Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(Dân sinh) – Năng suất lao động được xác định là “chìa khóa” để Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong cuộc đua tăng trưởng với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Tổng Cục thống kê công bố mới đây đã cho thấy mặc dù đã được cải thiện, nhưng mức năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới…

Năng suất lao động thấp- Việt Nam dễ bị tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình

Theo ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năng suất lao động của Việt Nam đã tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong 10 năm 2011-2020 đạt 6%. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5%; giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4%, (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5%).

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có mức năng suất lao động thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê của WB, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 (tính theo PPP năm 2017) là 18,4 nghìn USD, thấp hơn so với Ấn Độ (20,3 nghìn USD), Philippine (21,3 nghìn USD), Malaysia (55,8 nghìn USD) và thua xa Hàn Quốc (80,2 nghìn USD) và Singapore (162,6 nghìn USD)…

Theo Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thực trạng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay rất thấp so với các nước trong khu vực là do quy mô nền kinh tế còn nhỏ, xuất phát điểm thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh  từ các ngành sử dụng nhiều lao động, có năng suất lao động thấp sang các ngành tạo ra nhiều giá trị gia tăng, có năng suất lao động cao hơn còn chậm.

Không những thế, lao động trong nông nghiệp và lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng cao, có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp; máy móc thiết bị, quy trình công nghệ dùng trong sản xuất lạc hậu; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập.Và cuối cùng rào cản về thể chế, cải cách hành chính ảnh hưởng đến tăng năng suất lao động của nền kinh tế nước ta.

“Năng suất lao động chậm được cải thiện, chênh lệch tuyệt đối tiếp tục gia tăng so với các nước trong khu vực phản ánh năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta suy giảm so với các nước; sản phẩm Việt có thể bị thua ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp gây thêm khó khăn cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực; khó thu hút được các dự án FDI đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng cao, điều này đưa đến kinh tế Việt Nam dễ bị tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình”-.  Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động


Tháo gỡ những “điểm nghẽn” để tăng năng suất lao động

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen, cho rằng tăng trưởng bền vững phải dựa vào tăng trưởng năng suất, trong đó, năng suất lao động là một khía cạnh quan trọng, bởi năng suất lao động gắn với gia tăng thu nhập. Trong khi tăng trưởng năng suất lao động một phần dựa trên phát triển nguồn nhân lực.

Theo bà Ingrid Christensen, ở Việt Nam, các công việc đòi hỏi kỹ năng cao chiếm khoảng 12% tổng số việc làm. Việt Nam hướng đến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 cũng đồng nghĩa với việc số lượng việc làm yêu cầu kỹ năng cao cũng nhiều gấp đôi.

Bên cạnh đó, lao động có việc làm phi chính thức đã giảm đáng kể ở Việt Nam trong 15 năm qua nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số lao động có việc làm. Tỷ lệ phi chính thức cao nghĩa là hầu hết người lao động Việt Nam kiếm sống dựa vào các hoạt động có năng suất thấp, tạo ra thu nhập thấp và không có bất kỳ sự bảo hộ nào. Bà Ingrid Christensen  cho rằng vấn đề phi chính thức không chỉ gói gọn trong khả năng tiếp cận an sinh xã hội. Khi bộ phận này của thị trường lao động vẫn đang có năng suất, trình độ kỹ năng thấp, làm các công việc được trả công thấp, thì Việt Nam sẽ không thể tận dụng tối đa tiềm năng về năng suất lao động của mình.

Theo TS. Đặng Đức Anh, năng suất lao động được xác định là “chìa khóa” để Việt Nam “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên” trong cuộc đua tăng trưởng với các nước trong khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh dư địa tăng trưởng truyền thống dần hạn hẹp.Trước thực tế này, khung chính sách nền tảng cho cải thiện năng suất lao động đã được ban hành theo nhiều nhóm hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các chính sách cụ thể hỗ trợ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

“Tuy vậy, thể chế, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp thực hiện các giải pháp và chưa xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong đảm bảo thực hiện thực chất và hiệu quả”, ông Đức Anh nhận định.

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng thực thi chính sách mới là lý do chính “cản trở” nâng cao năng suất. Do vậy, cần thành lập một ủy ban về nâng cao năng suất lao động quốc gia và  phải có cơ chế đặc thù để ủy ban có thể triển khai nhiều hoạt động mà quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn.