E ngại cơ hội phát triển hạn chế, lương thấp, thời gian, môi trường làm việc gò bó… là những lý do khiến nhân lực công nghệ thông tin không mặn mà với khu vực công.
Cùng lúc nhận hai thư mời làm việc từ đơn vị có vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân chuyên về công nghệ, Hồ Đắc Thanh Minh quyết định bỏ khu vực công. “Dự án ở công ty tư nhân làm với đối tác nước ngoài, tôi sẽ học được nhiều và tiến bộ nhanh”, nam kỹ sư ngành an toàn thông tin, nói về lựa chọn cách đây hai năm.
Thanh Minh (phải) giải lao với đồng nghiệp ngay tại trụ sở của công ty ở quận Bình Thạnh. Ảnh: An Phương
Minh, 24 tuổi, tốt nghiệp trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia HCM) năm 2022. Đây là thời điểm nhân sự IT làm các vị trí liên quan đến quản trị hệ thống, mạng, bảo mật dưới một năm kinh nghiệm có thể nhận lương mỗi tháng đến 20 triệu đồng.
Theo Minh, công ty có vốn nhà nước khá lớn, dù lương cơ bản không cao nhưng tổng các phúc lợi khá hấp dẫn. Tuy nhiên, đơn vị này không chuyên về công nghệ thông tin, nhân sự IT chỉ làm các công việc gói gọn trong phạm vi hoạt động doanh nghiệp. Điều này khiến anh lo lắng “bản thân sẽ sớm tụt hậu”.
“Chỉ cần ba năm không cập nhật cái mới, nhân sự IT sẽ như người tối cổ”, Minh nói. Nhân sự IT không nỗ lực học hỏi, phát triển kỹ năng mới sẽ bị đào thải nhanh. Sau 30-35 tuổi gần như tụt hậu và khó tìm việc. Do đó, nếu một kỹ sư công nghệ thông tin sau gắn bó vài năm với đơn vị nhà nước, khi nghỉ đi ra ngoài sẽ rất khó xin việc mới.
“Ưu tiên của kỹ sư IT trẻ là học hỏi những cái mới, nâng cao trình độ. Môi trường nhà nước khó đáp ứng được”, Minh nhận định.
Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Vinh, 34 tuổi, hiện là kỹ sư phần mềm cho một công ty công nghệ ở quận Bình Thạnh, cho biết chưa từng quan tâm đến cơ hội làm việc trong khu vực công.
Theo anh Vinh, có nhiều lý do để nhân sự ngành này không mặn mà ở khối nhà nước. Đầu tiên là lương và phúc lợi ở khối doanh nghiệp rất cao và cạnh tranh. Tiếp đến đặc thù của ngành IT đòi hỏi sử dụng tiếng Anh, làm việc đa quốc gia. Các kỹ sư sẽ dễ tìm thấy môi trường làm việc ở khối tư nhân hơn. Cuối cùng là môi trường làm việc cởi mở, chấp nhận thay đổi, khác biệt để người lao động lựa chọn.
Ngoài ra, nam kỹ sư cho rằng các cơ hội việc làm ở khối nhà nước, quy trình tuyển dụng ra sao cũng không được công bố rộng rãi. Điều này khiến những người quan tâm cũng có phần e ngại vì “bản thân không thực sự hiểu về nơi mình sẽ làm việc”.
Kỹ sư Xuân Vinh làm việc ở công ty được thiết kế như quán cà phê. Ảnh: An Phương
Nhiều năm phối hợp tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Lê Quốc Khương, Trưởng phòng Dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự, ManpowerGroup Việt Nam, cho rằng về mức lương, chế độ đãi ngộ, phúc lợi, môi trường làm việc linh hoạt… khối nhà nước khó lòng cạnh tranh được với khu vực tư.
“Ngay cả doanh nghiệp còn cạnh tranh khốc liệt với nhau để giữ chân người tài”, ông Khương nói. Dự báo, trong 3-5 năm tới, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này sẽ tiếp tục tăng 20-25% mỗi năm do quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngày càng sâu rộng.
Báo cáo hướng dẫn lương mới nhất của ManpowerGroup Việt Nam và các báo cáo thị trường lao động gần đây cho thấy đối với cấp nhân viên mức lương trung bình mỗi tháng trong ngành IT tại Việt Nam từ 20-50 triệu đồng, con số này ở vị trí cấp quản lý, chuyên gia cao cấp là 80-150 triệu đồng, giám đốc công nghệ lên đến 250 triệu đồng.
Mức lương có sự phân hóa theo các vị trí cụ thể, chênh lệch tùy thuộc vào doanh nghiệp nội địa hay nước ngoài, ngành nghề hoạt động và trị trí địa lý như TP HCM, Hà Nội sẽ cao hơn các địa phương khác.
