Các bạn học sinh xứ Huế tham dự, đặt câu hỏi liên quan đến các ngành học “hot” ở Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP Huế sáng 11-1 – Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Tại Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2025 sáng 11-1 ở TP Huế, thí sinh đặc biệt quan tâm cơ hội việc làm các ngành như y tế, công nghệ thông tin, du lịch… khi TP Huế vừa trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Đừng chọn ngành học “hot”, hãy chọn ngành phù hợp
Từ sáng sớm 11-1, hàng nghìn học sinh từ các trường THPT tại Huế đã có mặt tại Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2025 do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Sở Giáo dục và Đào tạo TP Huế và Thành Đoàn Huế phối hợp tổ chức tại Trường THPT chuyên Quốc học Huế.
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã thông tin đến học sinh những điểm mới trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025.
Theo ông Dũng, kỳ thi năm nay là một kỳ thi đặc biệt khi lần đầu tiên diễn ra với khối lượng kiến thức của chương trình giáo dục mới. Quy chế thi THPT và quy chế tuyển sinh ở các cơ sở đào tạo đại học cũng sẽ có những điểm mới để phù hợp với nội dung chương trình.
Ông Dũng cho biết phương thức tuyển sinh năm nay không có gì thay đổi so với năm 2024. Với phương thức sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, đến thời điểm này dự thảo cơ bản về định hướng chung sẽ gồm tối thiểu 3 môn, trong đó yêu cầu bắt buộc phải có môn văn và môn toán.
Ban tư vấn tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp ở TP Huế – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nhiều học sinh ở Huế đặt câu hỏi “ngành học nào có tính ứng dụng” hiện nay. TS Nguyễn Đức Quận, phó trưởng ban đào tạo và đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng, chia sẻ hiện nay các ngành được nhắc đến nhiều như thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ logistics, du lịch, sức khỏe, thương mại điện tử, sư phạm…
Đây là những ngành học sinh rất quan tâm. Tuy nhiên, theo ông Quận, chọn ngành học nào phải xem mình có đam mê và yêu thích không.
“Không chọn ngành mà mình không đam mê, yêu thích. Đừng chọn ngành hot, ngành xu hướng nhưng khả năng khi vào học lại bị đuối và không theo hết được chương trình. Vì vậy nên lựa chọn theo khả năng và đam mê để đáp ứng việc học và phát triển ngành nghề tốt nhất sau này”, ông Quận khuyên.
Trong khi đó TS Lê Văn Tường Lân, trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên, Đại học Huế, khẳng định không có ngành “hot”, chỉ có ngành phù hợp.
Bạn Nguyễn Phương Vi, học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP Huế) hỏi ban tư vấn về việc chọn ngành nghề – Ảnh: ĐOÀN NHẠN
“Một ngành có thể phù hợp với rất nhiều người nhưng không phù hợp với mình thì không nên chọn. Sự dịch chuyển ngành nghề là có, ví dụ trước đây khoảng 5 năm, đi đâu cũng nghe ngành công nghệ thông tin, số lượng tuyển sinh rất lớn.
Đến nay nổi lên các ngành khoa học sức khỏe, du lịch, kinh tế, kỹ thuật công nghệ, đặc biệt các ngành liên ngành… Tuy nhiên mấu chốt các em cần chọn ngành, chọn trường phù hợp với mình”, ông Lân nói.
Ông Lân cho biết thêm trong các yếu tố thể hiện sự “phù hợp”, cần chú ý đến khả năng kinh tế gia đình để tránh việc chọn ngành, chọn trường không phù hợp với kinh tế, khó theo được hết chương trình học.
Ngành nào miền Trung đang cần nhân lực?
TS Lê Văn Tường Lân, trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên, Đại học Huế – Ảnh: NHẬT LINH
Tại chương trình, bạn Nguyễn Thị Mỹ Nhung, học sinh Trường THPT Hương Thủy, đặt câu hỏi: “Với xu thế phát triển của Huế hiện tại, có những nhóm ngành nào thiếu hụt nhân lực trong tương lai?”.
TS Lê Văn Tường Lân, trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên, Đại học Huế, cho biết một trong những ngành tỉnh và Đại học Huế đang có lộ trình đào tạo là vi mạch bán dẫn. Cùng đó là các ngành về lĩnh vực sức khỏe vốn thiếu nhân lực; các ngành về phát triển kinh tế, pháp luật… Cạnh đó là các nhóm ngành cơ bản khác.
Ông Lân lưu ý trong các nhóm ngành trên, thí sinh cần chọn lĩnh vực phù hợp cho mình.
Ngoài được tư vấn chuyên sâu, các bạn học sinh xứ Huế còn được tham gia những trò chơi thú vị tại gian tư vấn của các trường – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, hiệu trưởng Trường đại học Y – Dược, Đại Học Huế, cũng chia sẻ thêm hai góc độ từ khối ngành khoa học sức khỏe và khoa học xã hội nhân văn.
Ông Huy cho rằng Huế hiện đang có những ưu thế về mặt y tế, du lịch. Thế giới cũng đang có xu hướng kết hợp du lịch y tế, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch và chăm sóc sức khỏe.
“Hiện Huế đang rất thiếu nhân sự y tế, đặc biệt khối điều dưỡng. Khối điều dưỡng có chương trình đào tạo ngắn, chỉ 4 năm, yêu cầu cũng không quá cao như ngành y. Đây là lĩnh vực có thể xem xét.
Đặc biệt, ngoài làm việc trong nước, khối ngành kỹ thuật và điều dưỡng còn có cơ hội ra nước ngoài làm việc”, ông Huy nói.