Nhiều người loay hoay trốn khổ đau, thành mồi ngon của trầm cảm

Nhiều người loay hoay trốn khổ đau, thành mồi ngon của trầm cảm

Như đã chia sẻ ở kỳ 1, trước khi được trò chuyện riêng với thầy Minh Niệm, chúng tôi có 3 ngày trải nghiệm tu học ở nơi thầy đang an cư và hướng dẫn thiền, làm các dự án có lợi cho nhân sinh.

Mỗi ngày ở đây có một thời khóa biểu với các hoạt động khác nhau. Riêng thiền phải tập luyện thường xuyên: Khi làm vườn biết  mình đang làm vườn; khi đọc sách chỉ tập trung vào việc đọc sách; khi ăn, chỉ tập trung vào việc cảm nhận thức ăn; khi đi lại cũng rất cẩn trọng và chậm rãi. Ngay cả cách nói chuyện ở đây cũng được hạ tông tối đa. Lời nói ra chỉ vừa đủ cho người đối diện nghe…

Ba ngày ở đây, chúng tôi cũng gặp những người tạm gác công việc, cuộc sống riêng để đến thực hành chánh niệm, tìm lại ý nghĩa cuộc sống và bình yên nội tâm. Phần lớn những người này đều đang có những tổn thương, có người vừa trải qua cú sốc lớn, vừa đổ vỡ hôn nhân, tình yêu. Lại có những bạn trẻ mất phương hướng sống, muốn dừng lại mọi thứ vì kiệt sức… 

Sau những ngày thực hành chánh niệm, buông hoàn toàn công việc… hầu như ai cũng lấy lại cảm giác bình yên, được tái tạo nguồn năng lượng tích cực. Dẫu vậy, những băn khoăn về việc người trẻ dễ tổn thương, về các mối quan hệ thiếu bền vững bên ngoài cuộc sống vẫn thôi thúc chúng tôi đặt câu hỏi với thầy Minh Niệm. 

PV: Thưa thầy, hiện nay người trẻ tìm đến chùa, sống xanh, ăn chay rất nhiều. Điều đó là tín hiệu vui, cho thấy các bạn đang muốn học thêm cái mới. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng họ bị tổn thương nhiều nên phải làm như vậy. Cái thấy của thầy về vấn đề này như thế nào?

Thầy Minh Niệm: Thực ra tổn thương là điều đáng báo động chứ không phải đáng chê trách. 

Khác với những thế hệ trước, thế hệ bây giờ dám nhìn nhận bản thân, tự đi tìm cho mình một con đường. Không chỉ là đến chùa hay tìm tới tôn giáo, họ có nhiều cách như đi tới các farmstay, phượt…

Thế hệ này nhiều tổn thương hơn các thế hệ trước. Nhưng không phải lỗi hoàn toàn do họ. 

Ngày xưa, thế hệ của thầy chỉ có cha đi làm, mẹ ở nhà chăm sóc con cái. Cho nên hệ thống gia đình rất chắc, anh em hòa thuận. Cha mẹ dạy con cái, con cái lúc nào cũng lắng nghe, thương yêu, thấu hiểu cha mẹ mình. Nhưng trong thời đại bây giờ, cha mẹ đều đi làm hết. Bữa cơm gia đình không đảm bảo, con cái ở với người giúp việc hoặc được ông bà chăm sóc. 

Bây giờ cũng ít có tình làng nghĩa xóm. Ở những thành phố lớn, nhiều người trẻ không biết hàng xóm là ai. Họ chỉ biết tới tivi, máy tính, điện thoại… 

Hơn nữa, khi kinh tế phát triển, cha mẹ chỉ sinh 1, 2 đứa con. Người trẻ không có anh chị em nhiều, không có ý thức trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ anh chị em của mình. Trong khi những điều đó mới làm cho mình cứng cáp lên. 

Nhiều cha mẹ bận rộn bù đắp cho con bằng cách cung cấp quá nhiều vật chất, thiết bị công nghệ. 

