Nâng cao chất lượng xét xử trong bối cảnh chuyển đổi số

Nâng cao chất lượng xét xử trong bối cảnh chuyển đổi số

Trong dòng chảy chuyển đổi số, khi công nghệ ngày càng len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống, hệ thống Tòa án cũng không thể đứng ngoài cuộc. Việc ứng dụng công nghệ vào công tác xét xử không chỉ giúp nâng cao hiệu quả, giảm thiểu thời gian, mà còn tạo dựng một hệ thống tư pháp công bằng, minh bạch và hiện đại hơn. Đặc biệt, tại TP. Đà Nẵng, nơi nhiều năm nay được biết đến như một trung tâm năng động và sáng tạo, Tòa án đang từng bước đón nhận làn sóng chuyển đổi số với quyết tâm và nỗ lực. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức cho các đơn vị Tòa án, đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực và đồng bộ để xây dựng nền tảng xét xử vững chắc trong thời đại công nghệ.

Trên con đường số hóa phải khẳng định rằng, hạ tầng công nghệ là nền tảng cốt lõi. Một hệ thống mạng ổn định, tốc độ cao và hệ thống lưu trữ hiện đại không chỉ giúp bảo mật dữ liệu, mà còn đảm bảo khả năng vận hành trơn tru cho công tác xét xử điện tử. Đầu tư vào thiết bị chất lượng cao cho mỗi phòng xử án, bao gồm máy tính, màn hình và hệ thống âm thanh – hình ảnh hiện đại, sẽ tạo điều kiện để các phiên tòa trực tuyến diễn ra thông suốt, nhất là trong các phiên xét xử có các bên tham gia từ xa.

8-11-chuyendoiso-21.jpgTại Đà Nẵng, quá trình chuyển đổi số trong công tác xét xử đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Ví dụ, TANDCC tại Đà Nẵng đã đầu tư một hệ thống truyền phát hình ảnh và âm thanh chất lượng cao, hỗ trợ các phiên tòa xét xử trực tuyến hiệu quả, ngay cả khi có các nhân chứng từ những địa phương khác. Điều này không chỉ tăng tính tiện lợi, mà còn đảm bảo công lý được thực hiện nhanh chóng.

Cùng với đó, hệ thống hồ sơ điện tử và cơ sở dữ liệu tập trung giúp các Tòa án giảm tải công việc lưu trữ giấy tờ, đồng thời nâng cao khả năng truy xuất và quản lý thông tin vụ án. Một cơ sở dữ liệu chung, kết nối với các cơ quan tư pháp như viện kiểm sát, công an, sẽ giúp các bên dễ dàng phối hợp, rút ngắn thời gian và tăng cường tính minh bạch trong công tác xét xử.

Tại Đà Nẵng, việc xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ điện tử sẽ cho phép cán bộ truy cập dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác, đồng thời tăng cường an toàn thông tin cho các hồ sơ vụ án. Đây là bước đi cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống Tòa án trong thời đại số hóa.

Trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra nhiều tiềm năng mới trong xét xử, đặc biệt trong việc phân tích hồ sơ và đề xuất các kết quả xét xử dựa trên tiền lệ pháp lý. AI có thể hỗ trợ phân loại các vụ án, đề xuất các tài liệu tham khảo, hoặc đưa ra các gợi ý phán quyết, từ đó giúp thẩm phán tập trung vào việc ra quyết định với đầy đủ thông tin.

Trên thế giới, tại Mỹ và Singapore, AI đã được triển khai trong các khâu quản lý và phân tích hồ sơ vụ án, cho phép tiết kiệm thời gian và giảm tải công việc. Vậy Tòa án nói chúng và các Tòa án tại Đà Nẵng rói riêng có thể thử nghiệm những ứng dụng này nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, đồng thời cải thiện chất lượng các quyết định xét xử.

Nếu như việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin giúp cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả công việc thì nhân sự là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Việc thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng công nghệ cho cán bộ Tòa án giúp họ nắm bắt và sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ hiện đại, từ phần mềm quản lý hồ sơ đến hệ thống hỗ trợ xét xử trực tuyến. Những chương trình đào tạo này không chỉ nâng cao năng suất mà còn tạo sự chủ động cho đội ngũ cán bộ trong quá trình làm việc với công nghệ mới.

8-11-chuyendoiso-22.jpgXây dựng Tòa án điện tử hướng tới nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số, triển khai các hoạt động tố tụng trực tuyến, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của tòa án.

