Hà TĩnhCả trăm cảnh sát lật từng viên gạch trong hầm, trèo lên mái nhà kiểm tra điểm cất giấu và đã thu hơn 530 khẩu súng, 36.000 viên đạn trong đường dây mua bán của Vũ Anh Tú.
Vũ Anh Tú, 31 tuổi, trú huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, có mối quan hệ với “dân anh chị” tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Quá trình tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội, Tú khai nhận thấy nhiều người thường đăng bài hỏi mua các loại súng quân dụng để sử dụng nên lập đường dây mua bán vũ khí xuyên quốc gia.
Tú nhập nhiều loại súng đồ chơi từ nước ngoài về, thay đổi các linh kiện bên trong như gia cố nòng súng, lắp thêm kim hỏa (bộ phận cơ cấu súng tác động vào ngòi nổ của hộp đạn để phát nổ) để nâng cao độ sát thương, tiếp đó quét lớp sơn mới nhằm “phù phép” cho đẹp.
Một năm lần theo đường dây mua bán hàng nghìn khẩu súng
Nghi can Tú khai cách thức “độ” súng đồ chơi thành súng quân dung. Video: Đức Quang
Một khẩu súng mua vào giá 200.000 đồng, phụ kiện 400.000 đồng. Sau khi “độ”, được bán mức thấp nhất 5 triệu đồng, trung bình 10-15 triệu đồng. Nếu khách có nhu cầu lắp sẵn, Tú và đàn em sẽ nhập linh kiện đắt tiền về làm theo chỉ dẫn, thu 70-80 triệu đồng, một số khẩu giá hơn 100 triệu đồng.
Đường dây có 6 người cầm đầu. Tú điều hành chung, chịu trách nhiệm “độ” súng. Những người phía dưới phụ trách gom đạn, hộp, nòng giảm thanh… Tú chỉ bán phần thân súng, giao dịch xong thì đề nghị khách mua thêm đạn và các bộ phận khác để sử dụng. 6 người quản lý sẽ thu lợi nhuận trên mỗi phụ kiện mà mình bán ra, sau đó góp quỹ chung để trả lương mỗi tháng 5-7 triệu đồng cho hàng chục “chân rết” làm nhiệm vụ đăng tin, môi giới bán hàng… tại nhiều tỉnh, thành phố.
Nhóm của Tú thường liên lạc với nhau bằng tài khoản ảo trên mạng xã hội hoặc sim rác. 6 quản lý và các “chân rết” chưa từng gặp mặt nhau trực tiếp, hàng ngày báo cáo công việc qua nhóm chát kín, trả lương qua thẻ ngân hàng. Khách mua súng sẽ phải để lại thông tin liên lạc, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc ship COD (nhận hàng, kiểm tra rồi trả tiền cho nhân viên chuyển phát nhanh).
Nhận đơn hàng, Tú và đàn em tháo rời linh kiện của các khẩu súng, sau đó chia nhỏ ra thành nhiều gói nhỏ để tránh bị nghi ngờ, thuê các công ty chuyển phát nhanh, xe ôm công nghệ, xe khách, tàu hỏa… giao cho người mua.
Hàng chục khẩu súng đồ chơi được Tú và đồng phạm “phù phép” thành súng quân dụng có tính sát thương cao, đóng hộp đem bán. Ảnh: Công an cung cấp
Tháng 11/2023, quá trình xử lý những vụ án cố ý gây thương tích trên địa bàn, trước việc nhiều nghi phạm khai mua súng qua mạng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đã lập chuyên án truy tìm ngược lại nguồn gốc số vũ khí.
Trinh sát kỹ thuật đã rà soát trên mạng trong ba tháng để tìm phương thức, thủ đoạn và danh tính của những người liên quan. “Nghi phạm trải dài trên cả nước, không ở một nơi cố định nên xác minh lai lịch và nhân thân rất khó khăn. Chúng tôi phải làm kín kẽ, tránh rút dây động rừng, chỉ cần một sai sót nhỏ là chúng xóa sạch dấu vết”, một cán bộ điều tra nói.