Không có người giám sát, công nghệ lôi những đứa trẻ vào trong phòng, nhốt chúng ở trong đó, khiến chúng mất đi chỉ số EQ. Chỉ số này bị diệt từ từ, khiến đứa trẻ không có nhạy cảm về tâm lý, không biết phải đối nhân xử thế, không hiểu người lớn nói gì, tại sao phải rót nước mời khách, tại sao phải dạ thưa, tại sao phải đi đổ rác… Tụi trẻ cũng không hỏi về điều đó luôn. Đi học về là chui vào phòng, riết nó chỉ có chỉ số IQ còn về chỉ số cảm xúc – EQ thì lụn bại.

Bây giờ có nhiều người trẻ nghỉ việc, đi tìm sự bình yên vì họ cảm thấy quá kiệt sức với công việc và cuộc sống hiện tại. Đây có phải là một vấn đề đáng lo ngại không, thưa thầy?

– Thầy biết sau đại dịch có một hiện tượng là rất nhiều người bỏ việc. Điều này có mặt tốt vì thứ nhất, con người đã bắt đầu có ý thức nhận ra đời sống rất ngắn ngủi. Đại dịch khiến người ta thấy, mọi thứ có thể bị cuốn phăng đi. Mọi thành trì có thể bị đập vỡ. Dù họ là ai, giỏi đến thế nào cũng đều là nạn nhân của đại dịch. Họ nhận ra rằng, rất nhiều năm mình đã bỏ gia đình để đi làm, bỏ rơi cả sức khỏe của bản thân.

Lý do thứ hai là thời gian nghỉ ở nhà lâu khiến người ta nhận ra mình đã bỏ căn nhà này quá lâu, mới phát hiện ra rằng, chồng mình, vợ mình, con mình cần sự có mặt của mình. Họ có quá nhiều sự tổn thương, nhiều vấn đề mà mình đã lờ đi, không đối diện để tháo gỡ. Và bạn ước rằng, mình có nhiều thời gian hơn để ăn cơm cùng họ, nói chuyện cùng họ để họ bình an, hạnh phúc hơn, chất lượng cuộc sống gia đình cũng tốt hơn. 

Từ đó, nhiều người sẽ đặt ra vấn đề là, có nên tiếp tục làm công việc đã chiếm rất nhiều thời gian, đã tiêu hủy bao nhiêu năng lượng chỉ để mình được ăn nhiều hơn, có vị trí cao hơn. Hay là chọn một công việc mà mình có thời gian với gia đình, bản thân hơn để lỡ có chuyện gì xảy ra sẽ không hối tiếc. 

Cũng có thể, nghỉ ở nhà quá lâu nên người ta quen, lười đi ra ngoài. Tự nhiên họ thấy có nhu cầu được ở nhà, được chạy vô chạy ra sân vườn để tưới cây kiểng, để chơi với con mèo, con chó, để chăm sóc gian nhà của mình, để gọi hỏi đứa con, nói chuyện qua lại với nhau…

Và cái lười biếng đó cũng nói lên tình trạng rằng, bạn cần phát triển một phần khác trong con người chứ không phải bạn chỉ thích quần là áo đẹp, thích khoe mẽ, tới gặp đồng nghiệp như trước. 

Còn mặt trái của nó là gì thưa thầy?

– Mặt trái là không phải ai cũng biết cách rút về. Rút về không khéo họ sẽ bị trầm cảm nặng. Con người ít vận động, va chạm, kích thích phát triển thì họ bị mất tự tin vào bản thân. 

Rất nhiều người về hưu không biết cách xử lý tuổi già của mình nên dẫn đến trầm cảm. Người Mỹ thường chuẩn bị rất kỹ cho việc đáp xuống đó vì họ luôn biết thương bản thân. Họ biết cách chăm sóc mình, chơi thể thao, tham gia các CLB người lớn tuổi. Họ đi du lịch, làm những việc giúp đỡ xã hội. Nói chung, người Tây phương có thói quen chăm sóc bản thân rất tốt trong khi người Đông phương lúc nào cũng cần có người thân chăm sóc.

Khi bạn về già, con cháu vẫn đi làm, các con lại có con cháu của chúng. Những người già sẽ nghĩ con cháu đã quên mình. Rồi bản thân không biết tự chăm sóc, không biết làm sao để cho mình bớt buồn, không biết làm sao để gắn kết với xã hội, sử dụng một ngày có ý nghĩa. Họ buồn chán mãi rồi sẽ bị trầm cảm. 

Bây giờ có rất nhiều người trẻ thích được rút lui, thích cuộc sống nhàn nhã, nhưng khó sống được vài năm mà bình thường. Rút lui thì dễ mà nguy cơ trở nên bất thường luôn chờ chực đấy. 

Có nhiều bạn rút về Đà Lạt, tưởng là ngon lành nhưng ở trong đó lại trầm cảm nặng. Vì họ không kết nối được cộng đồng xã hội, không có việc làm để thấy được giá trị của mình. 

Vậy thầy có lời khuyên nào cho những trường hợp như thế này? 

– Tất cả chúng ta đều đang loay hoay, không biết mình muốn cái gì. Chúng ta thấy chỗ này không được thì chạy chỗ khác mà chưa biết là đến đó có ổn hay không. Ví dụ như khi bạn ở dưới phố, làm việc áp lực quá thì bạn chạy lên rừng – đó cũng là một giải pháp, nhưng nó không phải là giải pháp đường dài. 

Cũng là thiên nhiên đó nhưng có người ra đó là được chữa lành, có người ra đó lại bị trầm cảm hơn. Vì vậy, khi ra ngoài thiên thiên, bạn cần được hướng dẫn làm cái gì với thiên nhiên, chứ không phải bạn ra ngồi ở đó mà được chữa lành. Bạn ra ngồi đó mà tâm bạn sầu, không kết nối được với thiên nhiên, bạn nghĩ toàn chuyện đã làm tổn thương mình thì ngồi đó chỉ nuôi trầm cảm thôi. 

Vậy thì cái cách mà bạn làm quan trọng hơn nơi bạn ở. Dù bạn ở phố, bạn làm công việc gì nhưng bạn biết cách sống, biết ý nghĩa của cuộc sống, biết hạnh phúc là cái gì rồi tìm ra phương pháp để có được hạnh phúc. Đó mới là điều quan trọng chứ không phải ở chỗ này hay chỗ kia. 

Tất nhiên, nếu nơi đó quá thách thức, quá áp lực thì có lúc bạn phải giảm việc tiếp xúc với nó. Bạn đi tới chỗ yên tĩnh một thời gian rồi sẽ quay trở lại, chứ ai cũng rời bỏ thành phố lớn, về các miền quê… thì công việc khó khăn để cho ai? 

Nhiều người cạn kiệt năng lượng nhưng vì cơm áo gạo tiền, họ vẫn phải đi làm…

– Họ kiệt quệ với công việc hiện tại là vì, trước đây họ làm việc này vì tiền, vì muốn có danh, có lợi. Còn sau biến cố như đại dịch, họ thấy cái đó không còn quá quan trọng nữa thì xoay qua nhu cầu khác như cần gia đình, cần tình yêu thương. Nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ lại cần tiền vì tiền xài một hồi cũng sẽ hết. Họ cần danh, cần lợi trở lại và lúc đó họ có bắt kịp nhịp sinh hoạt của xã hội đâu. 

Còn một lý do rất quan trọng dẫn đến chuyện nghỉ làm là họ thiếu tình yêu đối với công việc. 8 tiếng, 10 tiếng có mặt nơi làm việc thì ngoài kiếm tiền ra bạn phải tìm cách yêu một ngày ở đó, coi đó là một ngày đáng sống.

Bạn phải yêu những cuộc gặp gỡ đồng nghiệp, yêu khoảnh khắc làm những công việc mình yêu thích. Bạn phải thấy được ý nghĩa của những việc mình đang làm. Nó có liên hệ gì với mình, với người thân, với cộng đồng, xã hội. Phải sống sâu sắc thì bạn mới thấy được, còn cạn cợt chạy theo đồng tiền, chạy theo sự tôn vinh thì mình sẽ rơi vào tình trạng chán. 

