Người dân trắng tay sau 2 năm chặt keo tràm để trồng quế

Người dân trắng tay sau 2 năm chặt keo tràm để trồng quế

Ông Trần Thọ Liên (64 tuổi), cư dân thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền là một trong những hộ dân tham gia dự án trồng quế trên vùng gò đồi để phát triển kinh tế tại huyện Cam Lộ. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đầu tư công sức và tiền bạc, diện tích quế của ông Liên cũng như nhiều hộ dân khác đã chết dần.

Người dân trắng tay sau 2 năm chặt keo tràm để trồng quế - 1Nhiều hộ dân tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị tham gia trồng quế phát triển kinh tế với tổng diện tích hơn 127ha (Ảnh: Nhật Anh).

“Tôi có gần 1ha quế, lúc mới trồng, cây quế phát triển khá tốt, ai cũng vui, phấn khởi. Nhưng chỉ sau một đợt nắng nóng, cây bắt đầu chết. Chính quyền địa phương và đơn vị cung ứng đã cấp thêm cây giống để bà con trồng dặm, nhưng cây vẫn chết. Tôi còn giữ lại một số cây quế, chứ người dân trong vùng đã quay trở lại trồng keo rồi”, ông Liên chia sẻ.

Việc trồng quế tại huyện Cam Lộ được triển khai vào cuối năm 2021. Sau khi kiểm tra mẫu đất, khảo sát địa hình và khí hậu, đơn vị cung cấp cây giống cùng huyện Cam Lộ đã lên phương án trồng thử nghiệm cây quế, thay thế cho cây keo tràm tại một số xã trên địa bàn.

Sau khi tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và triển khai đưa người dân tham quan, khảo sát tại vùng quế tỉnh Yên Bái, cây giống được cung ứng về cho các hộ dân trồng thử nghiệm.

Người dân trắng tay sau 2 năm chặt keo tràm để trồng quế - 2Do thời tiết nắng nóng, cây quế đã bị chết (Ảnh: Nhật Anh).

Thời gian đầu, cây quế phát triển tốt, tuy nhiên sau đợt nắng nóng kéo dài vào năm 2023, những cây quế từ 7 tháng đến 1 năm tuổi bắt đầu héo úa. Toàn xã Cam Tuyền có hơn 35ha trồng quế, cuối năm 2023, 80% diện tích quế trên địa bàn đã bị chết và đến nay, diện tích quế ở địa phương này gần như không còn.

Theo một số hộ dân, vùng trồng quế là đất đồi núi, chưa có hệ thống tưới tiêu nên vào thời điểm nắng nóng, không cách nào cứu vãn, người dân bất lực nhìn cây chết dần. Trước tình trạng cây quế chết hàng loạt, nhiều hộ dân đã làm đơn gửi chính quyền xin quay trở lại trồng cây keo tràm.

Cũng như ông Liên, chị Nguyễn Thị Bông (50 tuổi), trú thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền là một trong những hộ dân tham gia dự án trồng quế. Gia đình chị Bông bỏ ra hơn 20 triệu đồng để thuê máy móc và nhân công trồng quế. Hiện diện tích quế của gia đình chị Bông đã chết hơn 90%.

“Quế là loại cây mang lại kinh tế cao, chúng tôi từng rất kỳ vọng vào dự án này, tuy nhiên thời tiết ở Quảng Trị quá khắc nghiệt, nắng nóng nên cây quế rất khó sống. Sau 2 năm trồng quế, gia đình tôi đã đầu tư nhiều công sức và tiền bạc nhưng đã mất trắng”, chị Bông chia sẻ.

Người dân trắng tay sau 2 năm chặt keo tràm để trồng quế - 3Sau 2 năm trồng quế, kết quả mang lại không như kỳ vọng của người dân (Ảnh: Nhật Anh).

Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, cho biết không chỉ tại xã Cam Tuyền mà tình trạng cây quế bị chết cũng xảy ra tại nhiều xã khác. Theo ông Linh, toàn huyện Cam Lộ có hơn 127ha trồng quế, cây giống được lấy từ tỉnh Yên Bái và Kon Tum.

Tính đến nay, huyện Cam Lộ chỉ còn khoảng hơn 8ha quế còn sống, số còn lại đã chết với tỷ lệ trên 70%. Với những diện tích trồng thí điểm cây quế thất bại, trước mắt huyện Cam Lộ sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi sang cây rừng gỗ lớn để phù hợp với điều kiện khí hậu.

“Cây quế có giá trị kinh tế cao, nên chúng tôi cùng với đơn vị cấp giống và người dân lên phương án trồng thử nghiệm. Việc cây quế chết như vậy không ai mong muốn, chúng tôi đang yêu cầu thống kê thiệt hại và có phương án hỗ trợ bà con”, ông Linh nói.