Sáng 27/12, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực
2024 khép lại với nhận định chung, thể chế thị trường lao động tiếp tục được hoàn thiện, phát triển nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Cụ thể trong năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế – xã hội.
Cùng với đó, Bộ chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường lao động trên toàn quốc, đặc biệt là tình hình thiếu hụt lao động tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn để kịp thời có giải pháp cung ứng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Thị trường lao động phát triển (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Các giải pháp kết nối cung – cầu, nhất là kết nối thông tin về lao động – việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm được đẩy mạnh.
Các phiên giao dịch việc làm, giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm được chú trọng. Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm được sắp xếp, tổ chức lại để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế của đất nước.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm năm 2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19. Tính chung 9 tháng đầu năm, lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210.600 người so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực với ước tính cả năm đưa khoảng 150.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 120% kế hoạch.
Ước thực hiện năm 2024 đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 28,1%;
An sinh xã hội đảm bảo
Bộ LĐ-TB&XH Tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bộ cũng kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng (theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7%.
Các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch. Tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 16/12 đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1,074 triệu người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ tổ chức Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Chương trình đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và số kinh phí đã huy động được tại Chương trình là trên 5.000 tỷ đồng.
Phấn đấu đến hết năm 2025 xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước, về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra.
Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26% (giảm khoảng 5%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5% (giảm trên 3%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Căn nhà rộng 100m2, trị giá 340 triệu đồng do độc giả báo Dân trí, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An và các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ, xây tặng gia đình (Ảnh: Hoàng Lam).
Bên cạnh đó, có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 1 huyện nghèo thoát nghèo.
Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.
Đặc biệt, Bộ cũng triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nhưng vẫn dành ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội, trợ giúp xã hội.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP, Nghị định số 110/2024/NĐ-CP. Hiện nay, cả nước thực hiện trợ cấp xã hội cho hơn 3,8 triệu người với tổng ngân sách chi trả trợ cấp xã hội khoảng 32.000 tỷ/năm.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, chính sách trợ giúp xã hội được mở rộng về đối tượng, tăng mức hưởng, thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả. Quy trình và công tác xác định đối tượng được hoàn thiện, tổ chức triển khai minh bạch, có sự tham gia của các cấp chính quyền và người dân.