Nâng cao chất lượng xét xử từ những phiên toà rút kinh nghiệm

Nâng cao chất lượng xét xử từ những phiên toà rút kinh nghiệm

Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử… là bước đột phá của hoạt động tư pháp”.

Theo đó, hệ thống TAND đang đổi mới tổ chức phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Trong đó, yêu cầu phiên tòa rút kinh nghiệm phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, thiết thực, có hiệu quả và đúng luật định đối với tất cả các loại án.

Trong năm 2024, TAND hai cấp tỉnh Cà Mau tổ chức 162 phiên tòa rút kinh nghiệm liên quan đến án hình sự, án dân sự… Tại các phiên tòa rút kinh nghiệm, Thẩm phán bám sát kế hoạch, chuẩn bị nội dung theo hướng dẫn của TANDTC.

Các phiên tòa diễn ra đúng quy định của pháp luật, đáp ứng đúng tinh thần cải cách tư pháp. Chủ tọa phiên tòa có kỹ năng điều hành tốt, tạo điều kiện để kiểm sát viên, luật sư, bị cáo thực hiện quyền của mình. Kết quả tranh tụng tại phiên tòa được coi trọng, việc áp dụng pháp luật có căn cứ, bản án tuyên đúng người, đúng tội, không oan, sai, không bỏ lọt tội phạm.

Sau khi kết thúc phiên tòa, lãnh đạo TAND tỉnh, huyện và VKSND cùng cấp tổ chức rút kinh nghiệm với tinh thần nghiêm túc và cầu thị nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế. Đối với những người tham dự, thông qua phiên tòa và cuộc họp rút kinh nghiệm tích lũy được bài học phục vụ thiết thực cho hoạt động xét xử.

Cụ thể, ngày 25 và 28/10/2024, TAND huyện Phú Tân đã mở phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án dân sự giữa nguyên đơn bà Lương Hồng U và bị đơn ông Lương Văn T. về tranh chấp quyền sử dụng đất. Trên cơ sở tài liệu và chứng cứ, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, quyết định công nhận quyền sử dụng đất thuộc về bà U.

z6079609583746_0945ae7a0b6c3163cb73bd1be7d5ba25.jpgMột phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm của TAND tỉnh Cà Mau

Sau phiên tòa, buổi họp rút kinh nghiệm diễn ra sôi nổi, các Thẩm phán và Thư ký đã có cơ hội học hỏi từ những sai sót, tích lũy thêm kỹ năng xét xử. Buổi họp này không chỉ giúp các Thẩm phán và Thư ký nhận diện những hạn chế trong cách xử lý vụ án mà còn là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng xét xử. Đây là minh chứng cho thấy, các phiên tòa rút kinh nghiệm không chỉ giải quyết các tranh chấp, mà còn góp phần đào tạo thực tế cho đội ngũ cán bộ tư pháp.

Trong lĩnh vực hình sự, ngày 25/9/2024, TAND huyện U Minh đã tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án Châu Văn Toàn bị truy tố về tội “Hủy hoại tài sản”. Phiên tòa được kết nối trực tuyến từ điểm cầu trung tâm đến các điểm cầu tại TAND hai cấp của tỉnh Cà Mau, mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao tính minh bạch.

Tại phiên tòa, HĐXX đã xem xét toàn diện các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đồng thời xử lý đúng theo quy định pháp luật với từng bị cáo. Buổi họp rút kinh nghiệm sau đó đã nhấn mạnh vai trò của việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến, không chỉ mở rộng cơ hội học tập kinh nghiệm cho cán bộ tại các điểm cầu mà còn giảm thiểu chi phí, thời gian di chuyển, đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong xét xử.

Tương tự, TAND huyện Đầm Dơi vào ngày 4/9/2024 cũng tổ chức một phiên tòa rút kinh nghiệm liên quan đến vụ tranh chấp quyền sử dụng đất. Đây là phiên tòa được tổ chức trực tuyến đến 9 điểm cầu thuộc TAND hai cấp tỉnh Cà Mau, tạo điều kiện để nhiều cán bộ tư pháp theo dõi, học hỏi.

Thẩm phán chủ tọa đã chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc nghiên cứu nội dung vụ án đến điều hành phiên tòa. Các luật sư và trợ giúp viên pháp lý đã thể hiện vai trò tranh tụng, góp phần nâng cao chất lượng xét xử. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tòa án và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của thẩm phán, phiên tòa diễn ra nghiêm túc, đúng trình tự thủ tục. Sau phiên tòa, buổi họp rút kinh nghiệm tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như vai trò của công nghệ thông tin trong việc nâng cao hiệu quả tổ chức phiên tòa.

Không chỉ dừng lại ở các vụ án dân sự và hình sự, ngày 20/8/2024, TAND huyện Thới Bình đã xét xử một vụ án hình sự rút kinh nghiệm về tội “Đánh bạc” với các bị cáo Nguyễn Thị Nhi và Hồ Văn Nghĩ. Phiên tòa diễn ra nghiêm túc, chú trọng làm rõ hành vi phạm tội, nhân thân của từng bị cáo, và áp dụng mức hình phạt phù hợp với mức độ vi phạm. Sau khi kết thúc, buổi họp rút kinh nghiệm đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế trong cách nghiên cứu hồ sơ và xử lý tình huống tại phiên tòa, giúp các Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký nâng cao kỹ năng chuyên môn.

Ngày 1/8/2024, TAND TP Cà Mau cũng đã tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng gia công. Điểm cầu trung tâm tại trụ sở TAND TP Cà Mau, đối với TAND tỉnh và TAND huyện được kết nối đường truyền, thiết bị kỹ thuật để theo dõi rút kinh nghiệm.

Đây là một bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử, tạo điều kiện để nhiều điểm cầu có thể tham gia học hỏi kinh nghiệm. Kết quả của phiên tòa không chỉ nâng cao kỹ năng điều hành phiên tòa mà còn góp phần phát triển tư duy phân tích, đánh giá chứng cứ của các thành viên tham gia xét xử.

Phiên tòa rút kinh nghiệm không chỉ giúp giải quyết các vụ án một cách minh bạch, công bằng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp. Với những thành công đã đạt được, mô hình này sẽ tiếp tục là công cụ đắc lực trong tiến trình cải cách tư pháp, hướng tới xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp và đáp ứng tốt kỳ vọng của xã hội.

Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là bước đi thiết yếu trong việc hiện đại hóa hệ thống Tòa án. Không chỉ mang lại hiệu quả trong đào tạo thực tiễn, hình thức này còn góp phần xây dựng nền tảng pháp lý công bằng, minh bạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cải cách tư pháp trong thời đại mới.