Các chuyên gia, nhà tuyển dụng, sinh viên tham dự tọa đàm
Thông tin việc làm được chia sẻ trong tọa đàm quốc tế “Sinh viên với công việc tốt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do Trung tâm Khởi nghiệp và giới thiệu việc làm Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp cùng Viện Friedrich-Ebert-Stiftung tổ chức ngày 23.11.
Nhà tuyển dụng chú trọng kỹ năng hơn bằng cấp
Theo một báo cáo của Linkedin (Mỹ) năm 2022, 1/5 các công việc được tuyển trong năm 2022 trên mạng xã hội này ưu tiên ứng viên đáp ứng yêu cầu công việc thay vì chỉ có bằng ĐH. Còn báo cáo về tình hình tuyển dụng dựa trên kỹ năng năm 2022 của Công ty phần mềm TestGorilla (Hà Lan) chỉ ra, 76% doanh nghiệp áp dụng phương thức tuyển dụng dựa trên kỹ năng để tìm kiếm nhân tài mới.
Bà Bùi Thị Ninh, Trưởng văn phòng Giới thiệu sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – chi nhánh khu vực TP.HCM (VCCI-HCM), cho biết xu hướng nhà tuyển dụng quan tâm kỹ năng hơn bằng cấp ngày càng mở rộng. “Một số công ty đa quốc gia lớn đưa ra yêu cầu cụ thể về kỹ năng (kèm chứng chỉ), thậm chí chấp nhận cả những ứng viên có ngành học không liên quan. Bằng cấp và điểm số không phải là những yếu tố quyết định duy nhất”, bà Ninh nói.
Theo bà Bùi Thị Ninh, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ khiến cho vòng đời kỹ năng trở nên ngắn hơn và thay đổi nhanh hơn bao giờ hết
Liên quan vấn đề kỹ năng mềm, bà Ninh cho rằng: “Mọi người nói rất nhiều về kỹ năng mềm nhưng thường theo nghĩa là thuyết trình, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm… Ngày nay kỹ năng mềm rất khác”. Bà Ninh cũng đưa ra những nhóm kỹ năng mềm quan trọng nhất hiện nay, bao gồm tính có trách nhiệm, tin cậy và kỷ luật; khả năng phục hồi, chịu áp lực và thích nghi; tư duy phản biện và kỹ năng phân tích; tính sáng tạo; khả năng lập luận và giải quyết vấn đề; kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm.
Ngoài ra, bà Ninh nhận định hầu như các nhà tuyển dụng đều tìm kiếm ứng viên có kỹ năng mềm tốt; cùng với đó, ngoại ngữ là một yêu cầu quan trọng trong tuyển dụng thời đại toàn cầu hóa.
Trong bối cảnh công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học… tác động đến thị trường việc làm, bà Ninh đánh giá số việc làm mới sẽ nhiều hơn số việc làm bị AI thay thế. “Chúng ta rất sợ AI cướp hết việc làm. Trên thực tế, AI tạo ra nhiều công việc mới. Theo dự đoán của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trước năm 2025 AI sẽ tạo ra khoảng 97 triệu việc làm, chẳng hạn như chăm sóc khách hàng, nghiên cứu dữ liệu, kỹ sư robot, quản lý quy trình sản xuất tự động, lập trình viên…”, bà Ninh thông tin.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn nhận định việc làm bền vững là xu hướng tất yếu trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh và bền vững toàn cầu
Đâu là kỹ năng sinh viên cần có?
Một xu hướng việc làm quan trọng trong bối cảnh công nghiệp 4.0 là việc làm bền vững, công việc đem lại thu nhập ổn định, an toàn lao động và phát triển nghề nghiệp lâu dài; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Tiến sĩ Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo chiến lược Viện Khoa học lao động và xã hội, nhận định người có việc làm bền vững sẽ có thu nhập ổn định.
“Lao động có việc làm bền vững có thu nhập trung bình khoảng 8.350.000 đồng/tháng. Họ có mức thu nhập cao hơn khoảng 30-40% so với lao động ngoài nhóm”, tiến sĩ Toàn cho hay. Cũng theo tiến sĩ Toàn, với trình độ chuyên môn càng cao, chẳng hạn từ bậc ĐH trở lên, người lao động càng cơ hội nhận việc làm bền vững.
Để có được việc làm bền vững, tiến sĩ Toàn nhấn mạnh tầm quan trọng của các kỹ năng mềm. “Sinh viên không chỉ cần đảm bảo những kỹ năng chuyên môn được đào tạo trong trường mà còn phải đáp ứng yêu cầu của những kỹ năng mềm. Ngày nay, sinh viên làm giỏi thôi là chưa đủ. Sinh viên cần phải biết nhìn nhận, phân tích vấn đề cũng như quản lý công việc. Muốn đạt được những điều này, sinh viên không còn cách nào khác ngoài việc học tập thường xuyên, liên tục nắm bắt và chuẩn bị cho những xu hướng trong công việc”, tiến sĩ Toàn chia sẻ.
Ông Võ Quang Huệ cho rằng các kỹ năng mềm như sáng tạo, giải quyết vấn đề, giao tiếp ngày càng quan trọng, giúp người lao động làm việc hiệu quả với công nghệ mới
Cũng tại tọa đàm, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc kiêm nhà sáng lập Công ty tư vấn VOCIS, cho biết người lao động cần thay đổi kỹ năng công nghệ trong bối cảnh các công nghệ mới đặt ra nhiều thách thức. “Sự thay đổi nhanh của công nghệ đòi hỏi người lao động phải liên tục cập nhật các kỹ năng, tri thức mới. Mỗi người cần biết, sử dụng thành thạo các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật…”, ông Huệ trình bày.
Theo ông Huệ, sinh viên quan tâm chuyện học và tương lai của mình là tốt nhưng cũng cho rằng sinh viên cần quan tâm cả chính mình, biết được sở thích, khát vọng, điểm yếu, điểm mạnh của bản thân. Ngoài ra, ông Huệ khuyến khích sinh viên chuẩn bị tâm thế của một người làm việc toàn cầu. “Tâm thế này giúp bạn biết nhiều ngoại ngữ, biết cách sống, ứng xử và làm việc với mọi người từ các nơi trên thế giới. Tôi hy vọng các bạn trở thành công dân toàn cầu, giúp cho Việt Nam phát triển hơn nữa”, ông Huệ bày tỏ.