TP HCMĐối tác hủy đơn hàng, thiệt hại tiền bạc, uy tín bị ảnh hưởng, tốn thời gian xử lý… là những vấn đề nhà máy sản xuất gặp phải khi sản phẩm bị tuồn ra ngoài.
Công ty S.H Vina ở TP HCM chuyên làm hàng may mặc xuất khẩu, không bán nội địa, song thỉnh thoảng phát hiện áo quần chưa xuất bị bán bên ngoài. Dù ban giám đốc đã nhiều lần rà soát toàn bộ quy trình sản xuất, quản lý kho, cách thức đưa hàng ra khỏi cổng nhưng không phát hiện lỗ hổng. Không chặn được từ gốc, lãnh đạo quyết định lập đội chuyên đi rà quét các shop thu hồi hàng bị tuồn ra ngoài.
“Chúng tôi có đội rà quét thì khách hàng cũng có”, ông Võ Minh Hưng, quản lý sản xuất, nói về thời điểm nhà máy bị đối tác gửi hình ảnh áo thun được bày tại một trung tâm thương mại ở quận 1. Sản phẩm bị khách hàng gửi hình ảnh vốn được nhà máy làm để xuất đi Mỹ. Nhãn hàng chưa đưa số áo này lên kệ thì ở Việt Nam đã được bán ngoài thị trường.
Công nhân Nobland trong giờ sản xuất. Ảnh: Lê Tuyết
“Đó không phải là hàng nhái mà chính xác là sản phẩm của công ty”, ông Hưng nhớ lại. Các sản phẩm xuất khẩu đều có các thông tin về nơi sản xuất, áo quần còn được nhận diện qua vải, chỉ, nguyên phụ liệu… Doanh nghiệp để sản phẩm tuồn ra ngoài, tức vi phạm các điều khoản về giữ bí mật sản phẩm nên khách hàng đã hủy toàn bộ đơn hàng. Điều này khiến công ty không chỉ thiệt hại về tiền mà còn bị ảnh hưởng uy tín với các đối tác.
Nhà máy ST Sài Gòn ở TP Thủ Đức cũng gặp tình huống tương tự khi khách hàng phát hiện mẫu gấu bông đặt để tặng kèm sản phẩm sữa bột sắp ra mắt chưa lên kệ đã có người đăng hình lên mạng. “Tất cả người ra vào công ty bị kiểm tra rất chặt chẽ, gấu bông ra bằng đường nào”, bà Quỳnh Nguyễn, phụ trách nhân sự của công ty nhớ lại.
Ban giám đốc yêu cầu đội bảo vệ, nhân sự rà lại camera của mấy tháng liền nhưng không phát hiện trường hợp nghi vấn. Công ty phải nhờ bên thứ ba truy tìm nguồn gốc bức ảnh đăng trên mạng. Kết quả, chủ nhân bức ảnh là một công nhân của công ty. Người này cho biết mỗi ngày lấy một ít nguyên phụ liệu bỏ trong túi áo khoác rồi ghép lại thành con gấu hoàn chỉnh để tặng con gái.
“Vụ việc khá hy hữu nhưng khiến công ty vất vả để xử lý”, bà Quỳnh Nguyễn nói. Đối với khách hàng, công ty phải giải thích, thương lượng và chịu mọi hình thức phạt. Dù không bị hủy đơn hàng vì chỉ có một sản phẩm bị tuồn ra ngoài và đã được thu hồi, song sự việc ảnh hưởng uy tín công ty.
Đối với người lao động, việc đưa gấu bông ra ngoài xét về giá trị tiền không nhiều nhưng lại gây thiệt hại khá lớn. Sau khi xem xét hoàn cảnh của nữ công nhân, công ty chỉ kỷ luật không nâng lương ở kỳ tiếp theo. Doanh nghiệp cũng tổ chức tuyên truyền người lao động, kiểm soát lại nguyên phụ liệu, công nhân không được mang bất kỳ tài sản của công ty ra ngoài, dù là mảnh vải thừa.
