CUỘC SỐNG ĐANG CẦN KHOA HỌC DỮ LIỆU
Anh Hồ Phạm Minh Nhật (35 tuổi), giáo sư bậc 1 của ĐH Texas – Austin, Mỹ, là chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về khoa học dữ liệu, học máy, thống kê và trí tuệ nhân tạo. Anh cho biết có nhiều lý do dẫn đến ngành khoa học dữ liệu sẽ “hot” trong thời gian tới.
Chẳng hạn như sự gia tăng đáng kể của dữ liệu. Khi ngày nay dữ liệu đang được tạo ra và thu thập vô cùng lớn từ nhiều nguồn như: internet, mạng xã hội, các thiết bị cảm biến… Sự tăng trưởng về dữ liệu đặt ra nhu cầu lớn về việc phân tích và sử dụng thông tin từ chúng một cách hiệu quả.
Anh Hồ Phạm Minh Nhật cho rằng khoa học dữ liệu sẽ “hot” trong thời gian tới
Bên cạnh đó, các lĩnh vực học máy và trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những đột phá lớn. Điều này giúp cho việc phân tích và dự đoán từ dữ liệu trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Từ đó mang lại giá trị lớn cho các doanh nghiệp và tổ chức. Ngoài ra, khoa học dữ liệu có tính ứng dụng rộng rãi.
“Có thể nói khoa học dữ liệu đã và đang “phủ sóng” mạnh mẽ tại VN. Sự phát triển của các chương trình đào tạo và khóa học về ngành này tại các trường đại học là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm và tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Chính phủ và các tổ chức đã đầu tư rất nhiều vào khoa học dữ liệu. Chẳng hạn như sự đầu tư về điện toán đám mây và phát triển về hạ tầng công nghệ thông tin nhằm để thúc đẩy sự phát triển của ngành này ở VN…”, anh Nhật cho biết.
Lại Ngọc Thăng Long (24 tuổi), cựu sinh viên ngành khoa học máy tính, thủ khoa đầu ra khóa 63 của Đại học Bách khoa Hà Nội, đang là chuyên viên khoa học dữ liệu (data scientist) tại Trung tâm dữ liệu và phân tích, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương VN. Long nhận định khoa học dữ liệu sẽ là ngành của tương lai.
Lại Ngọc Thăng Long nhận định khoa học dữ liệu sẽ là ngành của tương lai
Long lý giải: “Bởi với sự gia tăng nhanh chóng của dữ liệu và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu sẽ trở thành công cụ quan trọng không chỉ trong ngân hàng mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Khoa học dữ liệu sẽ trở nên phổ biến và “đổ bộ” tại VN khi các doanh nghiệp nhận ra giá trị thực sự của dữ liệu trong quyết định kinh doanh. Đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và khách hàng yêu cầu cao hơn về trải nghiệm và dịch vụ”.
Vũ Hùng (26 tuổi), cựu sinh viên Khoa Toán – Tin, á khoa đầu ra khóa 16, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đang là nhà nghiên cứu tài chính định lượng (quantitative researcher) tại WorldQuant (công ty quản lý tài sản định lượng nổi tiếng thế giới, có trụ sở tại TP.HCM). Công việc này yêu cầu phải sử dụng dữ liệu trong ngành tài chính, phân tích và xây dựng các mô hình dự đoán những xu hướng trong tương lai.
Hùng cho biết: “Khoa học dữ liệu sẽ ngày càng phát triển, được biết đến nhiều hơn trong thời gian tới. Không phải bởi đây là ngành xu hướng, mà vì cuộc sống đang cần ngành này để thích ứng trong thế giới luôn vận động, phát triển nhanh như hiện nay. Và có một chỉ dấu cho thấy ngành này sẽ phát triển, là hiện có nhiều trường đào tạo về khoa học dữ liệu. Chưa kể thị trường đang có nhiều nhu cầu nhân lực về ngành này”.
CƠ HỘI VIỆC LÀM RỘNG MỞ
Anh Hồ Phạm Minh Nhật cho biết hiện nay khoa học dữ liệu được áp dụng trong nhiều lĩnh vực tại VN. Như trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, các doanh nghiệp sử dụng khoa học dữ liệu để phân tích và tối ưu hóa rủi ro tín dụng, dự đoán xu hướng thị trường, cung cấp các dịch vụ tài chính cho cá nhân.
Nhiều công ty về công nghệ thông tin tuyển các nhân sự khoa học dữ liệu để phát triển các sản phẩm và dịch vụ dựa trên dữ liệu, xây dựng các hệ thống phân tích thông tin, tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống.
Một số bệnh viện tại các thành phố lớn cũng đang có động thái ứng dụng khoa học dữ liệu để phân tích dữ liệu y tế, phát hiện sớm bệnh lý, phát triển thuốc mới.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ, nhiều doanh nghiệp sử dụng khoa học dữ liệu để hiểu hành vi mua hàng của từng khách hàng, dự đoán nhu cầu của từng sản phẩm, tối ưu hóa quảng cáo, marketing, cải thiện trải nghiệm mua sắm trực tuyến…
“Chính sự ứng dụng rộng rãi của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đã tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và tiềm năng phát triển lớn cho ngành khoa học dữ liệu”, anh Nhật nhận định.
Theo Lại Ngọc Thăng Long, hiện nay dữ liệu đang được xem là một trong số những tài sản quý giá của công ty. Để có ưu thế trên thị trường, việc thu thập và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả là điều cần thiết. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng thường có một bộ phận chuyên về dữ liệu. “Vì lẽ đó, cơ hội việc làm cho ngành sẽ mở rộng rất nhiều trong tương lai. Người trẻ nên tận dụng, nắm bắt cơ hội”, Long nói.
Cũng theo Long, làm về khoa học dữ liệu đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về lập trình, xác suất thống kê, giải tích, đại số tuyến tính, học máy, khả năng phân tích, diễn giải dữ liệu, giải quyết vấn đề… “Thế nên luôn cần cố gắng cập nhật kiến thức mới nhất, học hỏi từ đồng nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực, tham gia các khóa đào tạo, dự án thực tế, không ngừng rèn luyện kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề…”, Long nói.
Vũ Hùng chia sẻ từng học ngành toán ứng dụng chứ không phải là khoa học dữ liệu. Tuy nhiên các kỹ năng của toán ứng dụng có thể áp dụng trực tiếp vào khoa học dữ liệu. Thế nên đây là lợi thế lớn cho những người trẻ có khả năng về toán.
Theo Vũ Hùng, làm về khoa học dữ liệu đòi hỏi kỹ năng phân tích và khả năng nghiên cứu
“Và làm về khoa học dữ liệu đòi hỏi kỹ năng phân tích và khả năng nghiên cứu. Đối với những người thích nghiên cứu thì đây là công việc mơ ước. Vì vừa có thể xây dựng mô hình, vừa có thể nghiên cứu các bài báo khoa học về những mảng nghiên cứu mới nhất để áp dụng vào thực tế”, Hùng nói thêm.
Hùng chia sẻ kinh nghiệm với người trẻ đang muốn làm việc về khoa học dữ liệu: “Làm ngành này cần có đam mê chứ đừng vì cơ hội việc làm. Khi có đam mê sẽ giúp mình vượt qua được những khó khăn. Bên cạnh đó, nên liên tục cập nhật các xu hướng mới trong ngành khoa học dữ liệu”.
Đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính cho biết mức lương đối với nhân sự làm về khoa học dữ liệu thường cao hơn khá nhiều so với mức lương của những vị trí khác.