Trinh sát phát hiện Tú cùng 5 người đứng đầu có mối liên hệ mật thiết với những nghi phạm mua bán vũ khí ở Campuchia, Lào. Ngoài giao dịch vũ khí, Tú cũng muốn mở rộng thị trường ra ngoài lãnh thổ Việt Nam để tăng thêm thu nhập, ngoài ra khi bị “động” sẽ nhờ đối tác hỗ trợ bỏ trốn ra nước ngoài bằng đường tiểu ngạch.
Một năm lần theo đường dây mua bán hàng nghìn khẩu súng
Cuộc đột kích bắt Tú và đồng phạm, thu tang vật hồi đầu tháng 11. Video: Hùng Quang
Theo trinh sát, dù chứng cứ cơ bản có đầy đủ từ giữa năm 2024, song ban chuyên án phân tích nếu thời điểm đó đánh án thì chỉ giải quyết được phần ngọn, những kẻ chủ mưu vẫn chưa lộ diện hết. Đặt mục tiêu xử lý tận gốc, các tổ công tác tiếp tục di chuyển hàng nghìn km để tiếp tục theo dõi.
“Dù đa phần chưa từng gặp nhau ngoài đời song đường dây có liên kết rất chặt chẽ, chỉ cần một kẻ bị lộ thì thông tin sẽ truyền tới các hội nhóm. Do vậy cần chọn thời điểm phá án đồng bộ để chúng không kịp trở tay”, một trinh sát nói.
Đến tháng 11, Công an tỉnh Hà Tĩnh huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ lập 15 tổ công tác, phối hợp với Bộ Công an cùng nhà chức trách các tỉnh Ninh Bình, TP HCM, Hậu Giang, Tây Ninh… đột kích hàng chục địa điểm cất giấu vũ khí của đường dây do Tú cầm đầu, bắt 43 người.
Cán bộ điều tra cho hay trước khi phá án đã rất “cân não”, bởi đây là nhóm tội phạm nguy hiểm, sẵn sàng bắn trả. Do đó cần phải đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ cũng như những người dân sống gần hiện trường.
“Chúng tôi thở phào khi cuộc đột kích không có tiếng súng”, trinh sát nói và cho hay đa số nghi phạm đều tỏ ra bất ngờ khi bị khống chế, tuy nhiên ban đầu chúng tỏ ra ngoan cố, bảo trong nhà chẳng chứa tang vật đáng ngờ, “cứ tìm thoải mái”.
Trinh sát thu giữ lô súng bọc trong túi nylyon, giấu trên mái nhà của một nghi phạm. Ảnh: Công an cung cấp
Theo ban chuyên án, Tú và đồng phạm đào hầm sâu vài mét dưới nền nhà, sau đó dùng túi nylon bọc hàng chục khẩu súng rồi bỏ xuống dưới, lát gạch lại, trải chiếu lên. Những kẻ khác thì giấu súng trên mái của các nhà cao tầng, hoặc để tại những ngóc ngách của nhà hàng xóm, chôn ở góc vườn… Lúc thấy trinh sát lật từng viên gạch hoặc trèo lên ban công, mặt của chúng biến sắc.
Kết thúc cuộc soát xét, lực lượng chức năng thu 532 khẩu súng, hơn 36.000 viên đạn, 211,11 gam ma túy, hai quả lựu đạn. Cơ quan điều tra cáo buộc đường dây đã bán hơn 1.000 khẩu súng cho các đối tác ở trong và ngoài nước, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Hiện Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố, bắt Tú cùng 42 người về tội Tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Lãnh đạo Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đánh giá mua bán vũ khí trái phép là khởi nguồn cho những vụ án dùng hung khí giải quyết mâu thuẫn, gây ra các vụ cướp ngân hàng, đòi nợ thuê… Chính nhóm của Tú đã bán súng cho Nguyễn Mạnh Cường và Trần Văn Trí, hai nghi phạm gây ra vụ cướp ngân hàng, đâm bảo vệ tử vong chấn động Đà Nẵng hồi tháng 11/2023. Vì vậy, việc triệt phá đường dây góp phần ngăn ngừa những vụ trọng án có thể xảy ra trong tương lai.
Đức Hùng