Người Đan Lai thoát nghèo

Người Đan Lai thoát nghèo

Do điều kiện cách biệt về địa lý, điều kiện lịch sử và một số tập tục lạc hậu, cuộc sống tộc người Đan Lai dựa vào rừng, chủ yếu là săn bắn, hái lượm và phát rừng làm rẫy. Giờ đây, tuy vẫn còn khó khăn, nhưng cuộc sống người Đan Lai có thay đổi đáng mừng. Đặc biệt, nhiều người đã vượt khỏi rừng sâu, đi xuất khẩu lao động.

Bản Cò Phạt và bản Búng nằm cạnh nhau. Từ trung tâm xã Môn Sơn vào hai bản này chưa đến 20 km, nhưng do đường sá đi lại khó khăn, nên phải mất hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi mới vào đến bản. So với vài năm trước, diện mạo nơi đây đổi khác trông thấy. Những ngôi nhà tranh, vách nứa trước đây dần biến mất, nhường chỗ cho những ngôi nhà mái ngói. Các con đường đã được cứng hóa bằng bê-tông; một số đoạn đang được thi công… Nhà ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt là điểm đến đầu tiên của chúng tôi. Lúc chúng tôi đến, chị La Thị Sài, con của ông đang ở nhà.

Trong căn nhà khang trang, mát mẻ, chị Sài cho biết: Năm 2016, được cán bộ xã và gia đình động viên, chị đăng ký đi Saudi Arabia theo hợp đồng giúp việc gia đình. Ngoài chị Sài, ở Môn Sơn còn có bốn người khác xuống thành phố Vinh để học ngôn ngữ và các kỹ năng giao tiếp, công việc, nhưng chỉ có chị xuất cảnh sang Saudi Arabia, những người khác đều bỏ cuộc giữa chừng vì sợ xa nhà, nhớ chồng, nhớ con.

“Lúc đăng ký đi tôi cũng sợ lắm, nhưng khi qua Saudi Arabia, được ông bà chủ giúp đỡ, chỉ dạy nên tôi cũng dần quen với công việc và được họ quý mến. Họ thường cho tôi gọi điện về Việt Nam để trò chuyện cùng gia đình. Đến ngày nhận lương, họ dẫn tôi đến ngân hàng, giúp làm thủ tục”, chị Sài kể. Chị cho biết thêm, do kinh phí đi xuất khẩu lao động được công ty trừ dần vào lương, nên mỗi tháng chị nhận được 9 triệu đồng gửi về cho bố mẹ. Đây là một số tiền rất lớn đối với người Đan Lai. Sau thời hạn hai năm theo hợp đồng và ở lại thêm một tháng nữa theo yêu cầu của chủ nhà, năm 2019 chị trở về Việt Nam. Với tiền lương khi làm việc ở nước ngoài, chị Sài có điều kiện nuôi các con ăn học, giúp bố mẹ sửa sang nhà cửa, mua trâu, bò để phát triển chăn nuôi. Chị dự định mở tiệm tạp hóa để kinh doanh…

Đến nay, bản Cò Phạt và bản Búng đã có 13 thanh niên ra nước ngoài làm việc, thu nhập ổn định. Đặc biệt, nhiều người đi làm ăn xa đã kết hôn với người ở các địa phương khác, giảm thiểu nguy cơ suy nhược giống nòi do nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Trong năm 2024, trên địa bàn xã có 45 người đi xuất khẩu lao động; trong đó có nhiều thanh niên người Đan Lai. Có bốn hộ gia đình người Đan Lai ở bản Cò Phạt và bản Búng vừa làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đây là những hộ thoát nghèo đầu tiên của cộng đồng người Đan Lai ở vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát.

Bà Vi Thị Nguyệt, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Con Cuông chia sẻ: Trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát quản lý đang có 230 hộ gia đình người Đan Lai, với hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống tại bản Cò Phạt và bản Búng (xã Môn Sơn). Do nguồn kinh phí được cấp để thực hiện các dự án tái định cư có hạn nên địa phương chủ trương ổn định đời sống tại chỗ cho các hộ dân. Cùng với ưu tiên nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện chủ trương khuyến khích người dân đi làm ăn ở các địa phương khác, xuất khẩu lao động để mở mang tầm mắt, nâng cao thu nhập, nhất là đối tượng thanh niên.

Phòng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp được cấp phép tuyển chọn lao động triển khai các buổi tuyên truyền, tư vấn và giới thiệu việc làm; phổ biến và giải thích rõ về các chính sách xuất khẩu lao động, chính sách hỗ trợ vốn, thông tin thị trường,… Nhờ đó, ngày càng có nhiều thanh niên Đan Lai mạnh dạn đăng ký đi xuất khẩu lao động. “So với các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn, lượng người Đan Lai đi xuất khẩu lao động còn khiêm tốn. Tuy nhiên, đây là tín hiệu rất đáng mừng, mở ra một tương lai, tốt đẹp hơn đối với cộng đồng người Đan Lai”, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Con Cuông nhấn mạnh.