Mô hình làm việc kết hợp tại văn phòng – tại nhà và sự bùng nổ thương mại điện tử đang thúc đẩy nhu cầu đối với các nhà kho tự quản.
Nhu cầu về kho tự quản (viết tắt của “kho lưu trữ tự phục vụ” hay “kho lưu trữ mini”) đã tăng vọt kể từ khi đại dịch bùng phát, xuất phát từ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh mô hình làm việc kết hợp lan rộng.
Điều này đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản trong các lĩnh vực ngách. Theo dữ liệu từ Real Capital Analytics, các giao dịch trong lĩnh vực kho tự quản trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương(APAC) đạt 800 triệu USD vào năm 2022, tăng từ 200 triệu USD vào năm 2019 trước khi đại dịch diễn ra.
Bà Pamela Ambler, chuyên gia của công ty bất động sản JLL, cho biết: “Dòng vốn đang tăng lên nhanh chóng khi ngày càng có nhiều tổ chức đầu tư tham gia vào sân chơi này. Các quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu đang chuyển sang APAC để thu mua kho tự quản và mở rộng quy mô nhanh chóng nhằm tái hiện lại thành công họ từng đạt được trước đó ở Hoa Kỳ và châu Âu”.
Một thương vụ đáng chú ý là việc nhà quản lý quỹ hưu trí Hà Lan APG và nhà quản lý đầu tư bất động sản CapitaLand Investment của Singapore mua lại công ty điều hành kho tự quản Extra Space Asia vào tháng 10 năm ngoái với giá ban đầu là 570 triệu đô la Singapore (433 triệu USD) để thúc đẩy sự hiện diện tại khu vực.
Bà Ambler nói: “Xu hướng làm việc tại nhà và sự bùng nổ thương mại điện tử chưa từng có đã dẫn đến việc các cá nhân và doanh nghiệp chuyển sang tự lưu trữ hàng loạt”.
Nhu cầu mới ở APAC
Do nhu cầu tăng cao, tỷ lệ lấp đầy của kho tự quản tại APAC đã tăng 3,6% trong năm ngoái, lên 80%, trong khi giá thuê tăng 3%, theo dữ liệu từ báo cáo của JLL.
Các nhà bán lẻ thương mại điện tử đang tác động rất lớn đến thị trường này. Dữ liệu từ công ty nghiên cứu eMarketer cho thấy thị trường thương mại điện tử trong khu vực đang trên đà tăng trưởng 11% trong 5 năm tới, vượt xa châu Âu và Bắc Mỹ về biên lợi nhuận.
“Mặc dù thị phần thương mại điện tử của APAC trong doanh số bán lẻ toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 16% lên 36% vào năm 2030, nhưng thị phần hiện tại của hầu hết các thị trường khu vực đều chỉ đạt mức 15-19%, ngoại trừ Hàn Quốc và Trung Quốc”, Sungmin Park, chuyên gia của JLL, nói.
“Điều này cho thấy còn nhiều dư địa cho sự phát triển của thương mại điện tử, vốn sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu về kho tự quản”.
Tuy nhiên, hiện tại, nhu cầu từ người tiêu dùng cá nhân vẫn chiếm 3/4 mức tăng trưởng của ngành, theo dữ liệu từ JLL.
Sự gia tăng của hình thức làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch đã khiến nhiều người chuyển sang các lựa chọn lưu trữ thay thế khi họ cần thêm khoảng trống trong nhà để có nơi làm việc.
Giá bất động sản tăng cao cũng buộc những người thuê nhà phải cân nhắc chuyển chỗ ở, thường là đến những ngôi nhà nhỏ hơn, dẫn đến nhu cầu về nơi chứa đồ đạc.
Ông Park cho biết: “Khả năng chi trả nhà ở đã đạt đến mức khủng hoảng ngay cả trước khi xảy ra đại dịch. Gần như tất cả các thành phố cửa ngõ trên toàn cầu đều chứng kiến giá bất động sản tăng vọt trong thời kỳ đại dịch do thiếu nguồn cung và lãi suất thấp sau đó”.
Sự quan tâm của nhà đầu tư
Ông Park cho biết những xu hướng này đang củng cố nhu cầu về kho tự quản và góp phần vào tăng trưởng cho thuê lạc quan và triển vọng lợi nhuận của lĩnh vực này tại APAC, với các thị trường bao gồm Singapore và Nhật Bản được coi là những điểm sáng.
Có tới 77% nhà khai thác được JLL khảo sát kỳ vọng tăng trưởng giá thuê sẽ tích cực, trong khi 84% dự báo khả năng sinh lời trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Các nhà đầu tư, được khuyến khích bởi tiềm năng tăng trưởng, cũng đã đặt mục tiêu rót vốn vào lĩnh vực này.
Ít nhất một phần ba các nhà đầu tư trên khắp APAC có kế hoạch tăng lượng tài sản đang quản lý (Assets under management) của họ trong lĩnh vực kho tự quản trong năm 2023, theo dữ liệu từ JLL.