Nhiều người kiếm tiền từ ‘quái vật răng thỏ’

Nhiều người kiếm tiền từ ‘quái vật răng thỏ’

Cơ hội cho ai biết nắm bắt

Nguyễn Chiều Thương (25 tuổi, ngụ tại đường số 9, Q.Gò Vấp) mở một shop online về len sợi. Cách đây 2 tháng, khi rộ lên trào lưu chơi Labubu, cô được một người bạn gửi video cho xem về những bộ trang phục làm len cho Labubu và nói làm thử bán xem sao. Thương tìm tòi làm vài bộ len xù đăng lên trên các nhóm hội chơi Labubu, không ngờ khách nhắn tin tới tấp, khen đồ đẹp.

Labubu là một món art toy (tạm dịch: đồ chơi nghệ thuật). Nó đang ngày càng được biết đến nhiều hơn, nhất là giới trẻ. Labubu vốn là một nhân vật trong Vương quốc quái vật, được thực hiện bởi nghệ sĩ Hong Kong Kasing Lung năm 2015. Lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu, chú thỏ răng nhọn có tạo hình bầu bĩnh đáng yêu hiện tại đã trải qua vài lần thay đổi thiết kế.

Để phù hợp với xu hướng, Labubu được diện những trang phục, phụ kiện theo trend. Nhờ đó, Labubu giống như một phiên bản thể hiện “cái tôi” của người chủ sở hữu.

Khi ấy, cô thấy có tiềm năng nên làm thêm nhiều bộ. Hiện tại, trang phục do Thương thiết kế đã lên tới hơn 100 loại cho Labubu. Thương cho biết mỗi tuần cô sẽ nhận tầm trên 30 sản phẩm. Vì là hàng handmade nên khách sẽ phải đợi từ 5-10 ngày. Thời gian chờ khá dài nhưng ai cũng vui vẻ chấp nhận.

Thương kể tiệm online của cô được tìm đến vì có giá rẻ so với chất lượng mang lại. Mỗi sản phẩm cô chỉ tốn tầm 1 tiếng để hoàn tất.

Nhiều người kiếm tiền từ 'quái vật răng thỏ'- Ảnh 1.

Nhờ việc may đồ cho Labubu, thu nhập của gia đình Yến được gia tăng đáng kể

Đa số khách của Thương đều sống ở nước ngoài. Họ thường đặt số lượng từ 3 bộ trở lên, vì muốn thay đổi đồ cho Labubu diện hằng ngày. Có người còn đặt cả 20 bộ/lần.

“Họ cưng Labubu lắm, chăm như chăm con. Đa phần mình thấy họ thích đặt đồ có tông màu hồng và vàng, kiểu nhẹ nhàng và đáng yêu. Mình lựa chọn len xù cho có độ xù lông đặc trưng riêng của tiệm mình, được khách thích lắm”, cô chia sẻ.

Còn Hạnh Trần (hay còn gọi là Hainchan, 32 tuổi, sống tại P.Mễ Trì, Hà Nội) biết đến Labubu hơn 1 năm nay, từ khi trào lưu này chưa được nhiều người biết tới. Công việc chính của chị là thiết kế đồ thủ công nên Hạnh làm thử vài bộ đăng lên mạng.

Khoe chơi nhưng có khách hỏi mua là thật. Những sản phẩm mũ hoa móc và quần áo do Hạnh thiết kế nhận được sự hưởng ứng của mọi người vì lạ mắt, không đụng hàng. Nhiều bạn nhắn tin nhờ chị làm giúp.

“Mình không may số lượng lớn mà chọn cách trau chuốt các sản phẩm với số lượng hạn chế. Tuỳ vào độ khó, mình sẽ tốn tầm 2-3 tiếng đến nửa ngày để hoàn thành. Do từng có kinh nghiệm may đồ cho búp bê nên mình không gặp khó khăn gì, trái lại còn thấy vui sau những giờ làm việc mệt mỏi”, chị kể.

Nghề tay trái kiếm ra tiền

Mỗi món đồ bán cho Labubu ở shop của Thương giao động từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng, tuỳ vào mẫu mã và kích thước. Cô còn nhận làm đồ cho “em” Labubu kích thước với giá mắc hơn. Trong khi đó, giá sản phẩm bên chị Hạnh tầm 200.000 – 300.000 đồng/món.

Ít ai biết được rằng Thương đang trong giai đoạn học một ngành mới so với công việc trước. Ban ngày đi học, tối cô bạn tranh thủ ngồi làm đồ len. Vì thế, Labubu như một thú chơi giúp bạn kiếm thêm thu nhập.

Còn chị Hạnh đang nuôi con nhỏ. Khi em bé đi học ở trường, chị dành thời gian cho sở thích cá nhân. Chị cho biết công việc may đồ cho Labubu không quá nhiều vất vả, chỉ cần đo lại kích thước để làm quần áo, mũ phù hợp.

“Không chỉ thế, mình còn tìm được nhiều bạn cùng sở thích khi bán quần áo cho Labubu. Bé nhà mình cũng rất mê mẩn em đồ chơi này”, chị kể.

Còn chị Lê Phi Yến (32 tuổi, sống tại đường Ba Tháng Hai, Q.10, TP.HCM) tạo công ăn việc làm cho gia đình và hàng xóm nhờ Labubu. Yến vốn có tiệm bán đồ cho thú cưng nên chị thường may quần áo cho các em chó, mèo. Khi biết được thú chơi Labubu, chị mong muốn thiết kế nhiều mẫu thời trang cho món đồ chơi này có tính ứng dụng cao hơn, giúp người chơi có thể cá nhân hoá món đồ mà mình sở hữu.

“Mẹ chồng mình là người may những món đồ này, còn mình sẽ lên ý tưởng thiết kế, chọn vải. Mình làm quần áo cho Labubu cũng y như con người, có yếm, quần, áo, nón… Có bạn còn hỏi: “Em có cái vải này. Chị may quần áo cho Labubu giống đồ của em được không?”, mình cũng nhận luôn nhưng thời gian trả hàng lâu hơn một chút”, chị nói.

Nhiều người kiếm tiền từ 'quái vật răng thỏ'- Ảnh 5.Nhiều người kiếm tiền từ 'quái vật răng thỏ'- Ảnh 6.

Sản phẩm do Thương làm khiến khách thích mê vì rất đẹp mắt

Chị Yến còn chia sẻ từng nhận rất nhiều đơn hàng đặc biệt như trang phục cô dâu, chú rể cho Labubu. Đồ thiết kế sẽ có giá khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng. Những trang phục cơ bản có sẵn sẽ có từ 50.000 đến 200.000 đồng.

“Hàng nhiều quá nên mẹ mình làm xù đầu luôn. Ban đầu, mẹ may toàn bộ quần áo. Về sau hàng nhiều quá, mẹ chia bớt cho các cô chú quen biết là thợ sửa quần áo do gần nhà phụ một tay. Mỗi ngày, nhà mình nhận tầm khoảng 5 đơn, sau 2-3 ngày mới trả hàng”, Yến nói.

Hiện tại, chị mở thêm một cửa hàng bán trang phục Labubu trên sàn thương mại điện tử. Nghề mới mẻ này giúp cửa hàng chị đi đơn đều đều, kiếm được nguồn thu nhập kha khá.

Về tiệm bán đồ cho thú cưng, chồng Yến cũng giúp vợ quản lý để chị tập trung cho lĩnh vực may đồ Labubu.