Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 tương đương 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán năm và giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính riêng thu ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 139,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa tháng 4 ước đạt 113 nghìn tỷ đồng; Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 538,8 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% dự toán năm và giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Thu từ dầu thô tháng 4 ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 52,2% dự toán năm và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 4 ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng. Như vậy, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 84,7 nghìn tỷ đồng, bằng 35,4% dự toán năm và giảm tới 19,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về chi ngân sách 4 tháng ước tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Cụ thể, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 135,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 500,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán năm và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chi thường xuyên 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 355,4 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 110,6 nghìn tỷ đồng, bằng 15,2% và tăng 15,6%; chi trả nợ lãi 34 nghìn tỷ đồng, bằng 33% và giảm 3,3%.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2023 do Tổng cục Thuế tổ chức sáng 27/4, ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế cho biết, số thu qua các tháng có dấu hiệu suy giảm nhanh, tính chung 3 tháng, nếu loại trừ các khoản thu sau quyết toán và đột biến phát sinh năm 2022 nộp trong năm 2023 thì thu nội địa quý I/2023 của toàn quốc chỉ bằng bằng 19,1% dự toán, bằng 84,6% so cùng kỳ.
Nhiều khoản thu trọng yếu thu trong quý 1 đều thấp hơn cùng kỳ năm trước như: thuế giá trị gia tăng bằng 95,5%, thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 92,9%, thuế thu nhập cá nhân bằng 97,3%… Mức giảm thu diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương như: bất động sản bằng 54,9%; ô tô bằng 73%; chứng khoán bằng 42,6%; dầu khí bằng 88,1% so cùng kỳ…
Trước những khó khăn trong thời gian qua, các giải pháp về chính sách giảm thuế được ban hành quyết liệt từ rất sớm với quy mô lớn như chính sách về giảm thu thuế bảo vệ môi trường được ban hành ngay từ đầu năm. Chính sách về giảm thu tiền thuê đất được ban hành cho năm 2022 và hiện nay đang trình giảm tiền thuế đất cho năm 2023 và giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các mặt hàng chịu thuế 10%. Theo như tính toán tổng số tiền giảm, gia hạn năm 2023 ước tính lên đến trên 194 ngàn tỷ đồng.
Theo ông Phi Vân Tuấn, việc tiếp tục triển khai những chính sách giảm trong thời gian tới sẽ tác động đến việc triển khai thực hiện thu NSNN năm 2023. Toàn ngành Thuế cần phải có đánh giá cụ thể để có giải pháp quyết liệt bù đắp giảm thu do thực hiện các chính sách mới ngay từ bây giờ.