Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai với nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của các tầng lớp nhân dân; ngăn chặn, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh phối hợp với Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh, Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên thông qua phiên tòa giả định. Ảnh: Trà Hương
Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên, mới đây, Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh phối hợp với Chi đoàn Tòa án nhân dân tỉnh, Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc tổ chức phiên tòa giả định dưới hình thức sân khấu hóa.
Với chủ đề “An toàn giao thông – Hạnh phúc của mọi nhà”, chương trình đã tái hiện một phiên tòa công khai xét xử vụ án vi phạm an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Quy trình, diễn biến phiên tòa giả định được diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tại phiên tòa giả định, Hội đồng xét xử tập trung phân tích rõ nguyên nhân phạm tội, hành vi, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông… Qua đó giúp đoàn viên, thanh niên dễ tiếp thu, nắm bắt nội dung và củng cố kiến thức pháp luật khi trực tiếp được chứng kiến toàn bộ quá trình xét xử; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông để phòng ngừa các hành vi vi phạm.
Sau khi kết thúc phiên tòa, Ban Tổ chức đặt ra các câu hỏi liên quan đến vụ án, quy định về an toàn giao thông, giúp tăng tính tương tác, hiệu quả của buổi tuyên truyền.
Chia sẻ sau khi tham dự phiên tòa giả định, em Nguyễn Văn Nam, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc cho biết: “Phiên tòa giả định tái hiện sinh động trình tự tố tụng một phiên tòa và nêu bật được nội dung tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông. Theo dõi phiên tòa giúp em hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông”.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, có tác động đến hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế – xã hội.
Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp trong tỉnh thường xuyên được kiện toàn, ban hành các văn bản hướng dẫn định hướng nội dung, hình thức PBGDPL; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời nắm bắt thực trạng công tác tuyên truyền, PBGDPL và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh nguồn ngân sách của tỉnh, nhiều sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đã quan tâm bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch tuyên truyền khác.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên cơ sở được quan tâm củng cố, kiện toàn; thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL trong tình hình mới. Hiện, toàn tỉnh có 268 báo cáo viên pháp luật, hơn 2.500 tuyên truyền viên pháp luật và hơn 7.000 hòa giải viên cơ sở.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua được triển khai với nhiều đổi mới, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, trọng tâm, trọng điểm.
Hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng như thông qua các hội nghị trực tiếp hoặc trực tuyến tuyên truyền pháp luật; qua các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật; biên soạn phát hành tài liệu; xây dựng các bản tin, chương trình, phóng sự pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản của các luật mới dưới hình thức hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật, câu chuyện pháp luật…
Nội dung tuyên truyền PBGDPL được lựa chọn phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền PBGDPL phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận; phổ biến các quy định mới, chính sách mới; các quy định của pháp luật về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, chế độ chính sách đối với người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội…
Qua đó góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và năng lực pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền PBGDPL phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị nhằm góp phần lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong xã hội; nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân, đề cao giá trị pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng thái độ xử sự đúng pháp luật, tuân theo Hiến pháp và pháp luật.
Cùng với các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, để đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, PBGDPL, các cấp, ngành, địa phương trên toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến pháp luật; tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc tiếp cận, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là các văn bản pháp luật mới; vận hành hiệu quả các trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội để PBGDPL.
Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phố biến, giáo dục pháp luật; củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở đảm bảo cả về số lượng và chất lượng…
Lê Mơ