Trong khi đó, ở khu vực công, theo ghi nhận ManpowerGroup Việt Nam, các vị trí tuyển dụng gồm quản trị hệ thống, chuyên viên an ninh mạng, lập trình viên, quản lý dự án công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật. Mức lương mỗi tháng của chuyên viên từ 5-10 triệu đồng và vị trí quản lý 10-30 triệu đồng. Con số này sẽ cao hơn nếu liên quan an ninh mạng hoặc hệ thống quan trọng.
Về môi trường làm việc, nhân lực IT kỳ vọng chế độ làm việc linh hoạt (flexible working) hoặc làm việc từ xa (remote). Tiêu chuẩn thời gian mong đợi là một tuần làm việc 4-5 ngày với thời gian mỗi tuần không quá 40 giờ. Ngoài được hưởng đầy đủ phúc lợi, chế độ, nhân lực trong ngành còn kỳ vọng được thưởng theo dự án, thưởng cổ phần hoặc cổ phiếu trong công ty công nghệ startup.
Theo ông Khương, môi trường làm việc cởi mở, văn hóa sáng tạo và cơ hội làm việc với công nghệ tiên tiến cũng được nhân lực ngành này đánh giá cao khi ứng tuyển.
“Tuy nhiên, dù có những hạn chế so với tư nhân song khu vực công vẫn có những ưu điểm để có thể thu hút được nhân lực IT”, ông Khương nói. Đầu tiên là tính ổn định, ít rủi ro như khu vực tư nhân; cơ hội thăng tiến đến nếu có sự gắn bó lâu dài. Ngoài ra, người làm trong khối nhà nước có cơ hội mua nhà ở xã hội, hỗ trợ về chỗ ở, ưu đãi theo diện thu hút nhân tài… Khu vực công cần truyền thông mạnh mẽ về các điểm nổi bật này đê có thể thu hút được nhóm nhân lực phù hợp.
Kỹ sư làm việc tại công ty thiết kế chip bán dẫn Renesas tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Thái Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Mesoneer – lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất, gia công phần mềm, đánh giá cao những nỗ lực thu hút nhân lực IT của chính quyền TP HCM. Thành phố xây các khu công nghệ cao, hợp tác các trường đào tạo nhân lực, chính sách hỗ trợ nhà khoa học, nhân lực các ngành đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ…
Tuy nhiên, theo ông Dũng, để cạnh tranh được với doanh nghiệp trong nước và quốc tế các chính sách cần được cải thiện và xây dựng dựa trên các mong muốn, kỳ vọng của nhân lực ngành này và sự thay đổi không ngừng của công nghệ. Ví dụ tại Mesoneer, chính sách phúc lợi được cá nhân hóa, phù hợp với mong muốn, điều kiện của từng người như làm việc từ xa, chú trọng chất lượng cuộc sống, thời gian dành cho gia đình của nhân viên, môi trường làm việc thoải mái…
“Khu vực công có thể giao lưu, tham quan doanh nghiệp để thấy sự khác biệt, từ đó xây dựng chính sách phù hợp, xóa dần cách biệt giữa hai khối công–tư”, ông Dũng đề xuất.
Ngoài ra lãnh đạo Mesoneer cho rằng để giải quyết bài toán thiếu nhân lực, chính quyền có thể tính đến phương án hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số. Phía nhà nước chỉ cần người điều phối, doanh nghiệp với nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng tốt, quen việc sẽ thực hiện các dự án nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, hiệu quả hơn. Chính quyền tổ chức đấu thầu công khai để tìm doanh nghiệp phù hợp.
Trong khi đó, kỹ sư Thanh Minh cho rằng để thu hút nguồn nhân lực trẻ, TP HCM cần có chiến lược rõ ràng giúp họ tiếp cận với các công nghệ mới. Chính quyền có thể phối hợp các trường thiết kế chương trình đào tạo chất lượng nhắm tới sinh viên các trường tốp đầu về công nghệ thông tin và thu hút khi họ tốt nghiệp.
Theo anh Xuân Vinh, ngoài tìm kiếm nguồn nhân lực toàn thời gian, chính quyền nên nghiên cứu các chương trình mã nguồn mở, cộng tác bán thời gian để nhân lực IT có thể đóng góp kỹ năng cho khu vực công. Điều này giúp nhân sự không bị ràng buộc nhưng nhà nước không tốn nhiều chi phí như nhân viên toàn thời gian.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng đóng góp kỹ năng và chuyên môn của mình cho những dự án có ích cho xã hội một cách tự nguyện”, Vinh nói.
Lê Tuyết