Việc cần người
Ngày 9.2, Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Hà Nội phối hợp với TTDVVL 9 tỉnh, thành phố phía Bắc (Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng) tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Người lao động tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội ngày 9.2
Tham dự phiên giao dịch việc làm tại 10 điểm cầu, có 158 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với 55.759 chỉ tiêu việc làm cho người lao động. Riêng tại Hà Nội, có 38 doanh nghiệp tham gia với 1.139 chỉ tiêu tuyển dụng.
Trong đó, có 18 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ lệ cao nhất (47,3%); còn lại 52,7% thuộc các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, giáo dục… Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ 57%; lao động có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật chiếm tỷ lệ 22,7%; lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm tỷ lệ 20,3%.
Ông Vũ Quang Thành, Giám đốc TTDVVL Hà Nội, cho hay: “Mức thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng chiếm 22% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Mức thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/tháng chiếm 42,3%, dành cho các vị trí việc làm ổn định, như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Với vị trí thu ngân, bán hàng, doanh nghiệp thường không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần yêu thích kinh doanh, chăm chỉ, chịu khó. Còn công nhân xây dựng, lắp ráp điện tử yêu cầu sức khỏe tốt, cần cù”.
Có mặt tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội từ rất sớm chờ các ứng viên đến phỏng vấn, ông Lương Võ Phong, Trưởng phòng Phòng Hành chính nhân sự (Công ty đầu tư và thương mại xuất nhập khẩu Nam Khang), cho biết: “Mặc dù năm nay được dự báo là khá khó khăn, song do nhu cầu kinh doanh, chúng tôi cần tuyển 10 nhân viên kinh doanh và 10 nhân viên kho hàng. Lương cơ bản 10 triệu đồng, chưa tính doanh số. Để tuyển đủ nhân sự, ngoài sàn giao dịch việc làm, chúng tôi còn tuyển thông qua các công ty tuyển dụng và đăng tin quảng cáo trên Facebook”.
Không chỉ có nhu cầu tuyển dụng lao động tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp còn mong muốn tuyển dụng lao động tại nhiều địa phương.
Bà Trần Thị Khánh Tuyền, Phó trưởng phòng Phòng Hành chính nhân sự (Công ty TNHH du lịch và thương mại Sông Hồng), cho hay: “Chúng tôi cần tuyển dụng hàng chục lái xe đưa, đón lãnh đạo, chuyên gia nước ngoài làm việc ở các khu công nghiệp tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận; lái xe dịch vụ du lịch đưa, đón khách đi sân bay; lái xe chở học sinh… Điều kiện tuyển dụng ưu tiên những người có kinh nghiệm và có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản. Qua sàn giao dịch việc làm online, chúng tôi có thể kết nối với các lao động ở Bắc Ninh, Thái Nguyên một cách dễ dàng”.
Mặc dù các chỉ tiêu tuyển dụng khá nhiều, song số lượng lao động đến tìm việc đầu năm vẫn chưa đông.
Anh Nguyễn Văn Hoàng (trú Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Trước đây, tôi làm nhân viên khảo sát, mức đãi ngộ khá tốt nhưng phải làm việc xa nhà. Nay, vì muốn đỡ đần vợ, con nên tôi muốn chuyển công việc mới về gần gia đình. Sau tết, đi tìm việc không bị canh tranh nhiều, người lao động không khó để tìm công việc hành chính hay nhân viên kinh doanh với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng là tôi mong muốn công việc mới phát huy được năng lực bản thân, đảm bảo cuộc sống cho hiện tại và sau này”.
Thị trường lao động quý 1 khởi sắc
Đánh giá thị trường lao động đầu năm, theo ông Vũ Quang Thành, sau tết nhu cầu tuyển dụng lao động khá sôi nổi. Dự báo, trong quý 1, các doanh nghiệp tại Hà Nội cần tuyển 120.000 vị trí. Trong đó, lĩnh vực logistics tuyển 15.000 vị trí; dịch vụ lưu trú, ăn uống tuyển 12.000 vị trí; hoạt động tài chính – ngân hàng cũng là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn, ước tính từ 15.000 – 20.000 vị trí…
Năm nay, với chủ trương số hóa của Chính phủ và của Hà Nội, trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp cần tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe tương đối lớn.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp; cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động, học viên, sinh viên và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội, ông Thành cho biết: “Trong quý 1, chúng tôi sẽ tổ chức 55 phiên giao dịch việc làm. Ngoài các phiên hàng ngày, chúng tôi còn tổ chức các phiên lưu động, phiên chuyên đề theo ngành nghề và đối tượng lao động phù hợp với biến động của thị trường”.
Bắc Giang là một trong những địa phương có nhu cầu tuyển dụng cao nhất ở thời điểm hiện tại. Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc TTDVVL Bắc Giang, cho biết trong quý 1, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại địa phương khoảng 23.000 vị trí việc làm, đa dạng ở các ngành nghề.
Nếu như các năm trước đây, các vị trí việc làm chủ yếu tập trung ở ngành nghề may mặc, điện tử thì năm nay, người lao động có thể lựa chọn việc làm ở các ngành nghề, như: các công việc phụ trợ, xây dựng, tư vấn thiết kế, bán hàng ở các siêu thị… Người lao động có rất nhiều cơ hội việc làm phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân”, ông Huế nói.
Theo ông Huế, đầu năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư mới trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ cho một số doanh nghiệp lớn và một số doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Do đó, thị trường lao động tại Bắc Giang năm 2023 khởi sắc, nhu cầu sử dụng lao động sẽ rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Ban Quản lý khu công nghiệp Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), cho biết: “Sau tết, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn, đặc biệt của Hàn Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thậm chí tăng ca cho người lao động. Dự kiến cả năm 2023, doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tuyển mới từ 10.000 – 15.000 lao động”.
Bộ LĐ-TB-XH dự báo, thời gian tới, thị trường lao động tiếp tục trở lại đà phục hồi. Nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong quý 1 và quý 2 ở một số địa bàn có thể gia tăng từ 350.000 – 400.000 lao động.