Nâng cao giá trị kinh tế nhờ mô hình liên kết các hợp tác xã

Nâng cao giá trị kinh tế nhờ mô hình liên kết các hợp tác xã

Biên phòng – Xu hướng chung của nền nông nghiệp ở nước ta hiện nay là kinh tế tập thể, hợp tác liên kết, hợp tác xã (HTX). Việc hình thành các chuỗi liên kết HTX giúp nâng cao được giá trị nông sản, thúc đẩy kinh tế. Để giúp nông nghiệp phát triển bền vững, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã khuyến khích, đẩy mạnh và phát triển các mô hình kinh tế tập thể dưới nhiều hình thức, nhằm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kinh tế.


Liên kết các HTX để trồng nấm linh chi được hiệu quả. Ảnh: Thúy Hạnh

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể được xác định nhất quán và xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng, nhất là kinh tế HTX. Qua thực hiện hiệu quả Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về liên kết sản xuất, cùng với các văn bản cụ thể hóa của tỉnh, tập trung các chính sách vào HTX.

Ngành Nông nghiệp đang hướng tới hình thành các HTX điểm ở mỗi địa phương về tổ chức sản xuất và liên kết với doanh nghiệp để nhân rộng. Tiêu biểu là HTX nông nghiệp Tân Hợp – một trong những đơn vị được đánh giá là đi đầu trong hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Thành lập năm 2019, HTX khi ấy chỉ có 7 thành viên, đến nay đã lên tới 30 thành viên.

Thay đổi tư duy nông nghiệp, người dân được tư vấn về chuyển đổi cây trồng phù hợp. Qua thời gian trồng thí điểm chanh leo tại huyện Hướng Hóa, kết quả cho thấy, cây chanh leo rất phù hợp vùng đất của địa phương. Cây phát triển tốt, năng suất ước đạt trên 18 tấn/ha, có nơi đạt trên 20 tấn/ha. Hoạt động chủ yếu từ mô hình chanh leo có liên kết với thị trường. Năm 2024, sản lượng chanh leo thu mua liên kết cho các hộ dân, khoảng trên 1.000 tấn. Lúc được giá, chanh leo đạt trên 23 nghìn đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng. Tính bình quân, 1ha chanh leo đem lại thu nhập trên 250 triệu đồng mỗi năm. Thấy hiệu quả nên cây chanh leo được người dân mở rộng diện tích trồng, đến nay, tổng diện tích chanh leo ở Hướng Hóa lên đến 42ha. Xác định được hiệu quả đem lại cho hộ dân trên mô hình chanh leo, hiện nay, HTX đã liên kết được với hơn 30 hộ dân để bao tiêu đầu ra cho bà con.

Bà Lê Thị Huệ, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hợp nói: “Sắp tới, xã chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển vùng trồng nguyên liệu cây chanh leo để đảm bảo đầu ra của mình. Nếu làm tốt thì chúng tôi vẫn làm thêm chanh hữu cơ để xuất khẩu đi các nước châu Âu hoặc Trung Quốc”.

Rõ ràng, việc tạo điều kiện cho người lao động có thêm việc làm đã góp phần nâng cao thu nhập từ hoạt động lĩnh vực kinh tế tập thể. Tổ hợp tác trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa cũng đã thu hút được nhiều thành viên tham gia và có ý thức được trong canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm, có lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, có một số HTX như HTX nông sản Khe Sanh, người dân làm thành viên, đã xây dựng và phát triển mô hình cà phê sạch có liên kết, với mục tiêu là nâng cao giá trị nông sản chủ lực và có tính bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, ổn định tại chính địa phương mình.

Ông Lê Phước Hiệp, Giám đốc HTX Hiệp Phát, huyện Hướng Hóa bày tỏ: “HTX Hiệp Phát và HTX Chân Mây đã có sự liên kết, gắn bó từ lâu. Từ khi phối hợp cùng nhau trồng nấm linh chi cho tới nay, chúng tôi cũng đang tiếp tục mô hình phát triển cây măng tứ quý được liên kết giữa HTX Hiệp Phát và HTX Chân Mây. Hiệp Phát thì có quỹ đất trồng, còn Chân Mây thì cung cấp cây giống. Hai bên cùng nhau hợp tác để làm thí điểm mô hình này”.


Cây chanh leo đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân huyện Hướng Hóa. Ảnh: Thúy Hạnh

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho biết: “Qua gần 4 năm triển khai thí điểm, kết quả bước đầu của mô hình chanh leo đã được khẳng định tại Hướng Hóa. Đặc biệt, mô hình này đã góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các thành viên tham gia vào các HTX, đó là một số cây trồng chủ lực của huyện như cà phê, chuối, chanh leo và một số sản phẩm chăn nuôi. Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra cho sản phẩm chanh leo ở địa phương”.

Việc hỗ trợ về kỹ thuật trong trồng và chăm sóc các sản phẩm nông nghiệp cũng đang là nhu cầu mà các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Hướng Hóa rất cần để phát triển. Hay như những vấn đề chuyển đổi trong phát triển HTX cũng là một vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên HTX.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương: “Việc đẩy mạnh sản xuất cũng như thương mại khu vực miền núi, hải đảo rất cần có những sáng tạo hơn nữa. Đặc biệt là sự kết nối giữa vai trò các cơ quan của Trung ương với các Sở Công thương, chính quyền địa phương kết nối, tổ chức được hệ thống thương mại văn minh, hiện đại. Cùng với đó, cần có những phương thức mới hơn nữa trong tiêu thị hàng hóa. Đồng thời, cần tăng cường sự kết nối giữa các hệ thống phân phối lớn, doanh nghiệp có thế mạnh của Việt Nam với các hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ của các địa phương. Ngoài ra, để phát triển thương mại miền núi, cần phải có sự phát triển về hạ tầng thương mại và các dịch vụ đi kèm như: tài chính, các dịch vụ logistics, công nghệ thông tin, nhiều dịch vụ khác… “.

Để hướng tới giúp HTX tạo ra sự khác biệt, từ mô hình liên kết các HTX, nâng cao giá trị cho nông sản, thúc đẩy kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, rất cần sự chung tay của các Bộ, ngành để góp phần tạo ra sự phát triển đồng bộ, đột phá về cơ chế, chính sách, thúc đẩy thương mại vùng miền núi, dân tộc thiểu số như huyện Hướng Hóa ngày càng phát triển, khởi sắc hơn.

Thúy Hạnh