Người trẻ tiên phong làm những việc khó, việc mới

Người trẻ tiên phong làm những việc khó, việc mới

Những quyết tâm ấy đã được 4 người trẻ tài năng chia sẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến các ứng viên Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2022 vào sáng 2.3. Đây là giải thưởng uy tín của T.Ư Đoàn nhằm vinh danh những bạn trẻ xuất sắc trên các lĩnh vực.

Chương trình được phát trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn và các kênh Facebook, YouTube của Báo Thanh Niên.

CÒN TRẺ MÀ KHÔNG LÀM THÌ AI SẼ ĐẢM NHẬN?

Đó là câu tự nhủ bản thân cũng là câu khẳng định của anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông Bình Phước, Giám đốc HTX DV Nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, trong những năm anh du học tại Pháp và nhận thấy thực tế sự xuất hiện của các thương hiệu nông sản Việt trên thị trường châu Âu là rất ít. Lúc đó anh đã tự hỏi: “Thế hệ trẻ của chúng ta nếu không làm, không cống hiến, không hành động thì làm sao nước ta sánh vai được với các cường quốc năm châu?”.

Từ đó, anh nung nấu quyết tâm và sau khi đã học hỏi, tích góp được đầy đủ kinh nghiệm, anh Hoàng quyết định trở về quê hương, lập nghiệp ngay tại địa phương của mình. Anh đã xây dựng được thương hiệu Bơ ông Hoàng, và cũng giúp cho người dân ở tỉnh xây dựng được thương hiệu cho nông sản địa phương.

Người trẻ tiên phong làm những việc khó, việc mới - Ảnh 1.

Những người trẻ tài năng chia sẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến các ứng viên Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2022 sáng 2.3

Điều đặc biệt, anh Hoàng ứng dụng công nghệ vào canh tác nông nghiệp. HTX của anh đang tiên phong xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, số hóa từng cây, mỗi cây là một nhật ký điện tử và làm mô hình xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước, xây dựng các sản phẩm OCOP nâng tầm nông sản Việt.

Cũng nhiều quyết tâm và trăn trở với nền nông nghiệp VN, anh chàng điển trai Nguyễn Văn Thiên Vũ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam, đã đưa công nghệ máy bay không người lái vào nông nghiệp.

Thiên Vũ kể: “Ban đầu khi học đại học, mình nghiên cứu về máy bay không người lái dùng cho các lĩnh vực như điện ảnh, quân sự, giám sát công trình… nhưng khi dấn thân vào mảng nông nghiệp thì mình có sự đam mê rất lớn, và quyết tâm dồn nguồn lực vào nông nghiệp để giải quyết 2 trăn trở lớn của bản thân. Đó là giúp nông dân có sinh kế tốt hơn, nông dân có đất và có thể làm giàu trên chính mảnh đất đó nhờ vào việc ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó là niềm trăn trở đưa nông sản VN lên bản đồ thế giới”.

Thiên Vũ cho biết trong gần 5 năm triển khai công nghệ này vào nông nghiệp đã cải thiện được sinh kế cho người dân, giúp tiết kiệm được 20 – 30% chi phí canh tác, tăng chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, giúp cải thiện đáng kể về vấn đề môi trường khi giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được hơn 1,5 tỉ lít nước trong canh tác, từ đó cũng góp phần giảm biến đổi khí hậu.

NỖ LỰC HẾT MÌNH VỚI ĐAM MÊ

Tại chương trình giao lưu, cậu học sinh Trần Xuân Bách, lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), người được nhiều bạn trẻ ví như “siêu nhân” khi đạt rất nhiều giải thưởng quốc tế như huy chương vàng (HCV) kỳ thi Olympic Tin học quốc tế năm 2022; HCV kỳ thi Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương năm 2022… đã chia sẻ bí quyết để sở hữu một “gia tài” thành tích đồ sộ như vậy.

