Tình trạng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam
Từ năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã chững lại
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã chững lại từ năm 2020 đến nay, nguồn cung hạn chế, lượng giao dịch giảm sút. Thời điểm hiện tại, phân khúc này vẫn chưa thể “rã băng” do nhiều nguyên nhân.
Bất động sản nghỉ dưỡng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể phục hồi. Ảnh minh hoạ
Nguyên nhân của tình trạng này
Nguyên nhân của tình trạng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chững lại, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trước hết là do việc triển khai đầu tư dự án bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, vấn đề chưa đồng bộ, còn chồng chéo dẫn tới việc ra quyết định đầu tư còn có nhiều thận trọng.
Thứ hai về trình tự thủ tục đầu tư có nhiều thủ tục phải qua rất nhiều thời gian, như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh đầu tư, nhất là những dự án có thời gian kéo dài gây ảnh hưởng đến tạo nguồn cung trong thời gian qua.
Giải pháp “hồi sinh” bất động sản nghỉ dưỡng
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao, sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để hồi sinh loại hình condotel, nhà nước cần sớm lấp đầy khoảng trống pháp lý cho người mua, quy định ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm rõ ràng của chủ đầu tư, khách mua, đơn vị quản lý.
Cùng với đó, các chủ đầu tư cần chú trọng vào việc quy hoạch và phát triển dự án, bảo vệ, tôn trọng cảnh quan tự nhiên. Đồng thời, cần nỗ lực để thích nghi với các xu hướng mới, đem tới những trải nghiệm mới, sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, đôn đốc địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó đã ban hành nhiều giải pháp, nhiều biện pháp triển khai thực hiện đến nay có nhiều kết quả. Đại diện Bộ Xây dựng tin rằng, thời gian tới đây, thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng sẽ có nhiều khởi sắc, nhất là sau khi hệ thống pháp luật đã được tháo gỡ, nhiều dự án bất động sản sẽ được triển khai chất lượng, tiến độ đáp ứng yêu cầu, phát triển trong giai đoạn tới.