Vợ chồng tôi có 2 người con gái. Tài sản chúng tôi hiện có gồm 02 căn nhà và một khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Thấy tuổi tác cũng đã cao, hơn nữa lại rất tin tưởng con cái nên vợ chồng chúng tôi đã ký hợp đồng tặng cho người con gái
lớn là 01 căn nhà. Tuy nhiên, sau khi sang tên nhà cho con gái lớn được một thời gian thì giữa vợ chồng tôi với người con gái phát sinh mâu thuẫn, con gái tôi đối xử tệ bạc với vợ chồng tôi. Tôi muốn biết là tôi có thể đòi lại căn nhà đã tặng cho con gái không? 3
Trả lời:
– Điều 457 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng tặng cho tài sản như sau: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận”.
– Điều 459 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định tặng cho bất động sản
“1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”.
– Điều 462 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định tặng cho tài sản có điều kiện như sau:
“1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Theo quy định thì Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Mặt khác, tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật (Điều 457 BLDS).
Ngoài ra, Điều 459 quy định cụ thể về hợp đồng tặng cho bất động sản như sau: Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. Về bản chất, nếu hợp đồng tặng cho bất động sản đã được công chứng, chứng thực và làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu thì quyền sở hữu lúc này thuộc về người được tặng cho. Do đó trong trường hợp này, ông/bà không được quyền đòi lại căn nhà đã tặng cho con.
Tuy nhiên, Điều 462 BLDS có quy định về tặng cho tài sản có điều kiện. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo đó, nếu trong quá trình làm hợp đồng tặng cho giữa ông/bà và con có ghi rõ nội dung điều kiện trong hợp đồng tặng cho và con ông/bà không thực hiện điều kiện đã ghi trong hợp đồng thì ông/bà có thể khởi kiện ra tòa để đề nghị giải quyết việc đòi lại căn nhà đã tặng cho.
Như Quỳnh
Đỗ Như Quỳnh