Khi bạn yêu công việc mà người ta trả lương bạn hơi thấp chút, bạn cũng chấp nhận vì ở đây cho cơ hội để bạn thực hiện những đam mê. 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu chỉ người lao động rèn luyện để tìm thấy niềm vui trong công việc thì sẽ rất khó?

– Thầy thường nói với các anh chị chủ doanh nghiệp rằng, để đánh thức tình yêu, đam mê của nhân viên với công việc, không gì bằng khuyến khích thiền tập và sống tỉnh thức. Khi họ biết thiền tập, sống tỉnh thức, họ lo thưởng thức ngày của họ, thưởng thức công việc của họ, họ yêu công việc thì tự nhiên công việc sẽ chất lượng lên. Và mình không cần phải ép, không cần phải gò, không cần phải ra lệnh gì cả. Họ làm việc một cách rất ý thức. 

Dĩ nhiên, các nhà quản lý cũng phải có ý thức rằng, nơi làm việc phải là ngôi nhà. Nơi đó phải có nhiều yêu thương, nhiều sự nâng đỡ, giúp cho những người đến đây cảm thấy thích thú thì người ta mới không bỏ mình. Chứ người ta muốn gắn bó mà mình lại đối xử tệ, không tôn trọng tài năng của người ta, không thấy người ta là thành phần quan trọng của ngôi nhà này thì những sự đóng góp của họ đâu có ý nghĩa gì. Khi đó họ sẽ tìm một chỗ khác thôi. 

Làm thế nào cân bằng được giữa công việc, gia đình và các mối quan hệ để ở công sở thì tìm thấy niềm vui còn về nhà lại tìm thấy bình yên, thưa thầy? 

– Ít ăn và ít muốn lại – chỉ có như vậy thôi. Vì đó là nhu cầu quá lớn. Trên đời này không có gì mà không phải trả giá. Bạn muốn hưởng cái gì nhiều, bạn phải trả giá nhiều cho cái đó. Bạn muốn làm việc nhiều thì bạn phải trả lại thời gian, năng lượng, trả những giá trị bên trong mình. Thế thì bạn làm sao cân bằng nổi cả công việc và gia đình. 

Hôm vừa rồi, có một vị đến hỏi thầy rằng, bây giờ trách nhiệm quằn vai và không thể bỏ xuống được thì phải làm sao? Thầy nói, thì bạn làm cho bạn to gấp đôi đi. Người này hỏi: Làm sao làm được thầy? Thì bạn phải tu luyện thôi. Tu luyện thì người mình có thể giãn nở nữa mà. Tại sao mình cứ muốn gánh thêm mà không muốn tập thêm. Mình đang nhấc tạ 50kg, bỗng dưng muốn nhấc cái tạ 60kg thì phải tập thêm mới nhấc được chứ. Tự dưng lo nhấc mà không lo tập thì rất vô lý.

Vậy một trong những nguyên do khiến chúng ta ngày nay gặp quá nhiều vấn đề, đau khổ hay những hội chứng tâm lý là do ít luyện tập quá?

– Cuộc đời thời nào cũng có những biến động nhưng phần lớn con người xoay ra bên ngoài nhiều quá. Kinh tế phát triển, vật chất lên cao, người ta dễ bị thu hút quá.

Thứ hai là công nghệ bùng nổ. Điện thoại thông minh khiến bạn nghiện hơn cả vật chất. Đi shopping thì cũng có tuần, có tháng, công việc thì một ngày mấy tiếng, chứ cái điện thoại này ngoài cả công việc luôn. Khi nó chiếm cứ hết tâm trí của mình rồi làm sao mình luyện tập được. 

Luyện tập là phải cắt hết những nguồn đó. Dành thời gian để tĩnh tâm, để nhìn lại, đọc những quyển sách hay, xem những cuốn phim hay, để soi rọi tâm hồn. Luyện tập yoga hay bất cứ môn thể thao nào mỗi ngày thì mới đủ để cho năng lượng đi ra, chứ chưa nói là để giải quyết những biến cố bất ngờ. Ngày nào không luyện cái gì sẽ rất nguy hiểm.

