Nam sinh chuyên Anh chinh phục trường Y số 1 nước Mỹ

Nam sinh chuyên Anh chinh phục trường Y số 1 nước Mỹ

Vốn có triển vọng môn Toán, Bảo Khôi bất ngờ chuyển sang chuyên Anh, trước khi giành học bổng 7,8 tỷ đồng của Đại học Johns Hopkins, Mỹ.

Một tuần trước, Nguyễn Đức Bảo Khôi, học sinh lớp 12, trường Phổ thông Năng khiếu, TP HCM, như bùng nổ khi nhận thư của Đại học Johns Hopkins, lúc 3h sáng.

“Em mở mail khi đang mơ màng, đọc dòng chữ chúc mừng và học bổng 80% mà không tin nổi. Mẹ em cũng hỏi đi hỏi lại, sau đó cả nhà mới reo lên ăn mừng”, Khôi kể.

Nam sinh thở phào, nhẹ nhõm bởi bao công sức, vất vả đã được đền đáp xứng đáng. Theo em, Đại học Johns Hopkins là ngôi trường mơ ước với những ai muốn theo đuổi ngành Y, lĩnh vực Khoa học thần kinh mà em ứng tuyển luôn có tỷ lệ cạnh tranh cao. Mức học bổng trường cấp bằng 80% tổng học phí cũng vượt kỳ vọng của gia đình.

Johns Hopkins hiện đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng đại học Mỹ và đứng đầu về ngành Khoa học Y sinh, theo US News and World Report. Tỷ lệ chấp nhận hồ sơ của trường trong các kỳ tuyển sinh thường ở mức 7%.

Trên website, đại học này công bố mức học phí là 64.730 USD (1,65 tỷ đồng) một năm. Nếu cộng cả chi phí sinh hoạt, tài liệu, sách vở…, tổng số tiền lên tới khoảng 90.000 USD.

Nam sinh TP HCM chinh phục ĐH Johns Hopkins với bài luận dấu vân tay

Nguyễn Đức Bảo Khôi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khôi nhìn nhận lý do khiến mình đỗ và được cấp học bổng nhờ bộ hồ sơ nhất quán. Thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu và bài luận đều cho thấy sự đầu tư và niềm đam mê của em với Sinh học nói riêng và ngành Y nói chung.

“Từ nhỏ, em được bố mẹ truyền tai rằng ngành Y rất khó. Ban đầu xuất phát từ ham muốn chinh phục, nhưng lớn hơn em hiểu đây là ngành cao quý”, Khôi kể. Lên cấp hai, em nổi trội ở ba môn Toán, Hóa, Sinh nên càng tin tưởng đây là ngành học phù hợp với bản thân.

Dù vậy, khi vào cấp 3, Khôi quyết định thi vào lớp chuyên Anh của trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM. Theo em, khi xác định đi du học Mỹ, tiếng Anh rất quan trọng, từ việc tìm hiểu thông tin, làm hồ sơ cho đến việc thích nghi với cuộc sống xa nhà sau này.

Ngày học lớp 10, em vạch kế hoạch tự học trước chương trình lớp 11. Đến cuối năm lớp 11, nam sinh đã nắm toàn bộ kiến thức THPT. Thời gian trong năm học, em chú ý những đợt kiểm tra định kỳ, còn lại tập trung cho hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu, ôn thi SAT (bài thi chuẩn hóa quốc tế), học AP (chương trình dự bị đại học ở Mỹ).

Kết quả, ngoài điểm tổng kết ở trường 9,8, Khôi thi đạt IELTS 8.5, điểm SAT 1560/1600, và vượt qua kỳ thi AP môn Toán, Hóa.

Ngoài điểm số, Khôi cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học là điểm mạnh trong bộ hồ sơ. Ở trường Phổ thông Năng khiếu, học sinh có cơ hội đến học hỏi ở các phòng nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TP HCM. Cuối năm lớp 10, em bắt đầu tham gia phòng nghiên cứu về não bộ của TS Hà Thị Thanh Hương. Ở đây, Khôi quan sát các anh, chị sinh viên làm nghiên cứu, được tự tay làm một số thí nghiệm nhỏ. TS Hương cũng là người truyền cảm hứng để em tìm hiểu và chọn đi theo ngành Khoa học thần kinh.

Kế đó, em tham gia vào nhóm nghiên cứu của thầy Phan Lữ Chính Nhân, Viện Tế bào gốc, được nghe giảng, hướng dẫn cách viết bài báo nghiên cứu khoa học.