Để tối ưu hóa việc này, giải pháp đưa ra đó là các Tòa án tại Đà Nẵng có thể liên kết với các tổ chức đào tạo công nghệ hoặc các trường đại học để triển khai các khóa học phù hợp, từ cơ bản đến nâng cao, giúp cán bộ tiếp cận công nghệ mà không ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.

Bảo mật thông tin và quyền riêng tư trong xét xử số hóa luôn là một vấn đề đáng quan tâm. Để đảm bảo an toàn dữ liệu, cán bộ cần được trang bị kiến thức về các biện pháp bảo mật, từ việc quản lý mật khẩu cho đến quy trình phòng chống các tấn công mạng. Nâng cao nhận thức bảo mật không chỉ bảo vệ các bên liên quan trong mỗi vụ án mà còn giúp đảm bảo uy tín và an toàn của hệ thống Tòa án…

Theo Chánh án TAND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Cảnh, trong thời gian tới, để quản lý toàn diện các hoạt động của ngành, quản lý hoạt động cụ thể của từng loại việc, từng cá nhân, từng đơn vị trực thuộc, góp phần thúc đẩy tính công khai, minh bạch, nhanh chóng, chính xác để pháp luật, công lý được thực thi hiệu quả, TAND hai cấp thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Tăng cường cơ sở vật chất của hệ thống TAND theo hướng đồng bộ, hiện đại, xứng đáng với vị thế của cơ quan tư pháp. Bố trí nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ công tại bộ phận hành chính tư pháp tại từng đơn vị để từng bước thực hiện chuyển đổi số trong Tòa án 2 cấp, nhất là hướng tới thực hiện hoạt động giao dịch điện tử với người khởi kiện, đương sự, người tham gia tố tụng và các dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và trên Cổng dịch vụ của TAND.

Xây dựng Tòa án điện tử hướng tới nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số, triển khai các hoạt động tố tụng trực tuyến, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của tòa án. Tăng cường quản lý án, số hóa hồ sơ, tài liệu, phối hợp với Viện kiểm sát thực hiện phiên tòa có áp dụng trình chiếu chứng cứ trong các phiên tòa hình sự đảm bảo đầy đủ diễn biến sự việc, động cơ, mục đích phạm tội; tính chất, mức độ nguy hiểm mà bị cáo gây ra, góp phần nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng.

Thực hiện Đề án của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, TAND 2 cấp sẽ tiến hành đánh giá về thực trạng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số và kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực sẵn sàng thực hiện khi có hướng dẫn của TAND tối cao về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; cung cấp dịch vụ xác thực thông tin đối với các đương sự, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng… trên Cổng dịch vụ TAND để phục vụ triển khai tố tụng điện tử và xét xử trực tuyến. Và cuối cùng là sau khi việc lắp đặt các thiết bị theo Đề án phiên tòa trực tuyến đã hoàn thành sẽ tiến hành tổ chức xét xử trực tuyến các phiên tòa dân sự, phiên họp áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, đảm bảo tất cả các loại vụ án đều được xét xử trực tuyến.

8-11-chuyendoiso-23.jpgChuyển đổi số đã, đang và sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành tư pháp, đặc biệt là trong việc xây dựng một hệ thống xét xử hiệu quả và hiện đại.

Chuyển đổi số đã, đang và sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành tư pháp, đặc biệt là trong việc xây dựng một hệ thống xét xử hiệu quả và hiện đại. Với các giải pháp về nâng cấp hạ tầng, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực …, các Tòa án tại Đà Nẵng có thể vượt qua các thách thức hiện tại, đáp ứng kỳ vọng của người dân và đóng góp vào sự phát triển chung của nền tư pháp Việt Nam. Những giải pháp này, khi được thực hiện đồng bộ và bền vững, sẽ tạo dựng một nền tảng tư pháp số hóa hiện đại, đảm bảo rằng công lý luôn được thực thi.

Có thể khẳng định rằng, việc nâng cao chất lượng xét xử trong thời đại số hóa không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là cơ hội lớn để hệ thống tư pháp phát triển bền vững và phù hợp với xu hướng toàn cầu. Những giải pháp đồng bộ và sáng tạo từ cải tiến công nghệ đến xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp sẽ giúp các Tòa án tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ đảm bảo công lý nhanh chóng và minh bạch mà còn tạo niềm tin mạnh mẽ cho người dân vào hệ thống tư pháp. Hành trình chuyển đổi số của ngành tư pháp tuy còn dài và nhiều thách thức, nhưng nếu thực hiện tốt, chắc chắn sẽ mang lại những giá trị to lớn cho xã hội và khẳng định sự tiến bộ của hệ thống Tòa án trong thời kỳ mới.