Quảng NgãiCho rằng 2 năm tù treo đối với Phan Thượng Mỹ – người đánh nam sinh lớp 9 gục giữa đường, là không đủ răn đe, tòa phúc thẩm chuyển thành án tù giam.
Ngày 30/8, phán quyết đối với bị cáo Mỹ về tội Cố ý gây thương tích được TAND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra, sau khi chấp nhận kháng cáo của gia đình nam sinh lớp 9.
Theo HĐXX, thời điểm xảy ra vụ án bị hại 14 tuổi, là trẻ em; trong khi Mỹ là người trưởng thành, có hiểu biết pháp luật. Bị cáo thực hiện hành vi đánh cháu đến mức chảy máu mũi, đã thể hiện tính côn đồ, xem thường sức khỏe người khác, đặc biệt là trẻ em.
“Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo được hưởng án treo là chưa đánh giá hết tính chất, mức độ hành vi phạm tội, chưa thể hiện tính răn đe”, HĐXX nêu lý do chấp nhận kháng cáo của gia đình cháu Tốn – tuyên áp dụng hình phạt tù với bị cáo Mỹ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bị cáo Phan Thượng Mỹ sau khi kết thúc phiên tòa. Ảnh: Phạm Linh
Theo nội dung vụ án, trưa 8/12/2023, Mỹ chạy xe máy theo cháu Tốn (14 tuổi, bạn cùng lớp của con) trên đường từ trường về nhà, để “hỏi tội” đã giấu máy tính của con mình. Đến ngã tư Đá Sơn – Hưng Nguyên, thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, ông này nói chuyện qua lại với nam sinh, sau đó đánh, đá nhiều lần vào mặt, vai gáy của cậu bé.
Nam sinh phản kháng nhưng không trúng, bị cáo tiếp tục đánh trên đầu, lôi tóc, lên gối… Nạn nhân chảy máu mũi, gục xuống đường, được người dân đưa đi cấp cứu, rồi báo cho gia đình.
Kết quả giám định cho thấy nam sinh bị thương tích 12%, trong đó sẹo vùng má phải 3% và gãy mõm trán xương hàm trên 9%.
Bản án sơ thẩm ngày 28/5 đã tuyên phạt ông Mỹ 2 năm tù nhưng được hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm. Không đồng ý với phán quyết này vì “chưa đủ tính nghiêm minh”, ông Lâm Văn Lượng (cha của cháu Tốn) kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm hôm nay, ông Lượng nói, giữa các con chỉ có mâu thuẫn nhỏ, nhưng bị cáo Mỹ đã không phối hợp với gia đình và nhà trường giải quyết, mà lại đón đường đánh cháu Tốn. “Người lớn như vậy mà đánh một đứa trẻ khác trước mặt con mình, là mang tính côn đồ. Nếu không có ai chở con tôi đi cấp cứu thì hậu quả sẽ nặng nề”, ông Lượng nêu quan điểm, cho biết đến nay con trai vẫn còn đau đầu mỗi khi chuyển trời, tinh thần hoang mang ảnh hưởng tới việc học.
Trả lời tòa, bị cáo Mỹ khai, lúc đó con trai về nhà kể bị bạn gây áp lực trong lớp và giấu máy tính, nên muốn gặp “nói chuyện”. Nhưng khi lời qua tiếng lại với cháu Tốn, ông ta đã nóng giận, không kìm chế được bản thân.
Mỹ cho biết, khi cháu Tốn nhập viện đã cùng vợ đến thăm, nhờ bác sĩ chăm sóc. Tuy nhiên, theo ông Lượng, lúc đến thăm gia đình bị cáo vẫn khăng khăng cháu Tốn mới là người sai.
HĐXX làm rõ bối cảnh thực hiện hành vi, Mỹ thừa nhận cháu Tốn đã trả lại máy tính cho con mình 2 ngày trước đó. Còn trong hồ sơ vụ án thể hiện “máy tính do một bạn khác giấu”, Tốn chỉ lấy để trả lại cho con ông Mỹ. “Bị cáo biết con mình mà quên con người khác. Con bị cáo là lá ngọc cành vàng thì con họ cũng là lá ngọc cành vàng”, thẩm phán nói, thêm rằng không thể chấp nhận cái cách Mỹ đã đánh cháu Tốn “như đánh kẻ thù”.
Bị cáo cúi đầu, gửi lời xin lỗi, mong được gia đình cháu Tốn tha thứ, để tiếp tục được hưởng án treo, làm việc nuôi con.
Nêu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, song bị cáo đã thật thà khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả, lần đầu phạm tội, gia đình phía vợ có công cách mạng… Do vậy, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 2 năm tù treo là có căn cứ, đề nghị tòa bác kháng cáo của gia đình bị hại.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Quảng Ngãi không cùng quan điểm với VKS.
Phạm Linh
* Tên nam sinh đã thay đổi