Nhờ những trải nghiệm này, hè năm lớp 11, Khôi nhận dự án khảo sát hoạt tính oxi hóa, chống viêm, kháng khuẩn của quả đủng đỉnh (một loại dược liệu), ở Viện Vật liệu ứng dụng thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Lúc nhận dự án, em còn chưa biết “quả đủng đỉnh” như thế nào, lóng ngóng với các thiết bị, chưa có kinh nghiệm khi thao tác, đo lường chỉ số. Khôi kể có những ngày ngồi từ 8h đến 17h chỉ để bóc vỏ, pha chế hóa chất, đo thông số thí nghiệm nhưng thất bại liên tục. Vất vả nhất là việc di chuyển khoảng 20 km mỗi ngày đến phòng thí nghiệm ở huyện Hóc Môn. Nhiều hôm Khôi về tới nhà khi trời đã tối mịt, phải tranh thủ ăn cơm, bánh mì trên đường đến lớp học thêm. Thời gian này, em hiếm khi đi ngủ trước 12h đêm.

“Đây là khoảng thời gian căng thẳng, mệt mỏi nhất nhưng em không nghĩ đến buông xuôi vì tính em đã quyết làm gì thì muốn cố đến cùng”, nam sinh nói. “Những lúc nản lòng, em luôn tự nhủ cố thêm một chút nữa, khi đã hết mình thì kết quả ra sao cũng sẽ không hối hận”.

Với bài luận, Khôi chuẩn bị từ tháng 3, nhưng 5 ngày trước khi nộp hồ sơ, dưới sự tư vấn của các thầy cô, Khôi quyết định thay đổi toàn bộ. Em chọn kể lại hành trình nhận ra sự quan trọng của những đóng góp thầm lặng cho xã hội.

Khôi mở bài bằng hình ảnh dấu vân tay – dấu ấn riêng biệt và là một cách định danh, tìm kiếm một người trong xã hội rộng lớn. Do da khô và bong tróc, mẹ em hầu như không thể sử dụng dấu vân tay, kể cả việc đơn giản như mở khóa cửa, khóa điện thoại. Nhưng mẹ vẫn có thể “định vị” mình thông qua đóng góp cho xã hội và là người chăm lo gia đình, có sức ảnh hưởng lớn trong mọi lựa chọn của em.

Từ đó, Khôi liên tưởng đến hành trình của mình. Từ nhỏ, em khao khát giành thành tích cao ở trường, các cuộc thi để khẳng định bản thân. Nhưng suy nghĩ của em thay đổi khi đến một mái ấm dành cho trẻ mồ côi ở Đồng Tháp vào hè năm lớp 11. Em nhận ra tầm quan trọng của những đóng góp thầm lặng cho xã hội. Không ai biết chuyến đi đó ngoài những đứa trẻ, nhưng sự có mặt của em và bạn bè có thể đã mang lại niềm vui hoặc điều gì đó tích cực cho trẻ em ở đây.

Khôi cùng mẹ - người có nhiều ảnh hưởng đến em trong hành trình trưởng thành. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khôi cùng mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, cho biết chú ý đến Khôi từ cuộc thi American Math Olympiad (AMO) những năm 2016, 2017. Lúc này, Khôi còn học tiểu học và được đánh giá có năng khiếu, tiềm năng phát triển môn Toán. Năm 2022, TS Dũng gọi điện chúc mừng học sinh đỗ top 3 chuyên Anh, và bất ngờ khi đầu dây bên kia là Khôi.

Phụ trách môn Toán năm lớp 10, thầy Dũng nhận thấy nam sinh có sự kiên trì, bền bỉ và tò mò. Sau mỗi bài kiểm tra, dù đạt điểm tuyệt đối hay mắc một lỗi nhỏ, em đều hỏi lại thầy phương pháp giải bài, cách trình bày hợp lý nhất.

Gần như chắc chắn sẽ nhập học ở Johns Hopkins vào mùa thu năm 2025 nhưng Khôi nói sẽ không chểnh mảng học hành. Em vẫn tập trung học các môn Toán, Hóa, Sinh và Tiếng Anh để thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Y Dược TP HCM.

“Em cũng bắt đầu mường tượng về cuộc sống đại học. Em sẽ xem, học trước một số tài liệu hoặc các môn cho phép học online của trường”, Khôi chia sẻ.

Lệ Nguyễn