Nhiều chuyển biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều chuyển biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Biên phòng – Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, trình độ phát triển chung của vùng miền núi được thu hẹp so với khu vực miền xuôi của tỉnh.


Đồn Biên phòng Axan, BĐBP Quảng Nam nhận đỡ đầu học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”. Ảnh: Phương Liên

Quảng Nam là địa phương có nhiều thành phần tộc người định cư sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 9,3% dân số toàn tỉnh chủ yếu sinh sống ở các huyện thuộc vùng trung du và miền núi. Vùng đồng bào DTTS và miền núi là địa bàn định cư chính của 4 dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, gồm: Cơ Tu, Co, Giẻ – Triêng, Xơ Đăng, tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn. Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam có 58 xã, 230 thôn đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Đồng thời, xác định mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị trên cơ sở vận dụng đúng đắn, sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội vào tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của người dân.

Từ xác định đó, tỉnh đã chỉ đạo tích hợp các chính sách để tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, bảo đảm nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; trong đó, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn nhằm giải quyết nhiều vấn đề bức thiết liên quan đến đời sống của đồng bào và sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là vấn đề xoá đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên rừng, phát triển bền vững kinh tế – xã hội… vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều dự án đầu tư quan trọng, phù hợp với điều kiện miền núi, tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người lao động địa phương, như: Nhà máy chế biến dược liệu Trà My; Nhà máy chế biến tinh dầu sả hương Tây Giang; Dự án Cổng trời Đông Giang; Dự án chăn nuôi bò, heo; Dự án sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng; Nhà máy chế biến gỗ; Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

Hiện nay, tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, 100% số xã đã có điện lưới quốc gia, 418/437 thôn có điện lưới quốc gia, chiếm tỷ lệ 96%. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 75,4%; 97% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Tỷ lệ hộ dùng điện của 9 huyện miền núi đạt 96%. 34 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,84%. 100/100 xã có trạm y tế, trong đó, 58% số trạm đạt chuẩn quốc gia, có bác sĩ; 615/623 thôn có cán bộ y tế thôn; 9/9 huyện có trung tâm y tế; trong đó, 8/9 trung tâm y tế được xây dựng kiên cố.

Hạ tầng điện chiếu sáng, nước sinh hoạt hợp vệ sinh được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nhiều điểm cụm công nghiệp, điểm du lịch – dịch vụ, các cơ sở thủ công nghiệp, chế biến nông – lâm sản, chế biến dược liệu được quy hoạch, đầu tư; nhiều làng nghề truyền thống của đồng bào được khôi phục, phát triển theo hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch sinh thái đã tạo ra hướng đi mới cho làng nghề và phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở vùng miền núi tỉnh.


Phụ nữ thôn 2, xã Trà Giáp, huyện Nam Trà My trồng chuối phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Phương Liên

Đặc biệt, trong năm 2023, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Quảng Nam đã đạt được một thành tựu rất quan trọng, đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS tới 10,04%, vượt 334% kế hoạch.

Về văn hóa, các loại hình văn học, nghệ thuật; các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ như: hát A giới, xà ru, hát ru, hát đối đáp, nói lý, hát lý, hát giao duyên, múa tung tung da dá… vẫn đang được gìn giữ và thường xuyên được biểu diễn tại cộng đồng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS. Tại các huyện Phước Sơn, Nam Trà My đã quan tâm xây dựng bộ chữ viết Bhnong và Ca Dong…

Hệ thống chính trị ở các cấp địa phương ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện đã kịp thời củng cố, kiện toàn và hoạt động đáp ứng nhiệm vụ được giao. Công tác phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đặc biệt quan tâm, thực hiện đồng bộ trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, tuyển dụng và bố trí việc làm đã góp phần xây dựng nguồn nhân lực phục vụ phát triển vùng miền núi tỉnh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, những điểm nổi bật trong thành tựu phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi thời gian qua là hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư ngày càng đồng bộ theo hướng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của nhân dân và yêu cầu phát triển của vùng miền núi. Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt; trình độ phát triển chung của vùng miền núi được thu hẹp so với khu vực miền xuôi của tỉnh.

Phương Liên