Người đang bị chấp hành án có được đóng bảo hiểm tự nguyện?

Một lao động trong công ty tôi vi phạm pháp luật, hiện đang bị chấp hành án. Mẹ của bạn đó muốn tiếp tục đóng bảo hiểm tự nguyện cho bạn để đảm bảo thời gian tham gia bảo hiểm xã hội sau này khi bạn chấp hành xong bản án.

Xin hỏi, mẹ bạn đó có thể tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện cho bạn đó được không? Mức đóng như thế nào? Sau này bạn ấy có được hưởng lương hưu hay không?

Trả lời:

Điều 27 Luật thi hành án hình sự năm 2019 về quyền lợi của phạm nhân như sau: ‘‘ Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.’’

Như vây, thì người đang thi hành án phạt tù sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.

Theo khoản 4 điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo khoản 2, Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội  2014, BHXH tự nguyện gồm có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, cụ thể:

– Hưởng lương hưu hàng tháng;

– Nhận trợ cấp một lần;

– Trợ cấp mai táng;

– Trợ cấp tuất một lần;

– Quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27.800.000 đồng).

Tại Khoản 1 Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bị tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khi thuộc một trong các trường hợp: Xuất cảnh trái phép; bị Tòa án tuyên bố là mất tích; có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, người đang chấp hành hình phạt tù thì được hưởng chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội.

Thu Hường