện phong trào TĐQT của BĐBP Lạng Sơn, đó là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phát động triển khai mô hình “Thắp sáng đường tuần tra biên giới” nhằm góp phần xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới an toàn, hiện đại. Từ nguồn xã hội hóa và công sức của cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng và nhân dân khu vực biên giới, từ năm 2023 đến nay, BĐBP Lạng Sơn đã lắp đặt được tổng số 1.032 cột đèn năng lượng mặt trời dọc theo đường tuần tra biên giới, chiều dài là 57,8km, trị giá gần 2,2 tỷ đồng. Mô hình không những giúp cho hoạt động tuần tra, bảo vệ biên giới của lực lượng chức năng được thuận lợi, mà còn tạo điều kiện cho nhân dân khu vực biên giới được đi lại canh tác, sản xuất, phát triển kinh tế.

Từ thực tiễn tổ chức thực hiện công tác TĐKT và phong trào TĐQT trong BĐBP Lạng Sơn 5 năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị phải nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của công tác TĐKT và phong trào TĐQT, góp phần quan trọng và quyết định đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Hai là, phải làm tốt việc giáo dục, xây dựng động cơ, ý thức trách nhiệm thực hiện công tác TĐKT và phong trào TĐQT cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị, đồng thời cần chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ kiêm nhiệm công tác TĐKT. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện công tác TĐKT và phong trào TĐQT.

Ba là, phát huy vai trò của Hội đồng thi đua, Tổ thi đua, người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên các cấp trong thực hiện công tác TĐKT và phong trào TĐQT. Quan tâm đến công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố mới, mô hình mới; phát huy vai trò nêu gương của cấp ủy, chỉ huy, nhất là cán bộ chủ trì trong cơ quan, đơn vị.

Bốn là, phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua; cụ thể hóa vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Gắn phong trào TĐQT, các cuộc vận động với phong trào thi đua yêu nước của địa phương; tập trung lãnh đạo đột phá, khắc phục, làm chuyển biến những khâu yếu, mặt yếu của từng cơ quan, đơn vị.

Năm là, phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, trí tuệ và sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, cá nhân; làm tốt công tác sơ, tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng thành tích. Việc đánh giá phong trào TĐQT phải gắn chặt với nhận xét cán bộ và phân tích chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên hằng năm.

Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, BĐBP Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào TĐQT bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng ý chí, quyết tâm cho bộ đội, tập trung mọi nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện trong thời kỳ mới.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy BĐBP Lạng Sơn