Biên phòng – Trong những ánh mắt hân hoan của người dân trên dải Trường Sơn hùng vĩ, đói nghèo và lạc hậu đang dần lùi xa, thay vào đó là những tươi mới, đủ đầy nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), mang tới niềm vui cho đồng bào trên các bản làng nơi đây.
Những công trình mới đã được xây dựng từ các chương trình MTQG từng bước góp phần thay đổi diện mạo nhiều bản làng. Ảnh: Tiêu Dao
Xa thời khốn khó
Người đàn ông tóc hoa râm tên Hồ Văn Vinh (62 tuổi, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫy tay xin “quá giang”, trên người ông khoác bộ đồ thổ cẩm như mới đi dự lễ ở làng bên trở về. Trên chuyến xe quá giang đi ngang qua con đường Hồ Chí Minh, ông Vinh trong niềm hứng khởi đã vanh vách kể chuyện làng, chuyện người ở vùng đất này. Và bao giờ trong câu chuyện, ông Vinh cũng nói, nhờ Đảng và Chính phủ, nhờ những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để rồi cả dải đất này đổi thay không ngờ tới được.
Chỉ 20 năm trước, những con đường, những bản làng ở dãy Trường Sơn này vẫn chìm trong khốn khó, những bóng người chỉ biết chờ trông vào sự hỗ trợ từ chính quyền nhưng vẫn đói, vẫn nghèo, vẫn hiu hắt. Hiện nay, với hàng loạt chính sách như Chương trình 135, các chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đặc biệt gần đây là Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đã làm cho đời sống của người dân nơi đây đổi thay mạnh mẽ.
Ông Vinh kể, làng ông bây giờ người dân đã biết làm ăn, ổn định chỗ ở, được hỗ trợ về cây, con giống, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, được hướng dẫn thực hiện nếp sống mới với việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của người Tà Ôi. Trong làng có điện lưới quốc gia, có các dịch vụ giải trí, ở xã thì có các trung tâm dịch vụ, có trường học, trạm y tế, bưu điện, cửa hàng cửa hiệu chẳng khác gì dưới xuôi. Làng ông bây giờ được quy hoạch lại, gọn gàng và đẹp hơn hẳn…
Ông Vinh cứ thao thao bất tuyệt về những đổi thay cả bản làng mình, của người Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều, Cơ Tu… mà ông được biết. Như ở A Lưới, sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG 1719 đã từng bước mang lại những kết quả rõ rệt, giúp cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào. Huyện A Lưới đã và đang tập trung chỉ đạo lồng ghép và thực hiện có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình MTQG, trong đó trọng tâm là Chương trình MTQG 1719 nhằm hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ dân đã bắt tay trồng sâm bố chính, đem lại nguồn thu nhập cao hơn nhiều các cây trồng khác. Mỗi héc ta cây dược liệu có thể đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, trong thời gian qua, thực hiện các dự án của Chương trình MTQG 1719, huyện A Lưới đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề như may công nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn, trồng hoa tulip… Đồng thời, kết nối với các công ty để đưa người dân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ngoài ra, khoảng 700 hộ dân được hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề…, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Có hàng triệu niềm vui
Nhiều địa phương miền núi, chính quyền đã huy động hàng trăm tỷ đồng, xây dựng nhiều công trình thủy lợi, khai hoang chuyển đổi đất, đẩy mạnh công tác khuyến nông, giúp bà con thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp. Việc ưu tiên nguồn lực chăm lo cho đồng bào DTTS ở miền núi khó khăn là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… được thực hiện quyết liệt. Đặc biệt, thời gian qua, việc triển khai đồng bộ 3 chương trình MTQG đã làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương, từng bước góp phần làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng khó khăn.
Cán bộ BĐBP Quảng Nam tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho người dân nơi biên giới. Ảnh: Tiêu Dao
Khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS ở Quảng Bình cũng được hưởng lợi từ Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025 với kinh phí 1.757,5 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 1.598 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 160 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương vùng đồng bào DTTS xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, y tế, văn hóa, giáo dục… Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, các bản làng vùng đồng bào DTTS ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy có nhiều mô hình sinh kế, công trình mới được triển khai từng bước góp phần thay đổi diện mạo nhiều bản làng.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ngãi dành gần 3.500 tỷ đồng đầu tư cho 3 chương trình MTQG. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 213 hộ dân ở huyện Ba Tơ. Còn huyện Sơn Hà đã giải ngân 3.635 tỷ đồng để chuyển đổi nghề, làm nhà ở. Các địa phương thực hiện đầu tư xây dựng 51 công trình nước sinh hoạt tập trung. Chỉ tính riêng năm 2023, Quảng Ngãi đã sắp xếp, bố trí 12 dự án ổn định dân cư tập trung; hoàn thành hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở cho hơn 1.000 hộ; nhựa hóa 60km đường nông thôn; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán từ công trình cấp nước tập trung cho 1.145 hộ; đào tạo đưa đi lao động nước ngoài hơn 200 người; tạo việc làm, tăng thu nhập cho 5.491 hộ đồng bào DTTS…
Tương tự, tỉnh Quảng Trị bố trí 1.531 tỷ đồng để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo đảm sinh kế bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu… Đặc biệt, 100% đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% số thôn, bản có đường liên thôn theo tiêu chuẩn cứng hóa giúp bà con thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS ở Quảng Trị đã giảm 5,85% (mục tiêu hằng năm giảm 4-5%).
Các chương trình MTQG đã tạo “động lực” để các bản làng vươn lên, góp phần vững chắc vào việc bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đưa miền núi tiến kịp với miền xuôi.
Tiêu Dao