Nhà máy tỉnh tìm cách hút công nhân thành phố

Nhà máy tỉnh tìm cách hút công nhân thành phố

Trên chuyến xe về Tết, chị Ngọc Bích bị thu hút bởi bảng tuyển công nhân lương 9 triệu đồng cho nhà máy tại Thanh Hóa, treo ở quốc lộ 13 đoạn qua TP HCM và Bình Dương.

Chị Bích có hơn chục năm làm công nhân may ở TP HCM. Nay chị thấy lưỡng lự quay lại thành phố sau cuộc gọi vào tổng đài tuyển dụng của Công ty may mặc Leading Star Thanh Hóa ở Khu công nghiệp Bỉm Sơn. Nếu có tay nghề chị sẽ không phải qua thử việc, được xếp lương căn bản cao hơn. “Thu nhập 9 triệu đồng lại được gần con, gần nhà”, người phụ nữ 32 tuổi, nói.

Năm nay, Công ty may mặc Leading Star Thanh Hóa có nhu cầu tuyển 3.000 lao động. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch công đoàn công ty, nói cuối năm ngoái, các tỉnh phía Nam sụt giảm đơn hàng, giảm việc nhiều, nên doanh nghiệp đã lên phương án thu hút lao động quê Thanh Hóa hồi hương. Do đó, đầu năm nay, bảng tuyển dụng đã được dựng lên ở quốc lộ 13 khu vực tiếp giáp Bình Dương, TP HCM.

Bảng tuyển dụng lao động nhà máy Leading Star Thanh Hóa đặt ở Quốc lộ 13 đoạn qua TP Thủ Đức (TP HCM). Ảnh: An Phương

Bảng tuyển dụng lao động nhà máy Leading Star Thanh Hóa đặt ở Quốc lộ 13 đoạn qua TP Thủ Đức (TP HCM). Ảnh: An Phương

Với những lao động có kinh nghiệm, nhà máy sẽ kiểm tra tay nghề và xếp bậc A, B, C để đảm bảo lương căn bản phù hợp. Khu công nghiệp Bỉm Sơn thuộc vùng ba, lương tối thiểu vùng thấp hơn Bình Dương, TP HCM nhưng các khoản phụ cấp, chế độ phúc lợi không thay đổi. Theo bà Oanh, ngay sau kỳ nghỉ Tết đã có 150 lao động ở TP HCM đến nhà máy phỏng vấn, nhận việc.

Tương tự, trong năm nay, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), chế biến thủy, nông sản, có kế hoạch tuyển mới 2.000 lao động để bù đắp cho số nghỉ việc và một số nhà máy mở rộng sản xuất. Bà Hồ Thị Như Nguyệt, phụ trách tuyển dụng công ty, cho biết 90% công nhân của doanh nghiệp là người địa phương. Với những công nhân có tay nghề, chịu khó, thu nhập mỗi tháng lên đến 15-16 triệu đồng, trung bình 8-9 triệu. “Công nhân hoàn toàn có tích lũy, sống tốt hơn ở thành phố vì chi phí ở quê thấp”, bà Nguyệt nói.

Ở những thời điểm nhu cầu tuyển dụng tăng cao, nhân sự của công ty sẽ tìm nhiều cách để thu hút lao động, đặc biệt những thời điểm sau Tết. Ngoài đăng thông tin lên trang mạng xã hội chính thức của công ty, cán bộ nhà máy còn về tận xã, huyện để phát tờ rơi đến các gia đình lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng khuyến khích công nhân của công ty giới thiệu người thân đến làm việc.

Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Tháp, cho biết các nhà máy chế biến thủy sản, may mặc trên địa bàn luôn cần một lượng lớn lao động để phục vụ cho việc mở rộng sản xuất. Để thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp có chính sách nhận cả vợ chồng vào làm việc, xây nhà trẻ để giữ con công nhân. Địa phương cũng khuyến khích công nhân làm việc gần nhà vì sẽ giúp cho con cái của họ được học hành, chăm sóc tốt hơn.

Sàn giao dịch việc làm tổ chức 1/2 ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Ảnh: An Phương

Sàn giao dịch việc làm tổ chức ngày 1/2 ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Ảnh: An Phương

Theo bà Tuyết, năm nay nhiều lao động ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai bị thiếu, giảm việc trở về địa phương ăn Tết sớm. Ngay trong tháng 2 và 3, ngành lao động sẽ tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm ở tất cả huyện, thành phố để người dân lựa chọn nơi làm việc.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện SocialLife), trong cuộc cạnh tranh lao động giữa nhà máy ở tỉnh và thành phố, các doanh nghiệp ở địa phương có lợi thế là hiện nay tỷ lệ người lao động có xu hướng hồi hương gia tăng. Khảo sát cuối năm ngoái của Viện đã chỉ ra, trong 1.000 người đang đi làm xa quê có 15,5% người chắc chắn có dự định trở về làm việc lâu dài, 44,6% người lưỡng lự và 39,9% người muốn ở lại thành phố.

Những lý do khiến người lao động muốn hồi hương là thu nhập ở thành phố không đủ sống, cuộc sống nhiều áp lực, cơ hội việc làm và thu nhập ở quê đã tốt hơn trước, có gần một nửa số người nêu lý do muốn ở gần gia đình. Đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, người lao động mất việc làm sẽ lựa chọn về quê và chuyện có trở lại thành phố hay không là điều chưa thể dự đoán được.

Ông Lộc cho rằng nếu ở quê có cơ hội, nhà máy tuyển dụng mức lương thấp hơn, người lao động sẽ không lên thành phố nữa. Đặc biệt khi trải qua những cuộc khủng hoảng như giãn cách, thất nghiệp, mất việc, họ cảm giác ở quê an toàn hơn.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú), nói rằng hàng năm cứ sau Tết nhà máy bị hụt 10-15% công nhân có tay nghề, nguyên nhân tìm được việc làm ở quê. Nhóm này chủ yếu rơi vào những lao động có gia đình, nuôi con nhỏ. Chi phí nuôi 1-2 đứa trẻ ở thành phố quá cao, sinh hoạt cho cả nhà quá đắt đỏ nên công nhân hồi hương.

Thành Công có một số nhà máy ở tỉnh. Ông Tuấn ví dụ ở Vĩnh Long, thu nhập của lao động sẽ thấp hơn 20% so với ở thành phố nhưng họ hoàn toàn có dư bởi phòng trọ mỗi tháng 400.000-500.000 đồng ở được cả gia đình, trong khi thành phố phải gấp 3-4 lần mới sống thoải mái. Nhiều người làm ở quê còn có thêm kinh tế phụ như ruộng vườn, tăng thu nhập. Trong khi các nhà máy ở thành phố không thể tăng lương liên tục để giữ chân vì chi phí quá lớn.

“Sắp tới hạ tầng ở các tỉnh tốt, nhà máy đầu tư nhiều, thu nhập tiệm cận thành phố, tỷ lệ lao động trở về quê sẽ tăng”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên vẫn có một lượng lao động trẻ thích đến các thành phố lớn để trải nghiệm, các nhà máy có đãi ngộ tốt vẫn thu hút được nhóm này để bổ sung cho số thiếu hụt.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết dù địa phương cần lao động nhưng không cố gắng giữ người bằng mọi cách. Tỉnh vẫn khuyến khích, kết nối những người trẻ muốn học tập, nâng cao tay nghề với các doanh nghiệp ở TP HCM, Bình Dương. “Khi sự đãi ngộ, môi trường làm việc của các nhà máy tỉnh đủ tốt, người lao động sẽ tự quay về”, bà Tuyết nói.

Lê Tuyết