Vụ mất hàng xuất khẩu gần đây nhất xảy ra ở Công ty TNHH Nobland Việt Nam, 100% vốn Hàn Quốc, ở quận 12. Sau khi mất khoảng 3.000 áo thun, không tìm được thủ phạm, doanh nghiệp chi 70 triệu đồng thu gom từ các cửa hàng, rồi chế tài bằng cách trừ lương hơn 100 công nhân phụ trách khâu hoàn thành. Vụ việc khiến công nhân bức xúc, khiếu nại nhiều nơi, công ty phải trả lại tiền bởi cách làm không đúng quy định pháp luật.
Công nhân công ty Pou Yuen, quận Bình Tân, sau giờ tan ca. Ảnh: Quỳnh Trần
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), cho hay tình trạng nhà máy mất hàng hóa, bị tuồn sản phẩm xuất khẩu ra ngoài không phải cá biệt. Tùy vào số lượng bị mất mà mỗi doanh nghiệp có cách xử lý khác nhau. Những doanh nghiệp bị thiệt hại số lượng lớn, lặp lại thường chọn phương án thông báo đến cơ quan công an để truy tìm, giải quyết dứt điểm những vụ mất cắp sản phẩm.
Từng là Chủ tịch công đoàn các Khu chế xuất, công nghiệp TP HCM, ông Đô tham gia xử lý vụ Công ty may S.H Vina bị mất cả chục nghìn chiếc áo. Ban đầu một số người trong doanh nghiệp cũng đặt nghi vấn người làm việc trong nhà máy. Tuy nhiên, ban giám đốc có cách xử lý ổn thỏa hơn khi rà soát toàn bộ quy trình quản lý để tìm điểm mù mà những người lấy cắp có thể lợi dụng.
Theo đó, nhà máy có camera, bảo vệ truy vết được toàn bộ quy trình từ khâu nhập nguyên liệu đến thành phẩm cất vào kho và ra khỏi nhà máy. Quá trình vận chuyển trên đường từ công ty ra cảng, sân bay được kiểm tra bằng định vị. Tuy vậy thời gian đi trên đường bao lâu, công ty lại không kiểm soát. Đặt nghi vấn hàng có thể bị lấy trên đường ra cảng nên doanh nghiệp đã báo công an điều tra.
Công an vào cuộc và phát hiện một số thành viên của công ty vận chuyển cấu kết với vài cá nhân lấy cắp hàng trong lúc đưa ra sân bay. Nhóm này vô hiệu hóa định vị, đưa xe đến một địa điểm rồi lấy hàng. Công an phá được đường dây mất cắp, nhiều người bị bắt. Sau vụ việc, doanh nghiệp đã thay đổi quy trình, kiểm soát thời gian chở hàng ra sân bay.
Ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, nói nhà máy từng xảy ra mất cắp hàng trăm đôi giày, tất cả đều là hàng xuất khẩu. Do số lượng hàng lớn, công ty đặt vấn đề có đường dây và báo công an.
“Công an điều tra ra cả đường dây có sự móc nối giữa người trong nhà máy, đội xe ra vào công ty lẫn bảo vệ”, ông Cường nói. Sau vụ việc công ty lắp đặt camera ở nhiều khu vực, luân chuyển bảo vệ liên tục, đảo ca trực thường xuyên để tránh kết nối, tạo thành đường dây.
Theo ông Cường, khi phát hiện sản phẩm bị tuồn ra ngoài, ban giám đốc không đặt nghi vấn lên bất kỳ lao động nào bởi có thể ảnh hưởng uy tín, danh dự của người không liên quan. Cách xử lý tốt nhất là báo ngành chức năng để điều tra, xử lý đúng người, giúp chấm dứt tình trạng tuồn hàng ra ngoài.
Lê Tuyết