Người khuyết tật được một cơ sở tư vấn việc làm tại hội chợ – Ảnh: LÊ TRUNG
Chương trình do Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Nam tổ chức sáng 7-1 tại quảng trường 24/3, TP Tam Kỳ và là lần đầu tiên ở tỉnh có hội chợ việc làm dành riêng cho người khuyết tật.
Hoạt động thuộc dự án “Hòa nhập 1” được thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam giai đoạn 2022-2026 do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) thuộc Bộ Quốc phòng làm chủ dự án.
Hội chợ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, tăng cường cơ hội, nâng cao vị thế của người khuyết tật.
Xóa bỏ rào cản, tăng cường khả năng sống độc lập, thúc đẩy sự hòa nhập bình đẳng của người khuyết tật, tạo cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp.
Đồng thời sự kiện cũng tạo kết nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và người khuyết tật có nhu cầu việc làm.
Hội chợ có sự đồng hành của 23 đơn vị tuyển dụng, tuyển sinh, đào tạo nghề và hơn 270 người khuyết tật trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm việc.
Người khuyết tật tham gia hội chợ việc làm – Ảnh: LÊ TRUNG
Các đơn vị tham gia hội chợ việc làm có ngành nghề đa dạng từ ngành dệt may, linh kiện, gia công hàng may mặc, công nghệ thông tin cho tới công nghệ xanh, tiểu thủ công nghệ, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người khuyết tật.
Ông Trần Anh Tuấn – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết hiện nay ở tỉnh số lượng người khuyết tật rất lớn (hơn 61.000 người, trong độ tuổi lao động hơn 21.000 người). Điều này đặt ra cho đảng bộ, chính quyền, các cấp ngành trăn trở suy nghĩ tiếp tục nỗ lực hơn nữa tạo sinh kế cho lao động là người khuyết tật được tiếp cận với cơ hội việc làm.
“Hội chợ hôm nay diễn ra trong những ngày đầu năm mới là tiềm năng mới, cơ hội mới, hy vọng mới cho không riêng người khuyết tật mà cho cả chính quyền, cộng đồng và những ai quan tâm đến đời sống, sinh kế cho người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội. Tôi mong rằng tính toán tổ chức luân phiên định kỳ hội chợ hằng năm để tạo cơ hội việc làm lớn cho người khuyết tật” – ông Tuấn nói.
Ông Tuấn phát biểu tại hội chợ – Ảnh: LÊ TRUNG
Anh Trương Tấn Sanh (37 tuổi) cho hay thích thú bởi lần đầu tiên ở tỉnh có hội chợ, là cơ hội cho người khuyết tật tìm kiếm việc làm phù hợp. “Tôi mong muốn tìm được việc làm lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, máy tính” – anh Sanh nói.
Tại các gian hàng ở hội chợ, rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ người khuyết tật tìm việc.
Anh Lê Ngọc Đức, chủ cơ sở Đức Học Trầm, TP Tam Kỳ cho hay cơ sở mình chuyên về các sản phẩm trầm hương cao cấp, trong đó có xưởng tranh trầm hương, đây là dự án hướng tới xã hội, cộng đồng.
Tham gia hội chợ mong muốn là cơ hội tạo việc làm cho người khuyết tật, nhất là những bạn khiếm khuyết về cơ thể nhưng có năng khiếu về hội họa, mỹ thuật và chúng tôi muốn tuyển 3 người làm việc ở cơ sở tranh trầm hương” – anh Đức nói.
“Hội chợ việc làm là sự kiện ý nghĩa, thể hiện sự đoàn kết, sẻ chia, tinh thần trách nhiệm xã hội. Đây là dịp cùng nhau lan tỏa thông điệp về sự hòa nhập, khẳng định giá trị của người khuyết tật trong cộng đồng và tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp ý nghĩa cho họ” – bà Nguyễn Thị Lan Anh – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng chia sẻ.
Người khuyết tật tham gian các gian hàng tư vấn việc làm – Ảnh: LÊ TRUNG
Bà Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu tại sự kiện – Ảnh: LÊ TRUNG
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm – Ảnh: LÊ TRUNG
Anh Lê Ngọc Đức, chủ cơ sở Đức Học Trầm đến với hội chợ mong muốn sẽ tạo việc làm cho người khuyết tật – Ảnh: LÊ TRUNG