Để ngăn chặn hiệu quả việc mua bán, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, bên cạnh phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý; ngành Thuế cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phân loại doanh nghiệp, nhận diện rủi ro, ngăn chặn, tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Hỗ trợ, giải quyết các thủ tục thuế trực tuyến tại Cục Thuế thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang
Thất thu ngân sách, ảnh hưởng môi trường kinh doanh
Theo Tổng cục Thuế, một bộ phận cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hành chính đã thành lập doanh nghiệp, sau đó bán hóa đơn khống nhằm thu lợi bất chính. Trong khi đó, doanh nghiệp, đơn vị mua sẽ sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, từ đó giảm số thuế phải nộp ngân sách, tăng số thuế được hoàn. Hóa đơn bất hợp pháp này còn được sử dụng để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hàng lậu, hay lập khống chi phí phát sinh để tham ô, giảm thu nhập chịu thuế…
Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán hóa đơn. Điển hình như Công an quận 10, thành phố Hồ Chí Minh đã điều tra, bắt giữ N.X.V (47 tuổi, cư trú tại phường 13, quận 10) cùng 5 đồng phạm, thành lập 26 công ty “ma” nhằm mua bán hóa đơn giá trị gia tăng.
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án ”Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” xảy ra tại Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty TNHH Thiết bị y tế Danh, Công ty TNHH Thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan. Trong vụ án này, hành vi sai phạm được xác định kéo dài từ năm 2017 đến năm 2022, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 743 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh. Vì vậy, tình trạng này cần được ngăn chặn triệt để.
Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành Thuế đã áp dụng nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng gian lận trong sử dụng hóa đơn. Từ khi áp dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế đã lưu trữ dữ liệu hóa đơn cùng các thông tin khác của cá nhân, đơn vị, từ đó xây dựng công cụ hỗ trợ phân loại, nhân diện người nộp thuế có rủi ro về thuế, hóa đơn, kịp thời đưa ra cảnh báo và có biện pháp quản lý phù hợp.
Đáng chú ý, từ ngày 5-4-2024, Tổng cục Thuế đã nâng cấp chức năng cảnh báo sử dụng hóa đơn trên ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử. Ứng dụng sẽ phân tích dữ liệu, đưa ra danh sách các trường hợp thuộc diện giám sát theo ngành nghề trọng điểm. Hệ thống còn đồng bộ dữ liệu từ đăng ký thuế, tờ khai thuế, báo cáo tài chính và các nguồn khác để tính toán và đưa ra danh sách thuộc diện cảnh báo sử dụng hóa đơn. Tiếp đến, từ ngày 15-5-2024, ứng dụng gửi email thông báo tự động đến cá nhân, đơn vị thuộc danh sách cảnh báo khi có phát sinh hóa đơn trong ngày.
Kết quả rà soát từ ứng dụng trên đã có 49.332 người nộp thuế thuộc danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn. Cơ quan thuế đã ra thông báo doanh nghiệp rủi ro, dừng sử dụng hóa đơn, cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn đối với 264 trường hợp. Qua xử lý, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ 182 trường hợp sang cơ quan điều tra; đưa 64 trường hợp vào kế hoạch thanh tra kiểm tra; 19 trường hợp đã ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế phối hợp với công an, hải quan, ngân hàng… truy vết trường hợp có dấu hiệu mua, bán hóa đơn; công khai danh sách doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Đồng thời, ngành Thuế tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ.
Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) Nguyễn Tiến Trung cho biết, để ngăn chặn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, cơ quan thuế sẽ tiếp tục rà soát thông tin rao bán hóa đơn điện tử trên mạng, thu thập thông tin của tổ chức, cá nhân bán trái phép hóa đơn, truy xuất nguồn gốc hóa đơn rao bán (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại…).
Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ xử lý nghiêm công chức thiếu trách nhiệm, lơ là, bỏ sót công việc; làm ngơ, tiếp tay, tham gia vào hoạt động mua, bán, gian lận về hóa đơn điện tử. Tổng cục Thuế cũng trình Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ hoàn thiện chính sách theo hướng quy định chặt chẽ hơn đối với tổ chức, cá nhân đăng ký thông tin sử dụng hóa đơn điện tử để có thể đối chiếu với thông tin định danh…
Theo Tổng cục Thuế, quan điểm của ngành Thuế là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chủ động phối hợp với cơ quan điều tra hoặc chuyển hồ sơ xử lý theo quy định đối với trường hợp có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước.