Trước khi giành học bổng của Chính phủ Singapore, Nguyên Khoa, 14 tuổi, đạt điểm SAT trong top 5% thế giới, mở lớp online về môn Toán cho bạn bè.
Nguyên Khoa nhớ rõ cảm giác vui mừng khi nhận email thông báo kết quả, trưa 27/8. ASEAN là học bổng của chính phủ Singapore dành cho học sinh cấp hai ở Đông Nam Á, thường trao cho 20-40 học sinh Việt mỗi năm.
“Em hét lên ‘Yes! Yes!’ rồi chạy ra ôm mẹ và em trai”, Khoa kể. “Em đoán mình đỗ học bổng sau vòng phỏng vấn rồi, nhưng vẫn rất vui”.
Với học bổng này, Khoa được đài thọ toàn bộ học phí, sinh hoạt phí cho hai năm trung học và hai năm dự bị đại học ở Singapore. Một số trợ cấp khác gồm ký túc xá, trợ cấp ổn định ban đầu, phí dự thi lấy chứng nhận GCE O-Level và GCE A-Level (kỳ thi tốt nghiệp THCS và THPT ở Singapore) và bảo hiểm.
Cuối năm ngoái, nam sinh lớp 8 trường THCS Hà Huy Tập, TP HCM, thi SAT đạt 1440/1600 điểm, trong nhóm 5% cao nhất. Đây là bài thi chuẩn hóa, thường được các đại học Mỹ dùng xét tuyển đầu vào. Năm ngoái, điểm trung bình của 1,9 triệu học sinh toàn thế giới là 1028.
Nguyên Khoa trong lễ khai giảng ở trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP HCM, sáng 5/9. Ảnh: Gia đình cung cấp
Nguyên Khoa biết đến học bổng ASEAN từ hè năm lớp 6. Vì tò mò, em làm bài thi thử ở một trung tâm luyện thi. Với 65/100 điểm, Khoa khiến thầy cô ngạc nhiên, khuyến khích em theo đuổi mục tiêu này.
Cùng năm, Khoa có cơ hội sang Singapore tham gia một cuộc thi robotic ở Đại học Nanyang. Ấn tượng cách quốc đảo này áp dụng công nghệ vào mọi mặt của đời sống như giao thông công cộng, trường học và thủ tục xuất, nhập cảnh, nam sinh càng quyết tâm chinh phục học bổng.
Lên lớp 8, Khoa lập kế hoạch hình kim tự tháp, ghi rõ các đầu việc để đạt mục tiêu, gồm học tập, ngoại khóa, các bài thi và vòng phỏng vấn.
Khoa nhận định cần đạt điểm trung bình học tập 9,5/10 và rèn luyện thể chất trước tiên. Em thường đạp xe đến trường mỗi buổi sáng, học và hoàn thành đủ bài tập trên lớp. Thời gian rảnh, nam sinh lập trình, chụp ảnh và đi bơi. Mọi hoạt động kết thúc trước 10 giờ tối nên Khoa vẫn ngủ đủ, không bị mệt dù thời gian biểu dày đặc.
Ưu tiên tiếp theo của Khoa là cải thiện khả năng ở môn Toán và Tiếng Anh, để không chỉ làm tốt bài thi học bổng, mà còn sẵn sàng với cuộc sống du học.
Theo Khoa, bài thi Toán gồm 35 câu hỏi tự luận, không khó nhưng áp lực về thời gian. Sau nhiều lần luyện tập và thi thử, nam sinh nhận ra cách hay nhất là làm lần lượt các câu dễ, rồi xử lý từng câu khó theo khả năng.
“Câu nào quá sức, em cố gắng ‘ăn điểm’ ở từng bước trình bày”, Khoa kể.
Ở lần thi SAT vào cuối năm ngoái, Khoa cũng đạt điểm gần tuyệt đối phần Toán (790/800). Nam sinh cho biết luôn tự tin với các bài Toán bằng tiếng Anh vì đã làm quen từ nhỏ, cộng thêm có kinh nghiệm dạy trực tuyến môn này trong hai năm Covid-19.
Buổi dạy đầu tiên của “thầy giáo” Nguyên Khoa, khi đó 11 tuổi, thu hút hơn 70 học sinh tiểu học. Khoa chủ yếu hướng dẫn các bạn cách sử dụng Khan Academy, nền tảng học tập miễn phí, để ôn lại kiến thức cũng như tự học theo nhu cầu. Dự án có tên Math Hunter, đến nay đã có hơn 700 người học, trở thành một điểm cộng về hoạt động ngoại khóa trong hồ sơ của Khoa.
Khoa cùng bố chuẩn bị buổi dạy trực tuyến. Ảnh: Gia đình cung cấp
Về tiếng Anh, nam sinh có nền tảng tốt nhờ bắt chước mẹ học trên Duolingo, một ứng dụng học ngoại ngữ, từ năm ba tuổi.
Khoa biết bài thi tiếng Anh của học bổng gồm hai phần là Đọc hiểu và Viết luận. Với phần Đọc hiểu, nam sinh nhận định đề vừa sức, chỉ cần nắm vững ngữ pháp, từ vựng, thành ngữ và cụm từ. Còn phần Viết luận hỏi hiểu biết và quan điểm của thí sinh về các vấn đề kinh tế – xã hội, em phải đầu tư thời gian hơn. Bên cạnh luyện cách dùng đa dạng mẫu câu, Khoa còn đọc tờ The Straits Times để tăng hiểu biết xã hội, cập nhật tin tức ở Singapore, lấy đó làm tư liệu viết luận.
“Em thường xem tin tức dạng video vì vừa thu được thông tin trọng tâm trong thời gian ngắn, vừa làm quen với Singlish, giọng tiếng Anh của người Singapore”, Khoa nói.
Vượt qua bài thi, Nguyên Khoa có hai tuần để chuẩn bị cho vòng phỏng vấn. Khoa cảm ơn bốn người thầy, đều là người quen của gia đình hoặc do nhà trường kết nối, đã hướng dẫn em cách nói ngắn gọn, đúng trọng tâm và thuyết phục. Trong đó, thầy Choudhury, giáo viên dạy Nói ở trường, là người giúp Khoa luyện phỏng vấn thử.
“Lúc đó, thầy phải liên tục di chuyển giữa các bang ở Mỹ nhưng vẫn nhiệt tình góp ý cho em, có hôm đến hai giờ sáng”, Khoa kể. “Thầy rất nhiều năng lượng và truyền cảm hứng”.
Khoa trò chuyện với đại biểu người Bangladesh trong một hội thảo quốc tế. Ảnh: Gia đình cung cấp
Song, hành trình của chinh phục học bổng ASEAN của Khoa không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh kể con từng nói muốn bỏ cuộc, chỉ vài ngày trước phỏng vấn.
“Khoa bảo mệt, không cố gắng được nữa”, chị Hạnh nhớ lại. “Mình chỉ lắng nghe và hứa dù đậu hay rớt, mẹ cũng không nói gì. ‘Cuộc chơi’ này hoàn toàn do con quyết định”.
Khi đó, Khoa suy nghĩ, cuối cùng chọn thi tiếp vì nhớ lại mục tiêu ban đầu: học công nghệ ở một đất nước phát triển. Nhờ luyện tập nhiều, Khoa nắm được cách kể câu chuyện về mình, gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh.
Tháng 11 tới, Nguyên Khoa sẽ sang Singapore nhận trường và ký túc xá, trước khi bắt đầu học chính thức vào tháng 1 năm sau. Em khá lo lắng với các môn xã hội bởi đây không phải sở trường nên sẽ dành nhiều thời gian hơn.
Cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập, nói dù không trực tiếp giảng dạy nhưng luôn theo sát và ấn tượng với hành trình học tập của Nguyên Khoa.
“Khoa làm việc khoa học, năng động trong tư duy và thân thiện với bạn bè”, cô nhận xét. “Em ấy không phải học sinh giỏi nhất, nhưng đứng nhất về khả năng lan tỏa tinh thần hiếu học”.
Phương Anh