Bách cho biết môn tin học so với các môn có một điểm khác là hầu hết tài liệu đều có trên mạng. Tuy nhiên, ở trong nước khá ít tài liệu nên điều quan trọng là khả năng tự học và tự tìm tòi các tài liệu bằng tiếng Anh.

“Thỉnh thoảng mình thấy công việc cũng nhiều, vì ngoài việc học tin ở đội tuyển cũng tốn hết 10 – 12 tiếng mỗi ngày, mình còn phải tham gia các dự án ngoại khóa, chuẩn bị hồ sơ để đi du học… Tuy nhiên, mình thấy công việc không thể giảm bớt được nên chỉ còn cách là làm thế nào để mình có thể học tập hiệu quả và hiệu suất làm việc cao hơn”, Bách nói và bật mí: “Đầu tiên, việc học tin phải sử dụng máy tính rất nhiều, mà sử dụng máy tính rất dễ mất tập trung, nên mình khóa tất cả các trang mạng có thể khiến mình mất tập trung. Bên cạnh đó, cố dậy sớm vào buổi sáng, vì sáng sớm không ai lên mạng để trò chuyện với mình nên sẽ tập trung hơn, năng suất học vào buổi sáng cũng sẽ tốt hơn”.

Là một người con gái nhưng có niềm đam mê với nghiên cứu khoa học, đến nay chị Lê Thị Phương, nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, đã sở hữu 2 bằng sáng chế quốc tế đăng ký tại Mỹ, 3 bằng sáng chế đăng ký tại Hàn Quốc và 28 bài báo đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó 21 bài báo thuộc danh mục Q1 (9 bài tác giả chính)…

Đặc biệt, những nghiên cứu của chị đa phần đều hướng đến việc góp phần cung cấp những kiến thức mới, vật liệu mới giúp tăng cường hiệu quả điều trị bệnh ung thư. Chia sẻ về động lực đưa chị đến với những nghiên cứu này, chị Phương nói: “Ung thư là một trong những căn bệnh rất nguy hiểm, tuy nhiên tất cả các loại thuốc điều trị ung thư đều có tính gây độc cho tế bào. Do đó, ngoài việc tiêu diệt tế bào ung thư thì cũng gây ra rất nhiều tác dụng phụ cho các tế bào lành xung quanh. Bên cạnh đó, đa số các thuốc ung thư đều kỵ nước nên khi đưa vào cơ thể sẽ bị giảm hoạt tính khá nhiều. Chính vì thế, những nghiên cứu của mình sẽ tập trung vào việc khắc phục các nhược điểm này, bằng cách phát triển các hệ dẫn truyền thuốc thông minh”.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp có khó không?

Với những người trẻ mang quyết tâm số hóa nền nông nghiệp VN như anh Hoàng thì anh luôn nhìn nhận rằng những mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị là thực trạng nhức nhối của nền nông nghiệp. Vì vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cốt lõi cho tương lai của nền nông nghiệp nước nhà.

“Chuyển đổi số giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa sản xuất, tối đa về mặt lợi nhuận và đẩy mạnh kết nối cung cầu, minh bạch hóa thông tin về sản phẩm của mình, cũng như nâng cao được chất lượng nông sản của VN trên bản đồ thế giới”, anh Hoàng khẳng định.


Nếu trở thành Gương mặt trẻ VN tiêu biểu 2022 bạn có dự định gì ?

Người trẻ tiên phong làm những việc khó, việc mới - Ảnh 3.

Trần Xuân Bách

“Đó là một vinh dự rất đáng quý, và mình sẽ dùng cơ hội này để vun đắp, phát triển nền tin học VN. Hiện nay cơ hội của học sinh trên cả nước về lĩnh vực này còn hạn chế, mình mong muốn sẽ kết nối các bạn học sinh có chung niềm đam mê để đưa các bạn đến với các cơ hội phát triển và tìm tòi được niềm yêu thích của bản thân”.

Trần Xuân Bách

Người trẻ tiên phong làm những việc khó, việc mới - Ảnh 4.

Đặng Dương Minh Hoàng

“Khi càng có những sự lan tỏa thì cá nhân mình thấy càng phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng và xã hội. Mình sẽ cùng với mạng lưới Lương Định Của toàn quốc trở thành hạt nhân, tiên phong và tiếp tục truyền lửa cho thế hệ thanh niên, cùng nhau xây dựng cộng đồng nông nghiệp tử tế và đưa VN nâng tầm trên bản đồ nông sản thế giới”.

Đặng Dương Minh Hoàng

Người trẻ tiên phong làm những việc khó, việc mới - Ảnh 5.

“Mình sẽ tiếp tục thực hiện những đề tài nghiên cứu, và sẽ tiếp tục tham gia hướng dẫn để có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với học sinh, sinh viên hơn, vì đây là con đường ngắn nhất để có thể lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học đến với giới trẻ”.

Lê Thị Phương

Người trẻ tiên phong làm những việc khó, việc mới - Ảnh 6.

“Rất tự hào, và mình sẽ vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình là bay cao cùng nông nghiệp VN. Tiếp tục làm tốt công việc mình đang làm, phát triển nhiều hơn nữa và đặc biệt là có thể giúp đỡ được nhiều người hơn”.

Nguyễn Văn Thiên Vũ


Vậy chuyển đổi số trong nông nghiệp có khó không? Theo anh Hoàng, khi nhắc đến chuyển đổi số, mọi người nghĩ rất to tát, nhưng thật ra hãy làm từ những điều gần gũi hằng ngày, như để biết được độ ẩm, độ pH, hay đất này có phù hợp với cây trồng không… thì chúng ta phải dùng công nghệ, thiết bị đo, để từ đó chúng ta biết mà canh tác một cách hài hòa, thân thiện với thiên nhiên. Song song đó, chúng ta có những nhật ký canh tác điện tử để tạo nên sự minh bạch về nguồn gốc của sản phẩm.

“Các nhà khoa học nói nhiều về Blockchain, nhưng chúng ta chưa cần phải đạt đến điều đó, chúng ta chỉ làm những điều gần gũi với việc canh tác như trên thì đã là một cách chuyển đổi số và tư duy sáng tạo trong ngành nông nghiệp rồi”, anh Hoàng nhìn nhận.

Điều đặc biệt, tại chương trình, bạn đọc đã hỏi anh Thiên Vũ về một nghề rất mới mà công ty anh đã tạo ra cho hơn 1.500 người trẻ tại các vùng nông thôn là nghề phi công nông nghiệp.

“Khi bạn vượt qua được vòng sát hạch các khóa đào tạo của công ty sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề và được ứng tuyển vào các đội bay, để lái máy bay và phục vụ cho bà con nông dân. Nhắc đến nghề phi công nông nghiệp thì nghe cũng rất là oách, và đó cũng là nguyện vọng của mình để nâng tầm nghề nông. Vì hiện tại việc làm nông được bạn trẻ chê là kém sang nên thanh niên thường lên phố và khu công nghiệp, dẫn đến thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vùng nông nghiệp”, chàng trai trẻ lý giải.

Hành trình nâng tầm nông nghiệp Việt của cả Thiên Vũ và anh Hoàng đều gặp rất nhiều gian nan bước đầu, thế nhưng cả hai chàng trai trẻ này đều rất quyết tâm.

Thiên Vũ nói: “Lúc đầu mình toàn bị nông dân mắng là: “Mấy đứa này mới học xong không biết gì về nông nghiệp mà cứ thích dạy và nói chuyện trên trời không à”, nhiều lúc cũng nản lắm. Nhưng yếu tố giúp mình vượt qua chính là niềm tin. Vì mình có niềm tin về sản phẩm, tin vào chính bản thân và tin vào cách triển khai của mình”.

Còn với anh Hoàng: “Phải có thất bại và khó khăn để rèn luyện bản lĩnh, từ đó mới có được những thành công bền vững, và từ những thành công đó mới có thể đóng góp được nhiều hơn cho xã hội”.