Thầy hay nói không có khổ đau sẽ không có hạnh phúc, giống như không có bùn thì không có sen. Nhưng có nhất thiết phải khổ đau mới cảm nhận được hạnh phúc không, thưa thầy?

– Không, không nhất thiết. Nhưng mà, trong cuộc đời này, không ai không khổ đau cả. Đó là điều không thể tránh khỏi, chỉ là nhiều hay ít thôi. Bạn đừng tin rằng bạn sẽ bảo bọc con bạn, giúp chúng không bao giờ trải qua khổ đau. 

Nếu bạn biết cách sống tỉnh thức ngay từ bây giờ thì khổ đau đó được giảm thiểu rất nhiều. Nó đi qua rất nhanh, không để lại thương tổn. 

Ngoài ra, bạn phải nhớ rằng cuộc đời này luôn có những khó khăn. Khó khăn và khổ đau là khác nhau.

Khi bạn chưa trưởng thành, chưa hiểu biết, chưa tu luyện, khó khăn có thể dễ dàng biến thành khổ đau. Nhưng khi bạn trưởng thành, tu luyện rồi, khó khăn chỉ là khó khăn mà không cần biến thành khổ đau. Vì khó khăn biến thành khổ đau là do người ta phản ứng lên đó một cách thái quá và tiêu cực. 

Khổ đau là phản ứng của tâm lý, khó khăn là hoàn cảnh. Hoàn cảnh không bao giờ né được. Nhưng chuẩn bị tâm lý thì chuẩn bị được. Giả sử khổ đau xảy ra thật thì đừng sợ. Vì khổ đau sẽ làm cho bạn hạnh phúc sâu sắc hơn rất nhiều.

Trên đời này thầy chưa thấy ai có được một đời sống sâu sắc thật sự, trở thành nhà minh triết, nhà đạo đức lớn, nhà tư tưởng lớn mà không đi qua khổ đau. 

Sau khổ đau người ta sống sâu sắc, đằm lại. Người ta muốn đi tìm những gì bền vững hơn. Thành ra, đối với thầy, khổ đau không quá đáng sợ đâu. Nó đều có mặt tích cực của nó. 

Thế cá nhân thầy thì sao ạ? Sau hơn 30 năm tu luyện, bây  giờ thầy còn khổ đau không?

– Cho tới giờ, không còn khổ đau nào bắt kịp được thầy nữa. Sợ hãi là nguồn gốc của mọi khổ đau mà thầy không còn nó nữa thì còn gì khổ đau. Khó khăn thì vô vàn, không bao giờ hết. 

Theo thầy, hạnh phúc có chia ra cấp độ không? Có người uống tách trà thấy hạnh phúc rồi. Có người phải có thật nhiều tiền, địa vị danh tiếng mới hạnh phúc…

– Cơ bản nhất là sự thoả mãn. Danh tiếng, địa vị là sự thoả mãn. Xã hội đang quan niệm như vậy. 

Cấp độ cao hơn là khi lòng mình bình an, những mong muốn lắng xuống, tham sân si lắng xuống, vết thương được chữa lành. Khi tâm bạn đang khoẻ, bạn sẽ thấy cái gì cũng hạnh phúc hết. Giống như khi tâm bạn bình yên, bạn sẽ thấy tách cà phê này ngon hơn.

Nhiều người siêu giàu nhưng tâm hồn cằn cỗi, không cảm nhận được gì cả. Họ vẫn thấy thiếu. Là vì trái tim họ khô cằn. 

Và cấp độ cao nhất của hạnh phúc là mình có thể giúp cho người khác có hạnh phúc, đóng góp vào hành trình hạnh phúc của người khác. Đó là cái thấy rất lớn. Thấy giữa mình và vạn vật, xã hội có tương quan. Mình không phải là cái gì biệt lập, tồn tại giữa cuộc đời này. 

Nội dung: Vũ Lụa – Misu Phạm

Thiết kế: Thu Hằng

Kỳ 1: Thầy Minh  Niệm: Vượt cú sốc cha mẹ qua đời, đi và về với trái tim rộng mở